08/12/2010 07:42 GMT+7

Chọn người giỏi không phải qua bằng cấp

THANH HÀ thực hiện
THANH HÀ thực hiện

TT - Ông PHAN MẠNH TIẾN đưa ra quan điểm như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 7-12 xung quanh chủ trương của UBND TP Đà Nẵng không tuyển dụng người tốt nghiệp hệ đào tạo tại chức. Ông Tiến cho rằng:

bLAOZo6i.jpgPhóng to
Nhiều người vì các điều kiện khác nhau chưa thể vào học ngay hệ chính quy phải theo học tại chức để nâng cao trình độ. Trong ảnh: Giờ học tối 6-12 của sinh viên năm 2 ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: Như Hùng

- Theo Luật giáo dục và chủ trương về giáo dục đào tạo của chúng ta từ trước đến nay, bằng ĐH tại chức và bằng ĐH chính quy hoàn toàn bình đẳng trong hệ thống giáo dục quốc dân, không có bất kỳ sự phân biệt nào về bằng cấp. Trong hệ thống tuyển dụng và sử dụng cán bộ, công chức nhà nước hiện nay, người có bằng tại chức và bằng chính quy đều được hưởng lương như nhau. Chủ trương của UBND TP Đà Nẵng như tôi theo dõi mấy ngày nay là có sự phân biệt giữa các loại bằng cấp của các loại hình đào tạo.

* Người có bằng tại chức có quyền bình đẳng với người có bằng chính quy. Nhưng người sử dụng lao động cũng có quyền lựa chọn phù hợp với nhu cầu của họ. Trong trường hợp này, UBND TP Đà Nẵng không muốn tuyển dụng người tốt nghiệp tại chức để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của mình...

- Nếu muốn tuyển dụng được người giỏi, Đà Nẵng cần lập ra quy trình tuyển chọn, có cách tổ chức, ra được đề thi tuyển sao cho phân biệt, đánh giá được năng lực thật sự, lựa chọn được người giỏi. Chất lượng tuyển chọn nguồn nhân lực phụ thuộc vào quy trình, phương thức tuyển chọn chứ không phụ thuộc bằng cấp.

Phải nói rằng trong xã hội chúng ta hiện nay, những người có năng lực, có khả năng nhưng chưa đủ điều kiện về kinh tế để vào ĐH chính quy cũng còn nhiều. Họ phải lựa chọn hình thức đào tạo tại chức cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của bản thân... Cũng có những người trải qua quá trình làm việc, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và đến được với trường ĐH bằng con đường học tại chức.

Về chất lượng đào tạo của hệ tại chức, không phải đến hôm nay chúng ta mới bàn chuyện này. Thực tế đã chứng minh không phải tất cả những người học tại chức đều là người giỏi, nhưng chất lượng đào tạo tại chức nói chung vẫn đáp ứng được yêu cầu của công việc, yêu cầu sử dụng của các cơ quan, doanh nghiệp hiện nay. Ngay trong hệ thống cơ quan nhà nước của chúng ta hiện nay, rất nhiều người đang đảm nhiệm các vị trí công tác quan trọng là người tốt nghiệp hệ tại chức, nhiều đồng chí lãnh đạo các cơ quan tốt nghiệp hệ tại chức đang làm việc rất tốt...

* Tuy nhiên, chúng ta cũng cần xét đến yếu tố lịch sử: không còn phải chịu ảnh hưởng của chiến tranh, của những yếu tố giới hạn về quy mô đào tạo hay điều kiện tuyển chọn..., cơ hội để học ĐH chính quy của các thế hệ hiện nay đã khác nhiều so với trước đây. Có thể coi chủ trương của UBND TP Đà Nẵng là bước tiến phù hợp với chất lượng nguồn nhân lực ở thời điểm hiện nay, thưa ông?

- Hiện nay chúng ta vẫn đang kiên trì thực hiện chủ trương và các chính sách để xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời cho người dân. Học tập suốt đời là một chủ trương mà các nước tiên tiến hơn chúng ta, phát triển hơn chúng ta, có nền giáo dục tốt hơn vẫn áp dụng. Học tập phải đi liền với có cơ hội phát triển. Nếu địa phương nào, bộ ngành, cơ quan nào cũng phân biệt loại hình đào tạo, phân biệt bằng cấp như Đà Nẵng thì sẽ làm mất cơ hội của những người theo học các hình thức giáo dục phi chính quy. Như vậy sẽ không thể nào khuyến khích được xã hội nuôi dưỡng tinh thần học tập suốt đời...

Đà Nẵng có quyền lựa chọn. Đó là bằng hình thức tuyển chọn, bằng những yêu cầu như thế nào đó để chọn được người có năng lực phù hợp, chứ không phải lựa chọn bằng cách phân biệt bằng cấp.

* Nhiều ý kiến cũng đã phân tích chủ trương của Đà Nẵng không phạm luật hay các quy định hiện hành, chỉ thể hiện yêu cầu tuyển chọn của riêng địa phương này?

- Quan điểm của tôi là không được phân biệt ĐH tại chức với ĐH chính quy. Với sự bình đẳng về bằng cấp trong hệ thống giáo dục quốc dân đã được thể hiện trong Luật giáo dục, những người tốt nghiệp hệ tại chức cũng có quyền dự thi bình đẳng với người tốt nghiệp chính quy. Nếu yếu kém hơn, nếu thi tuyển không đạt thì họ sẽ chấp nhận.

Các trường tự chủ tuyển sinh tại chức

Theo dự thảo quy chế tổ chức hoạt động đào tạo hệ vừa làm vừa học (tại chức) do Bộ GD-ĐT vừa gửi các trường, dự kiến sẽ có nhiều thay đổi so với quy chế hiện hành, nhất là việc thi tuyển. Theo đó, các trường sẽ tự quyết định lịch thi, tự ra đề thi tất cả các môn, bỏ điểm sàn. Theo quy chế trước đây, mỗi năm có bốn đợt thi do Bộ GD-ĐT quy định ngày, đề thi các môn trắc nghiệm sử dụng đề chung của Bộ GD-ĐT, áp dụng điểm sàn chung.

Cán bộ quản lý nhiều trường cho biết việc giao quyền tự chủ sẽ thuận lợi hơn cho các trường trong việc tuyển sinh, đào tạo. Tuy nhiên, vì không có cái nào chung, không có điểm sàn và các trường chủ động hoàn toàn nên dễ dẫn đến việc "mở cửa" để lấy cho đủ chỉ tiêu, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Không nhầm lẫn bằng cấp và chất lượng

Nhiều ý kiến bạn đọc gửi về Tuổi Trẻ trong ngày 7-12 khẳng định bằng cấp tại chức và chính quy có giá trị ngang nhau không có nghĩa là chất lượng đào tạo của hai hệ cũng tương đương.

* Thực tế thời gian qua đã minh chứng quá rõ chất lượng giữa hệ chính quy và hệ tại chức. Ngay cả đầu vào ĐH đã có sự phân biệt rõ ràng: học sinh đạt chất lượng đến mức nào mới trúng tuyển vào ĐH chính quy (kể cả công lập lẫn dân lập) rồi mới đến tại chức. Sự sàng lọc đó phần nào nói lên chất lượng của từng hệ đào tạo.

* Không phủ nhận có một số người học tại chức nhưng vẫn có năng lực. Nhưng đấy chỉ là số ít. Nếu đánh đồng tại chức với chính quy thì nhân lực xã hội sẽ khó đảm bảo chất lượng, kéo theo xã hội sẽ khó phát triển bền vững... Ở đây mục đích của TP Đà Nẵng là hướng tới một đội ngũ cán bộ có năng lực, có trí tuệ và có đạo đức thật sự chứ không bàn đến chính sách, cơ chế đào tạo... Vì thế cách làm của Đà Nẵng là hợp lý.

* Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ĐH chính quy thôi. Về hình thức, quyết định này chỉ khác là không tuyển sinh viên hệ tại chức vào cơ quan nhà nước. Tuy nhiên bản chất vẫn là vậy. Đến khi nào ngành giáo dục đào tạo dám đảm bảo chất lượng để cấp một bằng ĐH cho tất cả các loại hình đào tạo thì hẵng hay.

* Nhiều ý kiến cho rằng như vậy là không công bằng cho những người học tại chức, từ xa. Tôi thiết nghĩ đó là ý kiến không thuyết phục, tại sao các bạn không so sánh được giữa hai hình thức đào tạo, một bên "cưỡi ngựa xem hoa", học một cách nhàn hạ... lại ra chiếm một cái ghế mà đáng ra vị trí ấy phải dành cho người chính quy, học hành bài bản, nghiêm túc và thật sự bằng năng lực của mình? Nếu nói rằng cả hai hình thức đào tạo này không khác biệt gì lắm, đó tiếp tục lại là một cách ngụy biện hoặc so sánh khập khiễng.

__________

Tin bài liên quan:

Tại sao Đà Nẵng phân biệt hệ tại chức?Cách làm quyết liệt của Đà Nẵng?Không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nướcLỗi không ở cái bằngVấn đề là khả năng làm việcLoại trừ sự không minh bạch trong tuyển dụng

THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên