NCS Đinh Ngọc Khang đại diện tri thức trẻ tặng hoa Bí thư Trung ương Đảng Trương Thị Mai tại Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 2 - Ảnh: GYVSF
Nói về thời niên thiếu, Đinh Ngọc Khang chia sẻ: "Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống học tập, sức học thường thuộc tốp đầu. Nhưng "điểm trừ" của tôi là... mê điện tử, thậm chí chơi quên cả ăn, quên học.
Mẹ tôi là giáo viên, nên khá nghiêm khắc với con cái, từng đạp xe lóc cóc từ quán game này đến quán game khác để gọi tôi về. Đến một ngày mẹ nói với tôi một câu nhỏ nhẹ, giọng đượm buồn: "Con mà như thế này thì ai mà tin cho mẹ đi dạy? Con mẹ mà còn không dạy được, thì mẹ còn dám dạy ai?". Tôi sững người, bớt chơi game từ đó".
Nếu con mệt, hãy về...
* Từng là á khoa đầu vào một ngôi trường danh tiếng, bạn đã học như thế nào?
- Cuộc sống gia đình tôi khá êm ả cho tới học kỳ 2 lớp 11. Bố tôi bị phát hiện ung thư giai đoạn cuối. Mọi thứ như sụp đổ. Nhìn cảnh bố oằn mình trước những cơn đau, mắt mẹ trũng sâu, khuôn mặt hốc hác vì vừa phải thức đêm chăm bố, vừa đi dạy vừa làm kinh tế..., tôi chỉ biết dặn lòng phải cố gắng học. Một lần tôi tình cờ nghe bố bảo mẹ: "Chỉ mong được sống đến ngày Khang thi đại học".
Điều trăn trở và mơ ước giản đơn của bố như càng hun đúc ý chí học trong tôi. Tôi lao vào học như không có ngày mai, đêm nào cũng học tới 2-3h sáng rồi dậy lúc 6h để đến trường. Những đêm đông lạnh buốt, khi buồn ngủ tôi nhúng đầu mình vào xô nước lạnh để tỉnh lại. Tôi muốn tặng bố món quà đẹp nhất.
Bố mất khi chỉ còn ba tháng là tôi bước vào kỳ thi đại học. Tôi nuốt nước mắt, ôm lấy thằng em mới 10 tuổi, động viên nó rằng bố vẫn sẽ ở bên gia đình mình. Tôi không khóc trước mặt mẹ và em trai, vì muốn mình là nơi để hai người dựa vào. Bố tôi mất chưa lâu, mẹ tôi có lẽ quá khổ nên đổ bệnh phải đi viện điều trị sáu tháng.
"Món quà" kia dù xem như bố không thể tận mắt chứng kiến, nhưng tôi vẫn cố gắng thi hết sức để ở nơi nào đó, ông sẽ vẫn vui lòng.
* Con đường nghiên cứu của bạn từng có giai đoạn rất tăm tối?
- Là một nghiên cứu sinh (NCS) học thẳng từ đại học lên, năm đầu tiên là năm khủng khiếp nhất, đặc biệt là trong ngôi trường tốp đầu như ĐH Công nghệ Nanyang. Ngoài việc phải làm quen với đề tài nghiên cứu mới, tôi còn phải hoàn thành 8 môn học trong năm đầu. Giáo sư hướng dẫn của tôi cũng đặt kỳ vọng tôi có một bài báo quốc tế với chỉ số ảnh hưởng trên 10 trong thời gian này.
Đó có lẽ là thời gian tối tăm nhất quãng đời học tập. Ngày làm việc bình thường của tôi ở phòng thí nghiệm bắt đầu từ 8h tới 23h, "ngày nghỉ lễ" hay "cuối tuần" là điều xa xỉ, nhưng sau một năm miệt mài trong phòng thí nghiệm, tôi vẫn vô vọng.
Tôi trao đổi với giáo sư hướng dẫn những nghi ngờ của mình về tính khả thi của dự án nhưng ông không thật sự đồng cảm. Tôi bế tắc, kiệt sức, nghĩ rằng nghiên cứu không phải con đường dành cho mình. Trong tôi dâng lên cảm giác tội lỗi với mẹ và gia đình khi một năm qua mọi thứ vẫn như ở vạch xuất phát, trong khi tôi lẽ ra đã có thể đi làm để san sẻ gánh nặng kinh tế gia đình, để mẹ sớm an dưỡng tuổi già.
Quá nhiều suy nghĩ tiêu cực, tôi nộp đơn xin nghỉ học ngay trước Giáng sinh năm 2016. Mùa Noel đó tôi sụt mất 5kg.
* Mẹ của bạn nói gì?
- Tình trạng của tôi thê thảm tới mức trường sợ tôi nghĩ quẩn, tự tử nên mời bác sĩ tâm lý đến nói chuyện với tôi.
Tôi gọi điện xin lỗi mẹ. Mẹ không mắng mà chỉ khóc: "Nếu con mỏi mệt rồi, hãy về với mẹ. Mẹ chỉ cần con". Sự yếu đuối lẫn cương nghị của mẹ khiến "người đàn ông trụ cột" trong tôi như bừng tỉnh. Tôi mạnh dạn trao đổi toàn bộ suy nghĩ, băn khoăn của mình với giáo sư hướng dẫn, nhà trường... và từ đó giải pháp đã được đưa ra.
Ngẫm lại, tôi thấy mình rất may mắn khi trong những khoảnh khắc tuyệt vọng nhất vẫn được nhà trường, bạn bè, người thân... luôn sẵn lòng lắng nghe, san sẻ.
Luôn chuẩn bị công việc cho ngày mai
* Ngoài việc học và nghiên cứu, bạn cũng tham gia rất nhiều hoạt động cộng đồng?
- Khi tham gia những hoạt động xã hội này, tôi không nghĩ là mình đang giúp ai mà tôi tìm thấy ở đây nguồn năng lượng sống. Những mảnh đời, những số phận mà tôi gặp, cứ tưởng rằng mình tạo động lực, truyền cảm hứng cho họ... nhưng thực ra chính họ đã luôn giúp tôi nhìn lại bản thân để thấy mình may mắn hơn, được tiếp thêm nghị lực. Tôi vẫn nhớ lời bố: "Người giàu là người giúp đỡ được nhiều người khác".
Tôi luôn có kế hoạch và lịch làm việc nghiêm túc theo tuần và tháng cụ thể, luôn chuẩn bị công việc ngày mai phải làm trước khi đi ngủ.
* Trong các bài báo quốc tế đã công bố, công trình nào ý nghĩa nhất với bạn?
- Có lẽ bài báo có ý nghĩa nhất là công trình đầu tiên trong thời gian làm nghiên cứu sinh, được đăng trên tạp chí Small (chỉ số ảnh hưởng >10) cách đây 2 năm, và hiện vẫn là bài báo nằm trong top 1% có lượng trích dẫn cao nhất thế giới (theo Web of Science).
Bài báo "Nghiên cứu và phát triển xúc tác điện hóa cho quá trình chuyển hóa năng lượng tái tạo ra đời khi tôi đang cố gắng vùng vẫy để thoát ra khỏi sự bế tắc, là minh chứng của nghị lực bản thân trước sóng gió và sự sát cánh cần thiết của những người xung quanh.
Ngoài ra, bài báo này cũng đã mở ra cho tôi nhiều ý tưởng mới, giúp tôi tạo được uy tín trong mắt đồng nghiệp và các nhóm nghiên cứu khác; đó cũng là ngọn nguồn của các mối quan hệ hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật của tôi sau này.
* Thần tượng của bạn là ai?
- Đó là bố tôi, người làm nên tính cách tôi bây giờ. Ông cho tôi niềm tự hào về gia đình, dòng họ. Ông dạy tôi làm người đàn ông có trách nhiệm, dạy tôi ý nghĩa của cuộc sống, cho tôi nhiều quan điểm khác về giàu nghèo (không phải ở tiền bạc mà là tình cảm/giúp đỡ người khác). Ông luôn là tấm gương cho tôi về suy nghĩ sống tích cực, lạc quan.
Và đó còn là mẹ tôi, người đã ân cần quan tâm, hi sinh vô bờ bến cho bố lẫn anh em tôi. Ngày xưa từ lúc bố bệnh đến khi mất, mẹ không cho tôi giúp gì vì sợ tôi vất vả. Giờ đây chỉ còn một mình ở quê, mẹ vẫn động viên anh em tôi đừng lo cho mẹ mà tiếp tục học tập, cống hiến cho đất nước, xã hội.
25 bài báo khoa học
Đinh Ngọc Khang từng là á khoa đầu vào Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc cuối năm 2015, Ngọc Khang nhận được học bổng toàn phần học nghiên cứu sinh ngành khoa học vật liệu tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Bạn dự kiến hoàn thành chương trình học vào tháng 1-2020. Khang từng nhận được nhiều học bổng danh giá xuyên suốt quá trình học đại học. Bạn cũng từng là học giả tại một số quốc gia như Mỹ, Nhật, Úc... Đến nay Ngọc Khang đã có 18 bài báo quốc tế và bảy bài khác đang trong quá trình phản biện.
Ngoài ra, Khang còn tham gia điều hành, cộng tác một số hoạt động cộng đồng như Quỹ học bổng Đồng hành Singapore, Operation Smile... và giảng dạy tiếng Anh cho lao động Việt tại Singapore.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận