05/12/2010 06:37 GMT+7

Lỗi không ở cái bằng

Lê Phong
Lê Phong

TT - Hai ngày sau khi đăng thông tin Đà Nẵng không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nước, Tuổi Trẻ đã nhận hơn 700 email bình luận, bày tỏ quan điểm của mình.

Tại sao Đà Nẵng phân biệt hệ tại chức?Cách làm quyết liệt của Đà Nẵng?Không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào cơ quan nhà nước

hpG76gtv.jpgPhóng to

Tốt nghiệp hệ vừa làm vừa học (tại chức) sẽ không được tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước tại Đà Nẵng. Trong ảnh: Học sinh Đà Nẵng tham gia ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2010 do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: Đăng Nam

Trong khi đó, các nhà giáo lão thành và những người đang công tác trong ngành cũng đã đưa ra nhận định của mình.

* GS.TS Trần Hồng Quân (nguyên bộ trưởng Bộ GD-ĐT):

Đã nhìn vào sự thật

Đà Nẵng đã dám nhìn nhận đúng sự thật. Chúng ta không chạy theo bằng cấp nhưng cũng phải có chuẩn mực cơ bản để làm việc, đó là tốt nghiệp hệ chính quy. Những người có tấm bằng một cách không thực chất nhằm hợp thức hóa công việc rất nguy hiểm khi họ leo cao và đưa ra những quyết sách trời ơi.

Học tập quá dễ dàng

Theo ý kiến cá nhân, năng lực làm việc vẫn là quan trọng nhất nhưng với tình trạng đào tạo hệ tại chức bây giờ thì bất cứ ai cũng có thể học và đậu được, thậm chí đậu dễ dàng hơn rất nhiều so với học chính quy.

Xét về mặt luật pháp, bằng chính quy và bằng tại chức có giá trị ngang nhau. Xét về mặt xã hội, hệ tại chức có một giá trị tích cực là người đang đi làm có thể ứng dụng ngay những kiến thức mình đang học mà không cần đợi đến khi ra trường. Đây là hệ đào tạo cần được khuyến khích, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang nỗ lực xây dựng một xã hội học tập.

Dĩ nhiên, việc lo ngại về chất lượng đào tạo hệ tại chức là chính đáng bởi chỗ này chỗ kia vẫn có chuyện học giả bằng thật hay học ít nhưng điểm nhiều. Nhưng lo ngại chứ không thể nâng lên thành nguyên tắc chung vì thực tế có nhiều người học tại chức thật nghiêm túc cộng với kinh nghiệm làm việc sẵn có, kết quả học tập của họ rất cao, và bởi không phải tất cả các ngành đào tạo hệ chính quy đều đạt chất lượng cao.

Xét một cách tổng quát, có thể chất lượng hệ tại chức thấp hơn chính quy nhưng phân biệt hệ tại chức sẽ không khuyến khích hệ tại chức phát triển. Trong tuyển dụng, vấn đề quan trọng không phải bằng cấp mà là con người cụ thể đó có phù hợp với công việc thực tế hay không.

* Ông Phạm Tất Dong (phó chủ tịch Hội Khuyến học VN):

Theo xu hướng chung trên thế giới, cần phải mở ra nhiều con đường khác nhau để tạo điều kiện cho mọi người được học tập và học tập suốt đời. Nhất là với điều kiện Việt Nam, các trường không thể đáp ứng hết nhu cầu đào tạo chính quy nên hình thức đào tạo tại chức vẫn cần thiết, tiết kiệm rất nhiều kinh phí của Nhà nước.

Nhưng trong một thời gian dài khi việc đào tạo tại chức bung ra, chất lượng đào tạo đã không được kiểm soát chặt chẽ. Việc nhiều cán bộ nhà nước đi học để hợp thức hóa yêu cầu bằng cấp cũng phổ biến. Tuy nhiên, lỗi không phải do cái bằng tại chức mà do động cơ của người học, do quan niệm không cấp tiến của người tuyển dụng khi không chú trọng năng lực và chỉ cần bằng cấp.

Vì vậy, quyết định không tuyển dụng người có bằng tại chức của TP Đà Nẵng là cực đoan và chưa chắc đã chọn lựa được người có trình độ tốt. Vì không phải tất cả những ai học tại chức đều kém còn học chính quy là tốt. Tôi đảm bảo nếu lấy tiêu chí “trình độ thực tế” để chọn, khối người có bằng chính quy vẫn bị rớt như thường. Còn người học tại chức, nếu có ý thức tự học tốt, động cơ học đúng đắn vẫn có thể có trình độ đáng nể.

Thực tế cho thấy rất nhiều người đã và đang có cống hiến trong nhiều lĩnh vực đều đi lên từ việc tự học là chính. Khi chúng ta không thể kiểm soát được chất lượng mà đóng luôn “cửa tại chức” thì không nên. Việc này vô hình trung đi ngược với chủ trương khuyến học, khuyến tài của Nhà nước. Đà Nẵng nên cân nhắc lại quyết định này, lấy “năng lực thực tế” là tiêu chí ưu tiên thay vào việc phân biệt loại văn bằng.

* TS Hồ Thiệu Hùng (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Chúng ta đang xây dựng một xã hội học tập, trong đó hệ tại chức sẽ là hệ đào tạo có đông người học nhất. Đây là một hình thức đào tạo tiên tiến và nhân văn, tạo điều kiện cho người dân vừa đi làm để nuôi sống gia đình và bản thân, vừa thỏa mãn ước muốn nâng cao trình độ của mình.

Chủ trương của Đà Nẵng sẽ khiến ngành giáo dục phải xem xét, chấn chỉnh về việc đào tạo hệ tại chức nhưng cũng khiến người đi học nản chí, nhất là những người đi học đàng hoàng, nghiêm túc. Tôi từng biết nhiều người học tại chức nhưng rất giỏi. Tuyển dụng mà chỉ căn cứ vào bằng cấp sẽ rất khỏe cho nhà tuyển dụng nhưng tôi e sau này nhà tuyển dụng sẽ phải ân hận. Vì ngay cả bằng tiến sĩ của nước ngoài người ta còn mua được cơ mà. Vấn đề ở đây là tuyển người để làm việc chứ không phải tuyển những bằng cấp để trưng bày.

Nếu tôi là nhà tuyển dụng, tôi sẽ không cần quan tâm xem ứng viên học hệ nào, tốt nghiệp đại học hay trung cấp, chỉ cần ứng viên đáp ứng được các yêu cầu tôi đưa ra để làm việc tốt là được.

Là một giảng viên, tôi không ủng hộ quan điểm tuyển dụng này. Đã là bằng đại học thì giá trị nội tại của nó như nhau, nếu chất lượng khác biệt thì đó là lỗi người dạy chứ không phải lỗi người học. Bởi vì người học có đạt yêu cầu mới được cấp bằng. Nếu quy định như vậy khác nào “quýt làm cam chịu”.

Nếu muốn tuyển được người giỏi thì đổi mới phương pháp tuyển dụng chứ không nên phân bì bằng cấp vì sẽ tạo ra hai hệ lụy: người không có điều kiện tới trường chính quy phải học tại chức sẽ cảm thấy bất công, họ đã khó khăn khi quyết định bước chân đi học, giờ có quy định này sẽ càng cảm thấy bi quan hơn; tư tưởng xem trọng bằng cấp chính quy sẽ dần hình thành và các thước đo đánh giá năng lực sẽ bị sai lệch. Vậy, để tuyển dụng được cán bộ giỏi thì Đà Nẵng nên đổi mới cách tuyển dụng chứ không nên quy định như vậy.

Rất nhiều công ty lớn của nước ngoài đã tuyển dụng nhân sự cao cấp mà không ngó ngàng tới bằng cấp cho tới khi thử việc xong. Tuy nhiên, quy trình tuyển dụng rất khắt khe và ai trải qua được đều là người thật sự có năng lực.

Lê Phong
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên