Dư nợ cho vay margin thị trường chứng khoán đạt gần 219.000 tỉ đồng (gần 8,6 tỉ USD) thời điểm cuối quý 2-2024 - mức cao kỷ lục từ trước đến nay.
Trong đó tốc độ cho vay "đáng nể" nhất đến từ nhóm công ty chứng khoán liên quan đến ngân hàng.
Thị phần cho vay chứng khoán biến động ra sao
Dữ liệu từ Wigroup - một công ty chuyên giải pháp về dữ liệu - cho thấy Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) tiếp tục mở rộng thị phần cho vay margin lên mức 11,46% toàn thị trường tại cuối quý 2-2024.
Đi lên từ mức 6,9% quý 2-2023, tốc độ giành thị phần của công ty chứng khoán thuộc Techcombank này diễn ra nhanh chóng.
Về dư nợ tuyệt đối, TCBS đạt mức 24.198 tỉ đồng - tương ứng gần 1 tỉ USD, đây cũng được coi là dư nợ cho vay cao nhất mà một công ty chứng khoán từng đạt được ở thị trường Việt Nam.
Trong khi đó, ở vị trí thứ hai - Chứng khoán SSI cho vay ra thị trường 19.596 tỉ đồng, chỉ mới phục hồi thị phần với 9,28% từ mức 9,22% cùng kỳ năm ngoái.
Đứng thứ ba thị phần cho vay toàn thị trường, Chứng khoán HSC cũng cải thiện lên 8,78% - mức thị phần tốt nhất trong 3 năm qua của công ty này.
Ở những công ty thị phần "top" sau, dữ liệu từ Wigroup ghi nhận sự mạnh lên đáng kể của các công ty chứng khoán gốc ngân hàng như: KAFI (VIB), MBS (MB), VPBankS (VPBank), TPS (TPB)...
Trong đó VPBanks và MBS đã đẩy mạnh thị phần cho vay khá tốt trong 3 quý vừa qua, cùng vượt lên mức hơn 4%.
Đáng chú ý, các công ty mạnh về khách hàng cá nhân đang mất thị phần đáng kể trong 1 năm qua, tiêu biểu là Mirae Asset, VPS và VNDirect đều giảm mạnh 1% đến 2%.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trương Đắc Nguyên - trưởng phòng phân tích Công ty giải pháp dữ liệu Wigroup - nhận định trong bối cảnh nguồn vốn rẻ, lãi suất chạm đáy, các công ty chứng khoán có dư địa đẩy mạnh cho vay margin.
Trong đó một số công ty chứng khoán thuộc ngân hàng với nhiều lợi thế về nguồn vốn đã và đang mở rộng thị phần nhanh chóng.
Còn nhóm các công ty chứng khoán khối ngoại dần trở nên mất cạnh tranh hơn khi các đối thủ tăng tốc hơn với chiến lược phí rẻ. Còn HSC tăng nhanh thị phần dư nợ nhờ tập trung phát triển khối khách hàng tổ chức.
Theo giới chuyên gia, tăng trưởng margin một phần lớn liên quan đến các giao dịch cổ đông lãnh đạo hoặc cổ đông lớn mua lại các lô cổ phiếu lô lớn thỏa thuận, trong đó đến từ lượng cổ phiếu khối ngoại đã bán.
Cũng bởi vậy, một số công ty có thị phần lớn phục vụ nhà đầu tư cá nhân trong nước giảm dư nợ cho vay margin quý vừa qua trong bối cảnh thanh khoản thị trường chứng khoán về thấp.
Cho vay nhiều, dư địa còn lại ra sao?
Ông Trương Đắc Nguyên cũng cho biết dư nợ margin tăng nhanh trong các quý cũng đặt nhiều vấn đề về duy trì tỉ lệ an toàn vốn theo quy định, cụ thể là tỉ lệ dư nợ margin/vốn chủ sở hữu.
Tại quý 2-2024, tỉ lệ dư nợ margin/vốn chủ sở hữu đã tăng lên 82,2% - mức cao nhất từ 8 quý liên tiếp gần đây.
Để tăng trưởng hoạt động cho vay ký quỹ, nhiều công ty chứng khoán có kế hoạch thực hiện tăng vốn trong năm nay. Trong đó các công ty chứng khoán có công ty mẹ là ngân hàng cho thấy mức tăng trưởng cao về vốn.
Số liệu tổng hợp từ 30 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất thị trường cho thấy lợi nhuận sau thuế quý 2-2024 cao nhất trong vòng 9 quý trở lại đây.
Dẫn đầu cũng là các công ty chứng khoán có dư nợ cho vay ra thị trường lớn. Trong đó TCBS là "quán quân" khi đạt gần 1.300 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, sau đó là SSI (848 tỉ đồng)...
Với chiến lược cạnh tranh bằng cắt giảm phí giao dịch, đích đến cuối cùng của nhiều công ty chứng khoán vẫn là đẩy mạnh cho vay.
Hoạt động cho vay margin mới là "miếng bánh" đóng góp lớn vào lợi nhuận của các công ty chứng khoán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận