31/08/2021 09:25 GMT+7

Chọn gì đây: Tích cực độc hại hay lạc quan bi tráng?

PHẠM PHONG
PHẠM PHONG

TTCT - Khi rơi vào khủng hoảng, tích cực quá có lúc là độc hại. Thuốc giải độc là lạc quan bi tráng.

Chọn gì đây: Tích cực độc hại hay lạc quan bi tráng? - Ảnh 1.

CUỘC SĂN TÌM ĐIỀU TÍCH CỰC

Đại dịch đã đi được khoảng 19 tháng, dai dẳng và tàn khốc đến mức nhìn lại những ảnh cách đây hai năm, thấy như đã cách đây cả chục năm, thời chưa lấy chồng lấy vợ! Cách đây hai năm, người mắc chứng lo âu còn là thiểu số; nay thì người nào còn tươi vui "thực sự" mới đúng là thiểu số.

Nếu bạn "mạnh" tới mức COVID-19 không ảnh hưởng đến bạn thì cũng ảnh hưởng đến những người quanh bạn, khu phố bạn sống, công ty bạn làm, quán ăn bạn yêu thích... Kết cục, ta có thể nói COVID-19 tác động tiêu cực đến không chừa một ai, dĩ nhiên trừ những kẻ thu lợi nhờ COVID.

Trong đại dịch, nhân loại để lộ ra mình yếu đuối lẫn dẻo dai, đầy mâu thuẫn. Những dòng tin tức không ngừng, thật có, giả có, nửa sự thật càng có, cộng với sự biến hóa ranh ma của virus như chơi đuổi bắt với chiến lược chống dịch thay đổi liên miên ở mọi quốc gia... tất cả khiến người vững vàng nhất cũng phải hoang mang, và mỗi ngày đi qua, ta vừa là người tự hù dọa mình lại vừa phải làm người tự trấn an mình.

Trong hoàn cảnh này, lời khuyên hay gặp nhất là hãy suy nghĩ tích cực vào, mọi chuyện rồi sẽ qua, kiểu "Đời quẳng cho ta quả chanh thì ta làm luôn cốc nước chanh". Trên Facebook, bạn muốn tránh xa những người chỉ như sưu tập chuyện đau khổ rồi tưới nước mắt, lời than lên cho nó thêm đẫm đượi.

Bạn mừng rỡ khi túm được một người trong mọi hoàn cảnh đều vẫn vui tươi, lạc quan. Bạn "theo dõi" họ. Sự yêu đời, tích cực của họ như tách cà phê nâng bạn thẳng người dậy, bớt héo hon trong ngày dịch; bạn bắt chước họ tận dụng thời gian của đại dịch để học ngoại ngữ, học làm bánh, trồng cây...

Nhưng rồi đến một lúc, bạn nhận thấy họ như làm bằng "nhựa" hay bằng "thép", họ cứ hớn hở thế mãi, những khốn khổ ngoài kia như không chạm được tới họ, hoặc chạm vào cũng sẽ bị văng ra bởi một sự tích cực đầy ngạo nghễ.

Khi bạn gặp khó khăn và thổ lộ với họ, bạn nhận được một biểu tượng, một lời khuyên mượt mà như vòng tay nhung của búp bê với gấu bông. Bạn thấy mệt, bỗng thấy một câu vặn vẹo, một tiếng thở dài nó mới gần gũi, mới "người" làm sao. Triệu chứng ấy cho thấy: lâu nay bạn đã "ăn" phải loại tích cực độc hại.

THẾ NÀO LÀ TÍCH CỰC ĐỘC HẠI?

Theo định nghĩa của các nhà tâm lý học, tích cực độc hại là "niềm tin rằng bất kể hoàn cảnh có khắc nghiệt, khó khăn thế nào, người ta vẫn nên giữ cho được một tinh thần tích cực", và chỉ nên giữ lại những điều tích cực, dùng suy nghĩ tích cực để loại bỏ hoàn toàn những cảm xúc "khó chịu" khác; kiên quyết lạc quan, kể cả khi biết cái lạc quan ấy là giả tạo và bất khả thi.

Ranh giới giữa tích cực với tích cực độc hại ngỡ là tinh tế, lù mù nhưng hóa ra lại rất dễ nhận diện. Người suy nghĩ tích cực là bình tĩnh nhìn rõ "địch, ta và hoàn cảnh", từ đó rút ra được kinh nghiệm, vạch được lối đi sáng sủa, nếu có thất bại thì cũng biết mình đã làm hết sức, không chì chiết làm khổ bản thân hay đổ tại trời.

Trái lại, tích cực độc hại đi theo một cơ chế hoàn toàn khác: cơ chế "đường tránh". Bạn đeo kính hồng vào, chọn một lối trong công viên, quanh quẩn trong đó ngửi hoa và đợi cho ngoài kia bão tự tan; thậm chí, bạn gạt đi quyết không nghĩ tới, không cho ai bày tỏ nỗi lo sợ trước cơn bão ấy.

Bạn lên dây cót cho mọi người rằng gió chỉ xoàng thôi, hãy nghĩ tới mặt tích cực của bão là tự nhiên mát trời, bạn bảo người ta đang ở giữa hoa thì thưởng hoa đi cớ gì cứ nói về bão, sao cứ nhất định chọn bão mà không chọn hoa.

Tích cực độc hại vì thế sẽ ngăn không cho bạn lớn lên, trưởng thành. Bạn chẳng học được gì qua các cơn bão. Bạn trở nên xa lạ, vô tâm với những cơn bão mà người khác gặp phải. Bạn trở thành một cỗ máy nặn ra niềm vui. Và nếu có trục trặc, bạn chắc chắn sẽ đổ tội cho người khác.

Dĩ nhiên giữa tiêu cực than khóc với hân hoan liên miên ta thà chọn người hân hoan liên miên, nhưng lý tưởng nhất vẫn là một thái độ chừng mực mà lý tưởng: lạc quan bi tráng.

LÀM SAO ĐỂ CÓ LẠC QUAN BI TRÁNG?

Viktor Emil Frankl (1905 - 1997) là một nhà thần kinh học người Áo sống sót sau nạn diệt chủng người Do Thái, tác giả của cuốn

Cuộc tìm kiếm ý nghĩa của con người bán được gần 20 triệu bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Đọc qua tiểu sử dữ dội của ông, ta không khỏi liên tưởng đến một cái cây kỳ diệu: bị quật tả tơi trong mùa gió bão nhưng vẫn lặng lẽ nảy mầm và nở hoa ngay khi hửng nắng.

Frankl chính là cha đẻ của khái niệm "Lạc quan bi tráng" (Tragic Optimism", là một thứ không những đối lập với bi quan mà còn đối lập hẳn với "lạc quan độc hại".

Theo Frankl, có một thứ gọi là bộ ba bi kịch mà không ai thoát được, kiểu gì trong đời cũng phải gặp ít nhất một lần. Bộ ba ấy gồm:

1. Đau khổ không tránh khỏi.

2. Lỗi lầm không tẩy nổi.

3. Cái chết.

Lạc quan bi tráng là thứ lạc quan

vẫn có được khi đã nhìn thẳng vào bộ ba bi kịch kia, nhưng biết rằng con người nếu cố hết sức, sẽ có khả năng:

1.Vượt đau khổ để từ đó đạt một thành tựu.

2.Từl ỗi lầm rút ra cơ hội để thay đổi bản thân tốt hơn.

3. Từ cái chết và sự ngắn ngủi của cuộc đời rút ra được động lực để sống có trách nhiệm.

Để có được thứ lạc quan bi tráng của Frankl, việc quan trọng nhất là tìm ra được ý nghĩa, không phải ý nghĩa của cả một đời người dài dằng dặc, mà là "ý nghĩa tiềm tàng có sẵn trong từng hoàn cảnh mà mỗi người phải đối mặt trong suốt đời mình", từ việc thi đậu/ thi rớt, tới lấy vợ/vợ bỏ, có con/con hư, thăng chức/thất nghiệp... rồi nhìn ra trong hoàn cảnh ấy mình làm gì được tốt nhất để "thấm thía" ý nghĩa nhất. Đó là một công thức toán, với:

Ý nghĩa của cả một đời người = tổng các ý nghĩa của mỗi hoàn cảnh được hiện thực hóa tới nơi tới chốn.

Vì thế, một người thoát khỏi một cơn chảy máu dạ dày mà từ đấy vẫn uống rượu tì tì, một người đi qua đại dịch mà vẫn nhơn nhơn không thay đổi gì... thì ý nghĩa tiềm ẩn của những hoàn cảnh đặc biệt ấy đã bị bỏ qua, "nước đổ đầu vịt", cuộc đời người ấy chỉ là tổng hợp của những hoàn cảnh "vô nghĩa".

Theo Frankl, quan trọng là nhìn ra ý nghĩa. Không nhìn ra được ý nghĩa của mỗi việc mình làm, mỗi hoàn cảnh mình rơi vào thì sẽ sinh cảm giác "vô nghĩa" - là cảm giác luôn đứng sau trầm cảm, nghiện ngập, hung hãn hoặc buông xuôi. Người bi quan thường hay lấy sự phù du và "vô câu chuyện - cuộc sống thường" của cuộc đời ra mà buông tay,

Frankl trái lại cho rằng sự phù du ấy khiến ta càng phải hành động cho có trách nhiệm với thời gian còn sống trên đời này.

Như đã nói, trong đại dịch mịt mù như COVID-19 hiện nay, ta nên tránh tích cực độc hại, tránh lạc quan tếu, là những thứ khiến người ta hy vọng hão để rồi thất vọng. Những câu chuyện ấm lòng đâu đó trong xã hội là rất hay, như những đốm lửa nhỏ an ủi trong đêm lạnh, nhưng đó là câu chuyện của người khác; bạn không thể sống nhờ vào lửa của hàng xóm mãi.

Bạn phải tạo ra thứ lửa bền bỉ và chủ động của chính bạn, tức là tìm cho ra ý nghĩa của hoàn cảnh sống này, khó khăn này; nó dạy bạn cái gì về tiết kiệm, về sức khỏe, về tình cảm với người xung quanh và về xử lý khủng hoảng?

Bạn sẽ sống cầm chừng kiểu thẫn thờ chờ bão qua hay sống hết mình trong cơn bão? Và nếu không may đây sẽ là những ngày cuối cùng ta được sống trên đời thì sao? Sẽ chuẩn bị gì? Có nhanh lên mà hoàn tất nốt những điều chưa làm không? Có yêu thương cho kịp những thứ chưa kịp yêu cho ra hồn không?

Lựa chọn ấy là ở mỗi người, không phải ở trí thông minh của họ, mà vào mức độ yêu việc làm người của họ.

screen shot 2021-08-31 at 08

Là người Do Thái, năm 1940, giữa lúc phong trào bài Do Thái tăng cao, Frankl có được thị thực sang Hoa Kỳ nhưng ông không đi vì không muốn bỏ lại bố mẹ già.

Ông phải đốt bỏ bản thảo cuốn sách đang viết dở dang trước khi vào trại tập trung. năm 1941, ông lấy vợ và một năm sau vợ ông bị Phát xít Đức buộc phải phá thai. cả gia đình Frankl bị đưa vào trại tập trung, nửa năm sau bố ông qua đời vì kiệt sức.

Trong trại, cùng với Regina Jonas là nữ giáo sĩ Do Thái đầu tiên, Frankl lập đội phản ứng nhanh để giúp những người mới tới trại không tự tử vì quá sốc. năm 1944, mẹ Frankl bị đưa vào phòng hơi ngạt, vợ chồng ông mỗi người bị tách đi mỗi người một trại.

Tại đây ông bị sốt thương hàn, và để tránh biến chứng trụy mạch thường xảy ra về đêm, ông đã... thức luôn, dùng thời gian ấy soạn lại bản thảo một cuốn sách được viết trên giấy lấy trộm được của văn phòng trại tập trung. năm 1945, trại được giải phóng, Frankl náo nức

đi tìm lại vợ nhưng vợ ông đã chết. Đau khổ và thất vọng vì mất mát, nhưng Frankl vẫn cắn răng hoàn tất những việc đang dở dang. sách của ông được xuất bản và gây tiếng vang. Ông trở thành giám đốc Viện Thần kinh học tại Vienna.

Ông đi diễn thuyết về sự hồi phục của con người trong nghịch cảnh. Ông thành giáo sư thỉnh giảng của Harvard và đi giảng dạy nhiều nơi trên thế giới. cuốn Sự tìm kiếm ý nghĩa của con người của ông nằm trong 10 cuốn sách có ảnh hưởng nhất ở Mỹ, theo một thăm dò vào năm 2012.

Liệu ta có thể nói cuộc đời của Frankl chỉ ý nghĩa từ khi sách ông được in, ông thành giám đốc viện thần kinh, và ông được vỗ tay trên bục diễn thuyết không?

Không. cuộc đời Frankl là một chuỗi sống trọn vẹn trong ý nghĩa của mỗi hoàn cảnh, có bị đứt ở khâu nào, vào năm 1940, 1941, hay 1965... thì cũng vẫn là trọn vẹn ý nghĩa. Đó là nhờ ông đã sống theo đúng cung cách lạc quan bi tráng.

Lan tỏa những điều tích cực cho Sài Gòn - TP.HCM Lan tỏa những điều tích cực cho Sài Gòn - TP.HCM

TTO - Có khoảng 1.000 văn nghệ sĩ, người nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực như: ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên Khả Như, nhạc sĩ OnlyC, hoa hậu Khánh Vân, MC Trấn Thành, Nguyên Khang... tham gia chiến dịch cộng đồng...

PHẠM PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tích cực lạc quan