Pin sạc dự phòng dỏm, nhái thương hiệu, chất lượng kém được bày bán công khai - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Vụ cháy chung cư PARC Spring vào chiều tối ngày 1-4 vừa qua đã được đại diện Phòng Cảnh sát PCCC quận 2, TP.HCM cho biết nguyên nhân bắt nguồn từ một cục sạc dự phòng cắm sạc ở đầu giường.
Đây không phải là lần đầu tiên một vụ cháy bắt nguồn từ pin sạc dự phòng nhưng vụ việc này là một lời cảnh báo nghiêm trọng về thực trạng sử dụng pin sạc dự phòng dỏm tràn lan hiện nay.
Sạc dỏm dễ rò rỉ điện
Nhận định từ câu chuyện nêu trên, một kỹ sư chuyên ngành điện tử cho biết có thể do việc cắm sạc pin dự phòng lâu ngày, điện sạc vào liên tục nhưng pin lại không có cơ chế tự ngắt mạch điện đã gây ra hiện tượng chập, cháy, nổ, dẫn đến vụ hỏa hoạn.
Theo vị kỹ sư này, có khả năng đầu cắm sạc (bao gồm một biến thế mini) đã không chuyển hoàn toàn nguồn điện 220V thông thường sang dòng DC (một chiều) cho vào pin, dẫn đến hiện tượng rò rỉ dòng điện AC (xoay chiều), làm đầu cắm sạc nóng lên và khi để lâu sẽ gây ra cháy, nổ; hoặc do cắm lâu ngày nên pin bị sạc nhồi liên tục, nhưng bo mạch trên pin lại không có cơ chế tự ngắt mạch khi đầy, dẫn đến nóng pin, gây ra cháy, nổ.
Nói về chất lượng pin sạc dự phòng dỏm, ông Trần Ngọc Nguyên - cố vấn giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) cấp cao của Công ty Schneider Electric IT Việt Nam - chia sẻ: “Trong một cuộc khảo sát thị trường mà chúng tôi thực hiện, người dùng rất dễ dàng tìm mua cho mình sạc dự phòng dung lượng cao 5.000 mAh - 20.000 mAh với giá rẻ, không nhãn mác bày bán công khai tại nhiều cửa hàng hoặc ngay trên nhiều con đường.
Các pin dự phòng này hầu hết sử dụng các cell pin không rõ nguồn gốc, không có thông tin đơn vị sản xuất cũng như chất lượng vi mạch, các mối hàn liên kết kém, dễ dẫn đến chập mạch, cháy nổ”.
Cụ thể, theo ông Nguyên, pin sử dụng trong sản xuất pin sạc dự phòng thường gặp là pin Nickel Cadmium, Lithium Ion (LI-Ion) hay cao cấp nhất là Lithium Ion Polymer (Li-Po).
Pin Nickel Cadmium là loại pin đã được sử dụng từ rất lâu, thuộc loại phổ thông, giá thành sản xuất rẻ nên thường được nhiều nhà sản xuất sử dụng để hạ giá thành sản phẩm. Hiện tại loại pin này đã bị cấm tại một số quốc gia vì chất lượng kém và mức độ ảnh hưởng độc hại của kim loại nặng trong quá trình sử dụng.
Các loại pin Lithium Ion cũng có loại sử dụng vỏ kim loại và đã bị nhiều hãng hàng không cấm mang lên cabin máy bay để tránh rủi ro cháy nổ.
Sử dụng pin sạc dự phòng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ, gây mất an toàn đến các thiết bị và hơn hết là sức khỏe của người dùng.
Ông Trần Ngọc Nguyên
Pin sạc dỏm bán như rau
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, trên nhiều đường phố ở TP.HCM hiện nay, người ta không khó để tìm thấy các cửa hàng bán pin sạc dự phòng. Thậm chí nhiều cửa hàng di động trên những chiếc xe máy với đầy đủ các sản phẩm pin sạc cũng đua nhau xuất hiện khắp các vỉa hè. Đó là chưa kể đến các cửa hàng online với hằng hà sa số các mẫu mã, thương hiệu pin sạc.
Người ta dễ dàng nhìn thấy từ những cái tên rất quen thuộc như: Apple, Samsung, Anker, Pisen cho đến những cái tên lạ hoắc như: Powerbank, eSaver, Yoobao, Amo… Mức giá bán cũng vô cùng phong phú, từ thấp nhất chỉ 99.000 đồng cho đến hàng triệu đồng.
Tuy nhiên điều đáng nói là sự quan tâm của người dùng đối với loại sản phẩm này chủ yếu chỉ dừng lại ở hai thông số: giá bán và dung lượng pin (tính bằng mAh). Chẳng hạn với 100.000 đồng, người ta có thể dễ dàng mua một pin sạc có tên Powerbank với dung lượng 2.600 mAh nhưng với cùng dung lượng, pin thương hiệu khác lại có giá đến 500.000 đồng.
Hoặc cũng với số tiền 99.000 đồng, người ta có thể dễ dàng chọn mua một pin sạc Prolink có dung lượng đến 7.200 mAh, trong khi phải cần hơn 1 triệu dồng để sở hữu viên pin có dung lượng tương đương của những thương hiệu cao cấp, được bảo hành đàng hoàng.
Thậm chí, trên trang web của một sàn giao dịch điện tử được quảng cáo rầm rộ còn rao bán mẫu pin sạc dự phòng Growntech GT có dung lượng khủng lên đến 20.000 mAh nhưng giá bán cũng chỉ có 99.000 đồng (!?).
Trong khi đó, người dùng lại thường chỉ quan tâm đến giá rẻ và dung lượng cao. Nhiều người chỉ cần xem qua mẫu mã là sẵn sàng móc ví mua ngay một pin sạc ngoài đường mà không cần biết đến bảo hành hay thương hiệu của sản phẩm.
Dùng sao cho an toàn?
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia, người dùng nên sử dụng pin sạc dự phòng chính hãng có thương hiệu và được đảm bảo về chất lượng trên thị trường để tránh trường hợp rò rỉ điện khi sạc.
Lưu ý không nên cắm sạc pin nguyên đêm hoặc trong thời gian dài không có sự kiểm soát để tránh trường hợp nguồn điện không ổn định hoặc sạc quá lâu cũng có thể dẫn đến cháy nổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận