Vòm cửa tổ ong với màu xanh đặc trưng của đạo Hồi tại thánh đường Sheikh Lotfollah Mosque, xây năm 1603 tại kinh đô Isfaha
Giấc mơ đặt chân đến xứ sở Ba Tư có từ hồi đọc Nghìn lẻ một đêm năm 10 tuổi, mà đến tận tháng 10-2022, khi đã 48 tuổi, tôi mới thực hiện được.
Chưa có chuyến đi nào mà các thành viên trong nhóm bị chinh phục ngay từ ngày đầu tiên như thế, mặc dù trong nhóm có những người đã đi gần 50 nước, thậm chí có người đã đi gần 80 nước.
Tôi xin chia sẻ với các bạn những hình ảnh và cảm nhận của tôi sau chuyến đi 10 ngày ngắn ngủi tại Iran, đất nước đứng thứ 10 thế giới về số lượng di sản UNESCO, cái nôi của một trong những nền văn minh và đế chế cổ xưa nhất trên Trái đất.
Nếu các bạn thắc mắc Iran bị Mỹ cấm vận nghiêm ngặt, bất tiện đủ thứ, lại theo Hồi giáo Shia bảo thủ lạc hậu, có gì thú vị đâu mà đi, mong rằng bài viết này sẽ cho bạn câu trả lời.
Các ngôi nhà cổ
Nhà cổ này là khách sạn Arian ở Tehran - Ảnh: 1Quest
Các ngôi nhà cổ thường được xây dựng cách đây khoảng 200 năm, là tư dinh của các thương gia giàu có nhất nhì trong vùng.
Theo đúng tinh thần Hồi giáo, không khoa trương mà hướng nội, các ngôi nhà đều có vẻ ngoài rất khiêm nhường.
Chỉ khi bước vào bên trong, bạn mới thực sự cảm nhận được sự giàu có, tinh tế của gia chủ, sự tài hoa và tầm nhìn của các bậc thầy kiến trúc, và trình độ tinh xảo điêu luyện của các thợ thủ công.
Đối với những bạn yêu thích kiến trúc, nghệ thuật hay văn hóa, những ngôi nhà cổ chắc chắn là địa chỉ mà các bạn không nên bỏ lỡ. Không chỉ đến thăm, các bạn nên sắp xếp để dùng bữa, hoặc tốt hơn nữa là ngủ lại tại những ngôi nhà cổ này nữa nhé.
Những thánh đường Hồi giáo
Một trong nhiều vòm cổng đầy màu sắc của đền thờ Fatima Masumeh (em gái của vị tông đồ thứ 8 của đấng tiên tri Mohammed) tại Qom, một trong những thành phố bảo thủ và sùng đạo nhất Iran
95% dân số Iran theo đạo Hồi, nên các thánh đường Hồi giáo hiện diện mọi nơi trên khắp đất nước.
Tuy nhiên, vẻ đẹp tinh xảo về nghệ thuật kiến trúc của những viên gạch mosaic, cùng quy mô đồ sộ nguy nga của những mái vòm tổ ong cao vút hàng trăm năm tuổi của những thánh đường ở Iran đã đạt đến độ kiệt tác, không chỉ ở Iran mà còn ở toàn bộ khu vực Trung Đông.
Cô bạn tôi có con gái đang học về kiến trúc Hồi giáo tại Đại học Harvard (Mỹ) cho biết các giáo sư Harvard cũng đã dành một thời lượng đáng kể trong chương trình để nói về các thánh đường tại Iran.
Quả thực khi chúng tôi bước vào những thánh đường này, ống kính máy ảnh trở nên bất lực, mọi ngôn từ mô tả trở nên quá nghèo nàn. Vẻ đẹp của chúng làm tim tôi nhói đau.
Các thương điếm ở Iran
Một thương điếm ở Iran - Ảnh: Tehran Times
400 - 500 năm trước, Con đường Tơ lụa huyền thoại là tuyến đường bộ cực kỳ quan trọng kết nối thông thương Đông - Tây, với những đoàn lái buôn chở lụa từ Trung Quốc và gia vị từ Ấn Độ trên lưng lạc đà sang các nước châu Âu để bán.
Và Đế quốc Ba Tư nằm ở chính giữa con đường đó. Chính vì vị trí chiến lược này, nên các hoàng đế Ba Tư và lãnh chúa các vùng đã cho xây các thương điếm nằm dọc theo các tuyến đường tơ lụa, mỗi thương điếm cách nhau khoảng 30 - 40km - tương đương với một ngày đường đi bộ, để các đoàn lái buôn có chỗ nghỉ ngơi an toàn và thoải mái vào ban đêm.
Trong tiếng Farsi, "Caravan" - là đoàn lữ hành; "serai" - là nơi trú ngụ. Nên mới hình thành các "caravanserai" - các thương điếm. Ngành khách sạn trên thế giới có lẽ cũng bắt nguồn từ đây.
Không có nước nào trên trái đất này có nhiều caravanserai như Iran. Cả nước có 999 caravanserai, được xây cách đây 300 - 400 năm, hầu hết ngày nay đã đổ nát. Tuy nhiên, một số ít các thương điếm này đã được tư nhân mua lại và chuyển thành một loại hình lưu trú độc đáo cho du khách.
Chúng tôi đã chọn ngủ qua đêm tại hai caravanserai và dừng ăn trưa tại một caravanserai, và đã có những trải nghiệm đặc biệt mà không một khách sạn hiện đại nào sánh được.
Cũng vì sự đặc biệt về lịch sử và kiến trúc này mà Iran đã nộp hồ sơ lên UNESCO cho các caravanserai vào danh sách Di sản thế giới.
Những khu chợ truyền thống (bazaar)
Mái vòm trong Grand Bazaar tại Kashan
Thành phố nào của Iran cũng có ít nhất một khu chợ gọi là bazaar. Đây là nơi bạn có thể dành hàng tiếng đồng hồ hòa lẫn với dân địa phương, mua sắm các sản phẩm thảm len, thảm tơ dệt tay với hoa văn Ba Tư tuyệt đẹp (tấm thảm rộng nhất thế giới hơn 5.400m2 trải sàn thánh đường Sheikh Zayed Grand Mosque tại Abu Dhabi là do 1.200 nghệ nhân của Iran dệt và trao tặng).
Chợ còn bán các đồ chạm khắc và thủ công mỹ nghệ vô cùng tinh xảo.
Bạn hãy lang thang lạc lối giữa hàng trăm cửa hàng bán các sản vật địa phương, mà nổi tiếng nhất là saffron, nước hoa hồng và các loại hạt.
Rồi khi đôi chân đã mỏi, bạn sẽ ghé vào một tiệm trà truyền thống nằm sâu trong các con hẻm nhỏ quanh co để tự thưởng cho mình một cốc sinh tố doogh (sữa chua mặn - đồ uống ưa thích của dân địa phương).
Nếu bạn muốn trải nghiệm hơi thở của cuộc sống Iran, các bazaar chính là nơi bạn không nên bỏ lỡ.
Những con người Iran
Những cô gái Iran trẻ tuổi và xinh đẹp mà chúng tôi gặp tại tháp Azadi tại thủ đô Tehran
Không ở đất nước nào mà chúng tôi được đón chào nồng nhiệt như ở Iran.
Cấm vận khiến cho lượng khách du lịch biết và đến thăm Iran rất hạn chế. Luật Hồi giáo nghiêm ngặt cấm phụ nữ Iran đi du lịch nước ngoài nếu không có văn bản cho phép của chồng hay người giám hộ.
Chính vì ít cơ hội tiếp xúc với thế giới bên ngoài như vậy, nên người dân Iran rất tò mò về chúng tôi. Họ hỏi chúng tôi từ đâu đến, họ ngạc nhiên khi thấy chúng tôi toàn phụ nữ, họ sốc khi chúng tôi mặc tuy kín nhưng toàn màu sặc sỡ. Họ sờ khăn, sờ tay chân chúng tôi và ngỏ ý muốn chụp ảnh cùng.
Từ người già đến trẻ em, ai cũng vồn vã tươi cười và chào chúng tôi "Welcome to Iran!".
Những tình cảm nhận được trên suốt dọc đường đã sưởi ấm trái tim của chúng tôi, khiến Iran trở thành một ký ức đặc biệt đẹp đẽ và sống động, không bao giờ quên.
Bạn có thể xin visa online rất đơn giản, kết quả sẽ có sau khoảng hai tuần. Một số bạn có "dọa" tôi là đi Iran về sẽ khó xin visa đi Mỹ. Tuy nhiên nhiều bạn bè tôi đi Iran về vẫn xin được visa Mỹ bình thường.
Trong chuyến đi của chúng tôi, chúng tôi cũng gặp hai đoàn khách Mỹ.
Bạn có thể đi Iran tự túc. Chúng tôi muốn hiểu sâu hơn về lịch sử, văn hóa và kiến trúc của Iran, cũng như muốn có phiên dịch giúp chúng tôi trò chuyện với người dân địa phương, nên đã quyết định tự thiết kế lịch trình rồi thuê một hướng dẫn viên địa phương đi cùng toàn bộ hành trình.
Mái vòm trong đền thờ Ali Ibn-e Hamzed tại Shiraz được làm bằng muôn vàn mảnh gương nhỏ lấp lánh đầy màu sắc
Mái vòm trong thánh đường Nasir -al-Mulk (Pink Mosque) tại Shiraz
Tường và trần nhà tại thánh đường Jameh Mosque tại Yazd, được làm bằng những viên gạch gốm xanh tráng men với hoa văn vô cùng tinh xảo
Một mái vòm trong thánh đường Abbasi Great Mosque dành riêng cho hoàng đế Ba Tư tại kinh đô Isfahan
Một cửa với mái vòm cao vút tại thánh đường Abbasi Great Mosque dành riêng cho hoàng đế Ba Tư tại kinh đô Isfahan
Phòng cầu nguyện chính trong thánh đường Sheikh Lotfolla Mosque tại kinh đô Isfahan, một kiệt tác của kiến trúc Hồi giáo
Courtyard (sân trong) của nhà cổ Saraye Ameriha House tại Kashan, nơi chúng tôi ngủ lại hai đêm. Trước đây là tư dinh của tỉnh trưởng tỉnh Kashan. Ngày nay, nơi này đã trở thành một khách sạn 5 sao, được diễn đàn TripAdvisor bình chọn là một trong những khách sạn boutique không chỉ đẹp nhất tại Iran mà còn trên toàn thế giới
Một phòng trong nhà cổ Boroujerdi House tại Kashan
Tháp Azadi nhuộm vàng màu hoàng hôn, biểu tượng của thủ đô Tehran
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận