Cách làm quyết liệt của Đà Nẵng?Không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nướcCần bằng cấp hay cần năng lực?
Phóng to |
Thà nhận trung cấp chứ không nhận tại chức?
Lúc tôi thi rớt đại học hệ chính quy, gia đình khuyên tôi học tại chức. Tôi cứ nghĩ kiến thức các hệ như nhau, quan trọng là mình tiếp thu như thế nào. Song, học rồi tôi mới biết lôi thôi vô cùng. Tôi ráng hy vọng vào các mối quan hệ để tìm việc gì đó làm sau này.
Nhưng ra trường tôi gõ cửa rất nhiều nơi, kể cả các công ty vừa và nhỏ nhưng chỗ nào cũng chê. Có nơi nói rằng thà nhận người học trung cấp còn hơn. Có nơi nhận vào làm thì coi thường tôi dù tôi làm việc tốt.
Tôi khuyên các bạn trẻ nếu không đậu đại học thì cứ cố gắng thi lại, còn hơn học 4 năm tại chức ra không ai nhận. Nếu không đậu đại học thì nên học nghề rồi tự mình làm chủ bản thân. Bạn có giỏi cho mấy mà tấm bằng tại chức cũng không là gì mọi người sẽ cho rằng bạn quen biết mới xin được công việc đó hay ai nâng đỡ mà thôi.
TT - UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành, quận, huyện chỉ đạo không tiếp nhận mới sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước. Trao đổi với Tuổi Trẻ về văn bản chỉ đạo kể trên, chiều 2-12, ông Đặng Công Ngữ - giám đốc Sở Nội vụ TP - cho rằng quy định đó nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Mặt khác, hiện nguồn nhân lực đang được đào tạo bằng kinh phí của TP vẫn chưa bố trí hết. |
Hai chữ "tại chức" có thể thay đổi một số phận?
Nhà nghèo, tôi phải vừa làm vừa học và luôn hy vọng khi ra trường sẽ xin được việc làm tốt. Nhưng khi nộp hồ sơ xin việc, vừa thấy bằng đại học tại chức của tôi là lập tức người ta trả hồ sơ và nói: "Ở đây chỉ nhận bằng chính quy". Họ cũng không cần xem qua hồ sơ của tôi để xem năng lực và kinh nghiệm của tôi như thế nào.
Cầm hồ sơ về mà lòng tôi ngẹn lại. Chỉ khác nhau ở hai chữ "chính quy" và "tại chức" mà đôi khi có thể thay đổi số phận của một con người. Tôi mong các cơ quan tuyển dụng nên xem xét năng lực làm việc chứ đừng chỉ quan tâm tấm bằng suông.
Học tại chức là có tội?
Trong khi nhà nước đang tạo điều kiện cho mọi người nâng cao trình độ thông các chương trình đào tạo khác nhau thì tại sao các cơ quan tuyển dụng lại phân biệt bất công như vậy? Mong các cơ quan cao hơn "tuýt còi" những trường hợp này.
Đâu phải ai học tại chức là kém hơn chính quy? Rất nhiều người học rất xuất sắc vì mục đích nâng cao trình độ - nghiệp vụ chuyên môn. Chỉ một bộ phận nhỏ học cho có lệ. Học tại chức là có tội sao?
Vấn đề quan trọng là việc tuyển dụng phải minh bạch, rõ ràng, công bằng, tạo được sức hút đối với người lao động.
Không công bằng!
Tôi nghĩ các cấp quản lý Đà Nẵng nên xem lại quyết định này. Như thế là không công bằng! Đồng ý rằng người học tại chức vì không có điều kiện nên mới chọc hình thức học này. Nhưng đừng vì thế mà cho rằng họ không đủ năng lực.
Với tình hình hiện nay, ngay cả chính quy chưa chắc đã có đủ năng lực đâu nhé. Vì vậy quyết định đúng đắn, công bằng hơn là tổ chức hình thức thi tuyển và phỏng vấn.
Đà Nẵng phân biệt người học hệ tại chức khác nào tước đi quyền của họ, mà chính họ là một phần nguồn lực của xã hội nói chung và của địa phương nói riêng.
Nâng cao năng lực cán bộ
Tôi ủng hộ tư duy của lãnh đạo Đà Nẵng! Phải dám làm như vậy thì mới nâng cao được chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Tôi cũng có vài người bạn vào Đà Nẵng theo chính sách tuyển dụng nhân tài của thành phố này cách đây 7 năm. Thành phố đã rất quan tâm đến họ, tạo cho họ cuộc sống rất thoải mái, môi trường làm việc tốt.
Không nên "vàng thau" lẫn lộn
Tôi không chê bằng tốt nghiệp đại học tại chức, nhưng thực tế, đại học tại chức là một mô hình không tốt, nếu mô hình này cứ tồn tại thì rõ ràng là vàng thau lẫn lộn. Bản thân tôi tán thành quan điểm của Đà Nẵng.
Công ty tôi có thời kỳ nhiều công nhân đi học tại chức. Một điều xảy ra là chất lượng những người đó nếu học theo tại chức chuyên môn mình đang làm thì sau về còn khả năng làm việc được. Còn những người học tại chức trái với nghề mình đang làm thì không biết gì hết. Nói tóm lại là chủ yếu để chuyển đổi ngạch lương.
Nên hạn chế vì chất lượng thấp
Vẫn biết rằng đôi khi người có bằng tại chức không phải là kém năng lực. Tuy nhiên nếu tuyển mới công chức thì nên hạn chế tuyển công chức có bằng tại chức vì chất lượng thấp của loại hình đào tạo này. Chỉ tuyển nhưng người có bằng tại chức khi có những bằng chứng rõ rệt trong thực tế là năng lực thực sự của họ là cao và phải do hội đồng chuyên môn bình xét và chịu trách nhiệm.
Quyết định kỳ cục, nặng hình thức
Nếu đã tuyển dụng, thì nên tạo cơ hội công bằng cho tất cả những người tham gia, có như vậy mới xác định được người tài. Cách làm của Đà Nẵng mang màu sắc phân biệt, gây một hiệu ứng không tốt cho một xã hội học tập mà nhà nước ta đang hướng đến là mang lại cơ hội cho mọi công dân có thực tài.
Chưa chắc cách làm này của Đà Nẵng có thể trọng dụng được người có thực tài hay chỉ làm bình phong cho những người làm mọi cách để có tấm bằng chính quy nhưng đầu óc rỗng tuếch. Đà Nẵng trông chờ gì vào những người có bằng cấp chính quy như thế?
Muốn nâng cao chất lượng cán bộ, hãy thi tuyển công bằng
Nếu chính quyền Đà Nẵng thât sự muốn nâng cao chất lượng của mình lên thì hãy tổ chức thi tuyển rộng rãi, công bằng, minh bạch với các tiêu chí rõ ràng, chuẩn mực cho tất cả các vị trí, chức danh trong chính quyền mà không phân biệt là có bằng chính quy hay tại chức.
Khi có kết quả sẽ biết ngay ''mèo nào cắn mỉu nào'', lúc đó các vị đang đương chức sẽ có cơ hội chứng tỏ được trình độ thật của mình thôi! Đồng thời bộ máy chính quyền sẽ mạnh lên rất nhiều. Việc cấm đoán chỉ là hạ sách.
Đừng tẩy chay "sản phẩm" của một hệ đào tạo
Có tổ chức đào tạo mới có học viên, mà học viên đã tốt nghiệp có thể xem là đủ trình độ, lại không được nhận việc. Tôi nghĩ đúng hơn cần xem lại phương pháp dạy và học của hệ tại chức, đây không hẳn là lỗi của học viên. Vẫn có những người học tại chức, vẫn làm việc tốt.
Việc này gần giống như việc tẩy chay "sản phẩm" của một hệ đào tạo. Lẽ ra nên rà soát trình độ và hiệu quả công việc của cán bộ để có hình thức xử lý thích hợp. Ngoài ra, có thể tuyển dụng và thử thách để tìm được nhân viên phù hợp. Những thay đổi làm cho tình hình chung tốt hơn, nhưng cũng có khi sẽ làm mất đi cơ hội của nhiều con người có tâm và có tài.
Không nên phân biệt
Theo tôi không nên phân biệt chính quy hay tại chức, bằng cấp là một lẽ nhưng cốt lõi là họ làm được gì, cống hiến gì cho đất nuớc cho xã hội. Bằng tại chức vừa học vừa làm, chương trình đào tạo có rút ngắn hơn nhưng không hẳn là không giá trị. Tại sao lại phân biệt?
Đã phân biệt thì đào tạo làm chi?
Một quyết định quá thất vọng, thể hiện sự yếu kém trong công tác tuyển dụng của bộ máy công quyền. Thử hỏi cơ quan nhà nước phân biệt như vậy thì mở lớp đào tạo để làm chi?
Thế là đã công bằng!
Nếu không quan trọng bằng cấp thì cần chi Nhà nước phải tốn công và tiền của để tổ chức các kỳ thi tuyển?
Ở thời đại nào cũng vậy, bằng cấp là một tiêu chí đánh giá trình độ của một con người trước tiên. Đó cũng là một giải pháp giúp sinh viên tốt nghiệp có cơ hội có việc làm trong thời buổi đào tạo tràn lan như hiện nay.
Mỗi vấn đề luôn có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau, nhưng chúng ta phải nhìn nhận vấn đề một cách công bằng nhất, đúng đắn nhất. Tôi ủng hộ những chính sách mạnh mẽ vì một thành phố phát triển bền vững.
Có bằng chính quy là giỏi?
Nhiều trường hợp cho thấy, dù có bằng đại học chính quy chưa chắc đã biết sử dụng kiến thức đúng đắn hay chưa chắc làm giỏi hơn những người học tại chức.
Bằng cấp đại học là yếu tố chứng minh cho kiến thức người đó đã tiếp thu, nhưng khi làm việc, chúng ta cần chú ý hiệu quả công việc, thái độ làm việc của người đó.
Nếu đậu được đại học chính quy mà chỉ học theo phương thức thụ động thì chưa hẳn bằng những người đã có được kiến thức xã hội, cách thức làm việc và bổ sung thêm kiến thức sách vở bằng con đường tại chức.
Hướng tới nguồn cán bộ chất lượng cao Chiều 3-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Công Ngữ, giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, cho biết sở dĩ TP có quyết định không tuyển sinh viên hệ tại chức vào các cơ quan nhà nước nhằm nâng cao đội ngũ cán bộ ngày càng có trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Mặt khác, hiện các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ nguồn kinh phí của TP còn rất lớn, số sinh viên có trình độ chuyên môn cao này sau khi ra trường sẽ được bổ sung, tiếp nhận vào các cơ quan nhà nước. Ông Ngữ nói quyết định trên là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế về nguồn cán bộ hiện nay của TP. “Việc TP có quyết định trên không vi phạm về luật theo các quy định hiện hành” - ông Ngữ khẳng định. “Tất cả công việc tiếp nhận cán bộ của TP luôn công bằng cho mọi đối tượng. Ngoài việc không tiếp nhận sinh viên tại chức, công tác tiếp nhận cán bộ của TP cũng được tiến hành rất chặt chẽ để lựa chọn được những người tài nhằm tạo nguồn lãnh đạo kế cận. Việc tiếp nhận cán bộ chặt chẽ, chất lượng đến mức hằng năm TP còn mở các cuộc thi tuyển khi tiếp nhận đối với các sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy để tiếp tục tham gia các lớp đào tạo” - ông Ngữ nói. Theo ông Đào Tấn Bằng - phó chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng, quyết định trên vừa được Thành ủy Đà Nẵng thống nhất thông qua và giao cho UBND TP thực hiện. Ông Bằng cho biết số cán bộ hiện đang công tác tại các cơ quan nhà nước tốt nghiệp đại học tại chức vẫn làm việc bình thường. Hiện số học sinh khá, giỏi tại các trường chuyên của TP đang được đào tạo theo chương trình 393 về nguồn nhân lực chất lượng cao còn rất dồi dào. Đa số cán bộ tiếp nhận hằng năm vào các sở, ngành của TP những năm qua đều ít nhất tốt nghiệp đại học loại khá, giỏi trở lên. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận