12/09/2021 13:00 GMT+7

Chơi và học với con - 'chương trình sinh hoạt thiết yếu'

LƯU ĐÌNH LONG ghi
LƯU ĐÌNH LONG ghi

TTO - Cùng học cùng chơi với con là 'chương trình sinh hoạt' có thể nói là thiết yếu trong mỗi gia đình. Làm sao để công việc này mang lại niềm vui, hứng thú cho tất cả các thành viên, nhất là các con?

Các thầy cô giáo và phụ huynh đã chia sẻ với Tổ ấm:

ThS LÊ TRƯỜNG AN (giảng viên khoa ngoại ngữ Trường ĐH Mở TP.HCM):

Học tiếng Anh cùng con sẽ rất thú vị

truong an


- Trẻ con vốn hiếu động, nên qua vận động và giao tiếp trẻ sẽ học được nhiều thứ, đặc biệt trong tiếp thu ngôn ngữ.

Tuy nhiên, tôi có vài điểm lưu ý để tối ưu hóa khả năng tiếng Anh cho trẻ qua việc học và chơi cùng con.

Thứ nhất, phụ huynh đừng ép con ngồi vào bàn học. Các nhà khoa học đã chỉ ra thời gian tập trung tối đa của trẻ em theo công thức số tuổi cộng thêm 1.

Chẳng hạn, nếu con bạn 5 tuổi thì con chỉ có thể tập trung tối đa được 6 phút. Do vậy, thông qua các hoạt động hằng ngày, cha mẹ giao tiếp và dạy cho các con từ vựng mới. Con trẻ sẽ học được ngôn ngữ một cách tự nhiên và nhẹ nhàng nhất.

Thứ hai, cha mẹ cần nhớ con không phải là "nhà dịch thuật". Tôi thấy phụ huynh thường có xu hướng sử dụng các mẫu câu hỏi như "Màu đỏ tiếng Anh là gì?", "Cái bảng tiếng Anh nói như thế nào?", hoặc ngược lại phụ huynh hỏi con một từ hoặc câu tiếng Anh có nghĩa tiếng Việt là gì. Cách học này chỉ phù hợp với đối tượng người lớn khi sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ.

Hãy tận dụng công nghệ một cách hiệu quả và linh hoạt nhất, đó là lời khuyên thứ ba. Nếu biết sử dụng chúng hợp lý và đúng thời điểm, con trẻ sẽ học được rất nhiều từ các công nghệ.

Phụ huynh có thể sử dụng các video, bài hát tiếng Anh như một phần thưởng khi con hoàn thành một công việc được giao trong ngày.

Như vậy thông qua hình thức là một phần thưởng, con sẽ có thể học thêm được ngữ điệu, cách phát âm ngôn ngữ như người bản xứ. Đây được gọi là phương pháp "tắm ngôn ngữ".

Học ngôn ngữ là một quá trình mà ở đó phụ huynh sẽ là người giúp con trẻ yêu thích việc học và hình thành sự tự học.

Chị ĐỖ THỊ KIM CHUNG (thủ thư Thư viện Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM):

Để chuyện học của con nhẹ nhàng

do thi kim chung

Con trai tôi năm nay 6 tuổi, cháu khá hiếu động. Do vậy, trong những ngày hè này cả nhà hơi vất vả khi chơi cùng con trong không gian căn hộ chung cư luôn phải đóng kín cửa để phòng chống dịch.

Tuy nhiên, trong mấy tháng kiên nhẫn, bước đầu cậu con trai cũng quen dần với chuyện tự học mỗi tối.

Việc đọc sách, tôi nghĩ cần rèn luyện từ bé để trẻ có thói quen và phát triển theo thời gian với những loại sách phù hợp độ tuổi của trẻ.

Tôi ý thức được việc này nên từ năm con 4 tuổi đã cùng con đọc sách thông qua các trò chơi đố vui bằng những hình ảnh trong sách.

Tất cả chúng ta đang trải qua một mùa hè cam go do COVID-19, năm học mới đang tới với nhiều nỗi lo, nhưng nếu còn bình yên để chơi và học cùng con, mình có thể nói với con về sự may mắn đó để hiểu và trân trọng những thời gian bên nhau.

Cô TĂNG THÀNH KHÁNH LINH (giáo viên kỹ năng sống Trường tiểu học - THCS - THPT Việt Anh):

Xóa tan chuỗi ngày nhàm chán

khanh linh

Để có những ngày giãn cách không nhàm chán, cùng học và cùng chơi với con, tôi nghĩ phụ huynh cần sắp xếp thời gian cho con.

Theo đó, trong một ngày nhất định phải có một khung giờ dành cho con trẻ để các con cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương từ ba mẹ.

Bên cạnh đó, cần dành thời gian lắng nghe và quan sát con - để biết được sở thích và điểm mạnh của con, từ đó lựa chọn phương pháp giảng dạy và những trò chơi phù hợp khiến con yêu thích, vui vẻ đón nhận.

Dành thời gian đọc sách cùng con cũng là một điều tuyệt vời. Cũng nên động viên con nói ra cảm nhận, những điều học được từ mỗi quyển sách, quyển truyện để các con có thể áp dụng vào cuộc sống.

Khuyến khích con viết ra những cảm xúc của mình, sẻ chia cảm xúc đó cùng ba mẹ. Ba mẹ có thể đặt một cái hộp thư và giao ước với con là mỗi buổi tối sẽ đọc thư của con để biết được con đang nghĩ gì, cảm xúc hôm nay của con như thế nào và cùng con sẻ chia những điều đơn giản ấy.

Hoặc cùng con vào bếp nấu ăn, tạo ra nhiều món ăn cũng là gợi ý đáng suy nghĩ trong những ngày căng thẳng này...

Trò chuyện với con trẻ thế nào về dịch bệnh? Trò chuyện với con trẻ thế nào về dịch bệnh?

TTO - Dịch COVID-19 xảy ra không chỉ gây nên những xáo trộn to lớn đối với người trưởng thành, mà còn cả với trẻ nhỏ. Nhiều biến động xảy ra hằng ngày trong gia đình, ngoài xã hội đều có những ảnh hưởng đến trẻ.

LƯU ĐÌNH LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên