22/07/2018 20:02 GMT+7

Choáng với các dự án đội vốn 'khủng' ở Hải Phòng

BẢO NGỌC - TIẾN THẮNG
BẢO NGỌC - TIẾN THẮNG

TTO - Những công trình đội vốn cả nghìn tỉ đồng đang gây bức xúc dư luận. Tình trạng "vung tay quá trán" này đã đẩy nhiều dự án lâm vào tình trạng thiếu vốn triền miên. Hệ quả là hàng loạt dự án nghìn tỉ đắp chiếu...

Choáng với các dự án đội vốn khủng ở Hải Phòng - Ảnh 1.

Những trụ bêtông dùng để neo đậu tàu tại cảng Trân Châu được bố trí dày đặc gây khó khăn cho việc di chuyển của tàu thuyền - Ảnh: TIẾN THẮNG

Kết luận thanh tra về đầu tư xây dựng tại TP Hải Phòng giai đoạn 2010-2017 được Thanh tra Chính phủ ban hành mới đây cho thấy hàng chục dự án đội vốn đầu tư "khủng", có dự án đội vốn hàng nghìn tỉ đồng.

Đội vốn gấp... 11 lần

Một trong những dự án đội vốn từ trăm tỉ lên nghìn tỉ được Sở GTVT Hải Phòng thực hiện trong những năm qua là cải tạo 2,2km đường 356 đoạn từ ngã ba Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ, thuộc Q.Hải An. 

Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 314,9 tỉ đồng, nhưng sau khi thi công xong tăng vọt lên 1.310,9 tỉ. Trong đó, gói thầu thi công và lắp đặt thiết bị dự án đã ký tới 17 phụ lục hợp đồng để điều chỉnh, bổ sung giá trị phát sinh, thay đổi thiết kế và biện pháp thi công.

Tương tự, khi được giao làm chủ đầu tư 7,56km đường bao phía đông nam Q.Hải An, đoạn từ chân cầu Rào đến vị trí giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, UBND Q.Hải An đã điều chỉnh vốn đầu tư từ 886,4 lên 2.066,4 tỉ đồng, đội vốn khoảng 1.180 tỉ.

Dự án đội vốn "khủng nhất" trong số các dự án vừa được phát hiện tại Hải Phòng là xây dựng công trình tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải. 

Sau 8 năm xây dựng tuyến đê biển này, Ban quản lý khu kinh tế Hải Phòng đã điều chỉnh vốn đầu tư dự án từ 998,4 lên 3.248,8 tỉ đồng, đội vốn khoảng 2.250 tỉ. Riêng chi phí xây dựng dự án tăng 1.332 tỉ.

Kết luận thanh tra cũng điểm mặt hàng loạt dự án đội vốn khác trên địa bàn TP Hải Phòng. Có thể kể đến như: dự án kiên cố, nâng cấp đê biển Bạch Đằng đội vốn 158,6 tỉ; xây dựng cầu Khuể đội vốn 39 tỉ; xây dựng Trường THPT chuyên Trần Phú đội vốn 116 tỉ; dự án công trình nhà ở sinh viên giai đoạn 1 đội vốn 190,4 tỉ. 

Như vậy, khi đầu tư xây dựng 8 dự án, trong 7 năm qua, TP Hải Phòng đã điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư các dự án khoảng 7.326 tỉ.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, việc phê duyệt tổng mức đầu tư các dự án tại Hải Phòng còn nhiều hạn chế, dẫn tới hàng loạt dự án đội vốn đầu tư từ 40-100% so với tổng mức đầu tư ban đầu, có dự án đội vốn gấp nhiều lần. 

Trong đó, có dự án đầu tư chậm tiến độ nhiều năm như khu neo đậu tàu cá Cát Bà chậm 8 năm, cầu Khuể chậm 7 năm, Trường THPT chuyên Trần Phú chậm 4 năm.

Choáng với các dự án đội vốn khủng ở Hải Phòng - Ảnh 2.

Dự án đường Đông Nam tại Q.Hải An, TP Hải Phòng đến nay vẫn dang dở chưa thể đi vào hoạt động sau nhiều năm khởi động - Ảnh: T.THẮNG

8 dự án, đội vốn hơn 7.000 tỉ

Trong 7 năm qua, TP Hải Phòng đầu tư xây dựng 8 dự án thì tất cả đều đội vốn "khủng". Tổng cộng 8 dự án này đã được điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư lên khoảng 7.326 tỉ đồng.

Vẫn không hiệu quả

Ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ tại Hải Phòng cho thấy nhiều dự án đầu tư dù đội vốn cả nghìn tỉ nhưng vẫn đang trong tình trạng dang dở vì "đói vốn" và không thể phát huy hiệu quả đầu tư.

Có mặt tại dự án khu neo đậu tàu cá Cát Bà tại cảng Trân Châu, huyện đảo Cát Hải, chúng tôi thấy dù đã hoàn thành từ lâu nhưng đến nay hiệu quả hoạt động mang lại thấp khi phần lớn ngư dân không cho tàu vào neo đậu tránh trú. 

Ông Nguyễn Đức Thiện - một ngư dân tại Cát Bà - bức xúc cho rằng tại khu vực cảng Trân Châu trước kia khi chưa triển khai làm dự án khu neo đậu thì vẫn có nhiều tàu cá vào neo tránh trú. 

Tuy nhiên từ khi hoàn thành dự án đến nay lại không tàu nào dám vào bởi thiết kế công trình không đảm bảo an toàn, gây khó khăn cho việc di chuyển của tàu cá.

Theo ông Thiện, việc chủ đầu tư thi công lắp đặt quá nhiều trụ bêtông gây khó khăn cho tàu thuyền ra vào. 

Đặc biệt, các mỏ thép được uốn cong tại các góc trên trụ bêtông bố trí dài hơn so với lớp lốp đệm ở trên tàu khiến cho tàu vỏ gỗ của bà con ngư dân dễ bị hư hỏng nếu va phải những phần thép cứng này. 

"Trước kia các tàu cá khi vào trong khu vực cảng Trân Châu thường tự kết lại với nhau neo đậu rất chắc chắn, giờ các trụ bêtông sừng sững, dày đặc bên trong cảng vừa làm khó cho việc di chuyển vừa không đảm bảo an toàn, công trình hoàn thành nhưng giờ không ai dám vào gây lãng phí" - ông Thiện nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Văn Lập - giám đốc Sở NN&PTNT Hải Phòng - cho rằng dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Cát Bà vẫn hoạt động hiệu quả. Về nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến những công trình dự án do sở làm chủ đầu tư đội vốn "khủng", ông Lập nói: "Chúng tôi không có ý kiến trao đổi gì thêm".

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngoài dự án khu neo đậu tránh bão cho tàu cá Cát Bà gây bức xúc cho ngư dân về tính hiệu quả, việc xây dựng các dự án đường giao thông tại Q.Hải An cũng trong tình cảnh dang dở khi đường đang làm thì hết vốn, gặp vướng mắc trong bàn giao mặt bằng.

Khi hỏi về tuyến đường được xây dựng vỏn vẹn hơn 2km trong dự án đường liên phường thuộc Q.Hải An, ông Nguyễn Hữu Dũng (ngụ P.Tràng Cát, Q.Hải An) ngán ngẩm: 

"Đường này đã triển khai gần chục năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thành đưa vào sử dụng. Hiện đoạn đường này chỉ phục vụ những người dân đi tập thể dục và trâu bò chăn thả, nhiều điểm là nơi tập kết rác của người dân".

Ông Phạm Chí Bắc, chủ tịch UBND Q.Hải An - đơn vị chủ đầu tư dự án, cho biết tuyến đường liên phường có ba đoạn thì từ năm 2009 đến nay mới chỉ hoàn thành được... đoạn giữa. 

Những hạng mục còn lại quận cũng đang lập dự toán chờ phê duyệt nhưng vốn cấp cho dự án hiện không có nên nhiều khả năng phải tiếp tục dừng.

Về dự án đường bao phía đông nam Q.Hải An, ông Bắc cho biết dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai từ năm 2006. 

Mặc dù ban đầu chiều dài của dự án là 7,5km, sau điều chỉnh chỉ còn hơn 6km nhưng vốn đầu tư vẫn tăng là do thời điểm điều chỉnh những năm 2007-2009 giá nguyên vật liệu, thuê nhân công và chi phí giải phóng mặt bằng đều tăng cao. 

Theo ông Bắc, hiện nay dự án này cũng mới chỉ hoàn thành được khoảng 60% do vốn đối ứng cho nhà thầu thi công mới được 25% giá trị công trình.

(còn tiếp)

Sau thanh tra tại Hải Phòng, Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm và kiến nghị giảm tổng mức đầu tư nhiều dự án như: dự án xây dựng cầu Hàn giảm 7,6 tỉ đồng, dự án xây dựng cầu Đăng giảm 8,3 tỉ, dự án hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Bắc sông Cấm giảm 4,4 tỉ, tuyến đường trục chính 100m Lạch Tray - Hồ Đông giảm 1,5 tỉ. Tuy nhiên, dư luận cho rằng con số điều chỉnh giảm chẳng thấm vào đâu so với các công trình đội vốn "khủng".

Đắk Lắk: dự án gần 3.000 tỉ đội lên hơn 5.700 tỉ

Đó là dự án hồ chứa nước Krông Pách thượng ở xã Cư Yang, huyện Ea Kar, Đắk Lắk. Dự án này được xem là công trình đặc biệt quan trọng, với mục tiêu sẽ tưới tiêu cho 14.900ha, cấp nước cho gần 73.000 hộ dân ở địa phương. Dự án được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 15-5-2009 với tổng mức đầu tư hơn 2.993 tỉ đồng, chiếm gần 2.300ha đất, 663 hộ dân phải di dời... Do chậm triển khai, sau 9 năm tổng mức đầu tư đã vọt lên hơn 5.700 tỉ so với mức phê duyệt ban đầu. Hiện nay, do bị đội vốn "khủng" như trên nên công trình gần như giậm chân tại chỗ.

Dự án trung tâm Phan Đình Phùng đội vốn 2 lần, đổi  3 lô "đất vàng" Dự án trung tâm Phan Đình Phùng đội vốn 2 lần, đổi 3 lô 'đất vàng'

TTO - Dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng (TP.HCM) đội vốn đầu tư từ 988 tỉ lên 1.954 tỉ đồng. Từ chỗ chỉ định một khu đất để thanh toán cho nhà đầu tư, đến nay có thể phải tăng lên đến 3 lô đất để ứng vốn cho dự án.

BẢO NGỌC - TIẾN THẮNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên