23/07/2014 02:26 GMT+7

Chơi với cải lương

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Dạo gần đây, mỗi lần lướt qua các trang xã hội là lại thấy nhiều người trẻ chia sẻ: “Link đầy đủ của vở Tiếng trống Mê Linh này mọi người ơi!”, hay “Lần đầu tiên xem cụ Hà Thị Cầu hát. Cảm xúc thật đặc biệt”. Chuyện gì đang xảy ra với những người trẻ vốn mê pop/rock và những vũ điệu lắc lư?

Hoài Lâm (trái) trong trích đoạn cải lương Tiếng trống Mê Linh - Ảnh: T.T.D.

“Nghĩa mẹ sinh thành, chớ có quên, công cha ngãi mẹ sinh thành. Mẹ mang con chín tháng, thai sinh một giờ, ở trong lòng mẹ, chứ chả ngại tanh dơ... Lâu lâu cô em gái 19 tuổi của tôi lại cố hát lại câu đó cho giống với nghệ nhân Hà Thị Cầu đang hát trong clip, sau khi xem trên một chương trình truyền hình. Đó là điều tôi vô cùng ngạc nhiên vì trước đó con bé chỉ thích nghe nhạc Hàn Quốc thôi” - bạn Quỳnh Trần, 26 tuổi, chia sẻ.

Một tháng sau khi rời khỏi sân chơi Gương mặt thân quen, Hoài Lâm - quán quân của mùa giải thứ hai - vẫn chưa “thoát xác” hoàn toàn khỏi những hóa thân đầy bất ngờ của mình trên sân khấu.

Chàng trai trẻ chia sẻ: “Mỗi lần đi hát ở tỉnh, thế nào cũng nhận được yêu cầu hát lại vài trích đoạn cải lương hoặc một bài dân ca nào đó. Tôi thấy rất vui vì dù cuộc thi đã kết thúc từ lâu, khán giả vẫn dành cho nhạc truyền thống một chỗ đứng nhất định. Khi diễn ở những chỗ khác, tôi cũng thử, lâu lâu giữa các bài nhạc trẻ, ca một câu hát xem sao thì khán giả cũng rất vui. Các sản phẩm âm nhạc trong tương lai của tôi chắc chắn sẽ có đất dành cho dòng nhạc này, nhưng cụ thể là hát cải lương, hay dân ca, hay hát xẩm... thì xin cho tôi vẫn được giữ bí mật”.

Những bài ca cổ vang danh với những Lý chim quyên, Con gái của mẹ, Nhụy Kiều tướng quân, Tình anh bán chiếu, Dương Quý Phi cùng sự tham gia của các nghệ sĩ gạo cội như Minh Vương, Lệ Thủy, Út Bạch Lan, Bạch Tuyết... sau gần hai tháng có mặt trên YouTube, tính đến ngày 21-7 đã thu hút được 215.737 lượt xem.

Không chỉ Hoài Lâm có hứng thú đặc biệt với dòng nhạc dân ca, vào đầu tháng 7 album Thương nhớ quê hương của Hamlet Trương - một cái tên đang dần được chú ý sau nhiều cuốn sách dành cho tuổi mới lớn gây sốt - cũng đang được chia sẻ như một thông tin thú vị trên các mạng xã hội, bởi ngoài các ca khúc dân ca quen thuộc, Trương còn mạnh dạn thể hiện bài tân cổ Gánh hát rong và trích đoạn cải lương Tiếng trống Mê Linh. Dù chỉ là một album online, nhưng để thực hiện được điều này Trương phải mất rất nhiều thời gian tìm nơi hòa âm phối khí cũng như thu âm vì nhạc dân ca - cải lương đòi hỏi phải hòa âm bằng nhạc cụ thật để chất lượng âm thanh được chân thật nhất.

Nhiều người cho rằng đây chỉ là một “hiệu ứng” kéo theo sau khá nhiều chương trình truyền hình được nhiều người quan tâm. Những đơn vị tổ chức sô, xây dựng format “nắm thóp” được người xem nên không ngần ngại tập trung mạnh tay vào dòng nhạc tưởng chừng như đã bị quên lãng này. Sau hiện tượng Phương Mỹ Chi, cô bé hát dân ca ngọt như mía đường làm lay động hàng triệu trái tim yêu nhạc, ban tổ chức của Giọng hát Việt nhí năm nay đã mời ngay Cẩm Ly - một ca sĩ chuyên trị dòng nhạc quê hương - vào ngồi ghế giám khảo.

Và cuối cùng, sau nhiều năm chủ yếu xem lại các tuồng xưa tích cũ của cải lương thông qua băng đĩa, các chương trình truyền hình, đến nay độ phủ sóng của cải lương đã lan rộng trên YouTube!

Công ty Pops Worldwide - đối tác âm nhạc của kênh YouTube tại Việt Nam - đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, ghi hình một chương trình cải lương chuyên để phát trên kênh YouTube tại địa chỉ www.youtube.com/popsvietnam.

Đại diện của Pops Worldwide cho biết: “Những bài ca cổ vang danh là chương trình đầu tiên trong kế hoạch số hóa cải lương của chúng tôi. Người xem có thể tìm xem một cách dễ dàng trên mọi thiết bị các trích đoạn cải lương nổi tiếng bằng video chất lượng hình ảnh chuẩn HD, âm thanh trung thực rõ nét và sự dàn dựng công phu không kém một vở diễn lớn”.

Phổ biến cải lương, dân ca, thậm chí cả hát xẩm, chèo cổ trong đời sống văn hóa nói chung, vực lại lòng tự hào, sự am hiểu về dòng nhạc truyền thống dân tộc vốn rất mơ hồ trong cách tiếp nhận và chọn lựa của những người trẻ nói riêng, đó phải chăng là mục đích của vô số chương trình, đề án tiêu tốn tâm huyết của nhiều người trong nhiều năm qua?

Làm thế nào để nhạc truyền thống đi vào lòng người một cách tự nhiên, không gượng ép, làm sao để khán giả trẻ nghe cải lương, hát xẩm mà say mê, tìm tòi, thử tìm cách thể hiện lại là một điều càng khó hơn.

Do vậy, dẫu chỉ mang tính “thời vụ” đi chăng nữa, những thành công và sức lan tỏa của những trích đoạn cải lương vẫn là một điều đáng mừng và cần nhân rộng theo kiểu: từng chút từng chút một nhẩn nha để “đi” vào đời sống một cách nhẹ nhàng nhất.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên