![]() |
“Đông như đám chọi gà”
Theo chân Dũng “gà” - một con bạc thuộc dạng “khát nước” - tôi đến sới gà trong một con hẻm trên đường Nguyễn Kiệm. Theo lời Dũng “gà” thì sới này hầu như ngày nào cũng có vài trận. Từ đầu hẻm chạy vào đã thấy vài chú gà bị nhốt trong lồng, bu quanh là những tay mặt mày bặm trợn, tóc xanh tóc đỏ. “Toàn bọn chủ gà không đó, bọn này chơi ác lắm. Mỗi ngày tụi nó thua vài chục “củ” (triệu) là bình thường”. Cái nơi mà Dũng gọi là “sới gà” chỉ là một khoảng trống nhỏ độ 20m2 bằng xi-măng, được bao quanh bởi nhà dân, hay nói đúng hơn, khu vực này toàn là dân đá gà, không thì cũng bài bạc, nuôi gái bán hoa. Lúc này tôi nhìn đồng hồ chỉ mới hơn 7giờ sáng. Cái giờ mà nhiều “cậu ấm cô chiêu” hay giới “lấy đêm làm ngày” vẫn còn chìm trong giấc ngủ, thì tại sới gà, hàng chục con bạc tụ tập thành một đám đông đúng kiểu “đông như đám chọi gà” để chuẩn bị cho trận “khai mạc” đầu tiên trong ngày.
“Ông theo không, tui thấy con gà chuối này trên cơ con gà lửa nhiều. Theo đi, kiếm tiền xài chơi”. Dũng nói và không đợi tôi trả lời, hắn đến chỗ gã mặt rỗ đang chồng cựa gà, hỏi gì đó vài câu rồi bảo: “tui theo 5 “củ”. Vẫn miệt mài quấn những đoạn băng keo y tế vào chân gà, để giữ cho hai chiếc cựa bằng inox trắng lóa dính chặt vào chân gà, gã chỉ trả lời đúng một tiếng “ừ”.
Chồng cựa xong, hai con gà được giao lại cho “nài” (người được phân công thả gà). Hai “nài” đứng đối diện nhau, giữa là một vạch phấn làm mức, sau tiếng hô: “một, hai, ba... thả gà!” của trọng tài, hai “nài” đồng loạt buông gà, hai con gà lao vào nhau trước sự la ó như cháy chợ của các con bạc. Hòa lẫn với những tiếng la, là những tiếng “xả kèo” của chủ gà. “Bảy ăn mười”; “mười ăn tám” (1 triệu ăn 8 trăm), cứ thế, những tiếng “xả kèo” vang lên liên tục theo tình hình của hai con gà. Chỉ khi một trong hai con gà bại trận mới thôi.
Tại sới gà này, không chỉ giới đàn ông, mà đàn bà cũng tham gia, “ra kèo” và cổ vũ rất khí thế không thua gì cánh đàn ông. So với chọc tiết gà, những cái cựa dài 12cm làm cho những con gà chết nhanh hơn, thậm chí có con chết mà chưa kịp đổ một giọt máu nào.
Kết thúc trận đấu, người thắng cười hớn hở, kẻ thua cau có, văng tục rồi lặng lẽ ngồi chờ trận đấu tiếp theo. Không như cờ bạc thông thường phải dùng đến tiền mặt, tại sới gà, người ta chỉ dùng tiền “chết”. Chỉ khi nào trận đấu kết thúc, tiền mặt mới lưu thông.
Cao thủ “độ” gà
“Đã dấn thân vào trò đỏ đen là phải biết mánh khóe thì mới sống được”, đó là lời khẳng định của P. trùm “độ” gà một thời những thập niên 90. Theo lời P. thì giới chọi gà có nhiều mánh khóe và chiêu thức để làm cho gà của đối phương chết nhanh hơn, đôi khi chỉ một cú “nạp” nhẹ cũng làm cho con gà lăn ra chết mà chủ nhân của nó không hiểu vì sao. Trong đó, chiêu bôi thuốc vào cựa được các dân “độ” mang ra xài nhất, kế đến là cho gà uống thuốc kính thích để gà đá cho sung, và tiếp theo là cho người thuốc gà đối thủ. Khải - một ông trùm gà khu vực quận 7 một thời làm mưa làm gió, nay “hoàn lương” kể: “Thời của tui, dân chơi gà còn “non tay nghề” lắm, nên ai biết mánh khóe là kiếm ăn khỏe re, hồi đó một ngày tui đá trận nào thắng trận đó, nhưng thỉnh thoảng cũng “nhả” một hai trận cho khỏi bị lộ”. Nói rồi, P thở dài kể tiếp: “Cũng vì biết mánh khóe mà tui phải bán nhà vì chính cái mánh khóe của mình”. Chuyện là “thời hoàng kim” P. có nuôi một đệ tử ruột, với nhiệm vụ duy nhất là tắm thuốc (một loại thuốc có màu như vẹc ni, bôi vào cho thịt gà trở nên săn chắc), rửa mặt cho gà vào các buổi sáng và ôm gà đi đá khi có độ, với lương hậu hĩ. Thế rồi một ngày nọ, có một cao thủ phát hiện P. dùng “mánh khóe”, nên cao thủ này tìm cách mua chuộc tay đệ tử của P. Ngày P. nhận lời thách đấu với tay cao thủ nọ diễn ra tại một nơi vắng vẻ, chỉ có P. và tay cao thủ nọ cùng hai gã “nài gà”, một trọng tài rất có “số má” trong giang hồ. Vì đây là trận đấu mang tính “sống còn” nên không đấu bằng tiền như thông thường, mà đấu bằng tất cả tài sản P. có được trong bao nhiêu năm “chém đinh chặt sắt” trong sới gà.
Trận đấu diễn ra, P. chắc như đinh đóng cột mình sẽ thắng vì nhờ cặp cựa có tẩm thuốc, thế nhưng chỉ vài “cú nạp” của gà đối thủ, con gà mà P. “chăm như chăm con mọn” chỉ để phục vụ trận đấu này nhảy đành đạch vài cái rồi tắt thở.
“Nhìn con gà chết không đổ một giọt máu, tui biết ngay là bị thằng đệ tử phản kèo. Nhưng theo luật chơi thì phải chấp nhận, dù là dân cờ gian bạc lận, hay thành phần đâm cha chém chú đi nữa, khi đã bước chân vào giang hồ thì phải sống theo “luật giang hồ”. P. kể lại giọng chua chát. Và cũng theo lời P. vào những năm đó, dân chơi gà không nhiều như bây giờ, nhưng những kẻ “chết vì khinh địch” như P. không phải là hiếm. Có người còn bỏ cả mạng ngay tại sới gà vì thua một cách tức tưởi.
Tôi có mặt tại nhà Châu - một tay chuyên sống vào nghề độ gà thuở nào, nay phải “hoàn lương” chấp nhận cảnh “phi công trẻ lái máy bay bà già” để có tiền đá gà. Nghe đồn chồng của bà này lúc trước cũng là một cao thủ trên các sới gà, và ông ta tự thắt cổ chết sau một độ gà, đúng với câu nói: “Sinh nghề tử nghiệp”.
“Dân chơi gà bây giờ khôn ra nhiều rồi, so với thời ông ta (ý nói chồng của bà vợ hờ đang sống với Châu). Thời tụi tui không còn mấy ai dám chơi thuốc nữa, bởi khi bị phát hiện dễ bị lấy mạng tại sới lắm. Bây giờ người ta chỉ tiêm thuốc kích thích trực tiếp vào gà, hay cho gà uống thuốc giảm cân hòng ăn gian về độ tuổi của gà” - Châu bật mí cho biết như thế.
Hóa ra trong sới gà, người ta cũng sáng tạo ra nhiều chiêu thức để “làm thịt” lẫn nhau. Mà người ta có “làm thịt” lẫn nhau cũng phải thôi, bởi dân cờ bạc thường có câu “khi vào sòng thì không còn phân biệt cha con” huống chi đây lại người dưng nước lã.
Tuổi Trẻ Cười số 489 ra ngày 1/12/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận