18/02/2005 14:20 GMT+7

Chơi hụi, họ: cấm hay... mở?

N.V.HẢI
N.V.HẢI

TT (Hà Nội) - Trong quản lý “dễ nhất là chúng ta cứ…cấm, nhưng cấm thì không giải quyết được vấn đề gì cả”, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Kontum Nguyễn Đức Dũng nhận xét khi hội nghị ĐBQH chuyên trách thảo luận vấn đề hụi, họ trong dự thảo Bộ luật dân sự hôm qua 17-2. “Thay vì cấm nên có biện pháp giải quyết sao cho lành mạnh các quan hệ xã hội” - ĐB Đức Dũng đề nghị.

Được chơi hụi tới… mức lãi suất nào?

Theo Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu, hiện có hai phương án đang được xem xét trong lần sửa đổi Bộ luật dân sự này: hoặc là “cấm tiệt” (mà theo ông chắc là khó); hoặc là Nhà nước có những qui định cho phù hợp, giúp loại hình này hoạt động đúng tính chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đồng quan điểm với ĐB Dũng: Nhà nước nên “mở ra” và quản lý bằng cách cho đăng ký, bằng công cụ thuế..., chừng nào người dân vượt qua “vòng kim cô” đó sẽ xử lý bằng các biện pháp hành chính hoặc hình sự. “Chơi họ mà tính lãi thì là kinh doanh, đâu còn phải tương trợ” - ĐB Hà Đức Lệnh (Bắc Cạn) phản đối. Ông muốn Bộ luật dân sự phải nói rõ từng hình thức hụi, họ khác nhau (có và không có lãi suất); chơi hụi ở lãi suất nào thì được phép, cũng như ngăn chặn việc sử dụng tiền hụi, họ để buôn lậu, làm ăn phi pháp.

Tổ hợp tác có phải chủ thể giao dịch dân sự?

Tổ hợp tác ra đời từ thời bao cấp, tuy luật hiện hành vẫn qui định nhưng thực tế có nhiều vấn đề “rất khó giải quyết” - ĐB Đỗ Tiến Dũng nhận xét. Bộ trưởng Uông Chu Lưu chia sẻ: Trong Luật doanh nghiệp không có tổ hợp tác, chỉ có công ty hợp danh gồm hai người trở lên hoạt động theo luật này. Ngay Luật hợp tác xã, theo Bộ trưởng Lưu, “cũng không khuyến khích tổ hợp tác mà chỉ khuyến khích hợp tác xã”.

“Tôi không hiểu qua tổng kết thực tiễn có gì vướng mà nhất thiết không đưa tổ hợp tác trong Bộ luật dân sự này” - ĐB Trương Thị Mai (Trà Vinh) hỏi ngược lại Ban soạn thảo. Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Bắc cũng băn khoăn nếu bỏ tổ hợp tác như một chủ thể giao dịch dân sự nghĩa là “chúng ta không khuyến khích cách làm ăn cộng đồng”. Bà còn lo ngại “sau này tổ hợp tác vẫn tồn tại, nếu có tranh chấp thì sẽ giải quyết theo cơ sở nào?”. “Qui định của chúng ta còn rất… bỏ ngỏ” - ĐB Nguyễn Văn Thuận đưa ra nhận xét và ông đề nghị không nên xem cả tổ hợp tác lẫn hộ gia đình như một chủ thể trong giao dịch dân sự.

N.V.HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên