Có vẻ thành công của Hậu duệ mặt trời và một vài format truyền hình khác đã khiến gian hàng của KBS luôn thu hút được lượng khách tham quan nhiều nhất tại Hội chợ nội dung Busan 2016 - Ảnh: Q.N. |
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ ngay trong khuôn viên của tòa nhà BEXCO, nơi diễn ra BCM năm nay, bà Lê Hạnh - giám đốc điều hành TV Hub - chép miệng: “Phải chi mình biết và mua sớm hơn!”.
“Ngoài việc trao đổi, mua bán thì hội chợ là nơi để có được cái nhìn toàn cảnh xu hướng nội dung truyền hình của các nước trong thời gian tới. Cái gì sẽ thống lĩnh thị trường giải trí trên truyền hình, cái gì thoái trào sẽ phần nào được dự đoán |
Bà Lê Phương Mỹ (chuyên viên bản quyền của Công ty truyền hình cáp Saigontourist - SCTV) |
Mua trước khi đến... chợ
Bà Hạnh lý giải thêm có rất nhiều bộ phim hay chương trình hay nhưng khi qua đến đây bà mới biết và hỏi mua thì hơn 90% các nội dung đó đã về tay người khác rồi. Và “người khác” ở đây không chỉ những đơn vị trong nước mà còn là các đơn vị mua bán bản quyền quốc tế.
Ví dụ, có những công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... họ đã mua cả một gói bản quyền để phát hành cho các nước Đông Nam Á chẳng hạn, và Việt Nam chỉ có thể mua lại bản quyền thông qua các đơn vị này với giá cao hơn, điều kiện khai thác ngặt nghèo hơn và chậm hơn các nước bạn.
Sau một vòng rảo quanh BCM, bà Lê Hạnh cũng rất bất ngờ khi biết nhiều phim bom tấn Hàn cũng đã được bán sạch cho đến hết năm 2017. Điều đó có nghĩa là dù muốn, TV Hub của bà cũng khó có thể là đơn vị chiếu “nước 1” các phim này ở VN.
Với kinh nghiệm mua bán nội dung truyền hình tại các hội chợ quốc tế gần 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Trúc Mai - giám đốc Công ty cổ phần truyền thông TKL (đơn vị chuyên mua bản quyền các chương trình, phim truyền hình... cho các công ty thuộc Đất Việt VAC) - cho biết:
“Nhiều năm trở lại đây chúng tôi gần như không giao dịch được gì từ các hội chợ như thế này vì các nội dung hay, tốt, nổi bật đã được các đơn vị giữ bản quyền chào hàng đến tận công ty ngay từ khi nó vừa ra mắt.
Và thông thường chúng tôi mua ngay từ các đợt tiếp thị trực tiếp như thế. Nhưng chúng tôi vẫn đều đặn tham gia các kỳ hội chợ từ Á đến Âu để củng cố thêm mối quan hệ với các công ty đa quốc gia trên thế giới”.
Dẫu vậy, vẫn có những phần trăm rất nhỏ còn sót lại từ các hội chợ dạng này mà King of Food là một ví dụ.
Ông Đỗ Văn Bửu Điền - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty truyền thông và giải trí Điền Quân, đơn vị thực hiện King of Food phiên bản Việt Nam với tên gọi Thiên đường ẩm thực (vừa trở lại mùa 2 hôm 22-5 trên kênh HTV7) - cho hay:
“King of Food không phải là một format quá thành công ở Hàn Quốc. Nhưng tôi đã mua format này từ chuyến tham gia hội chợ năm trước một mặt vì tin tưởng chất hài, cái duyên của người dẫn chương trình sẽ là “thỏi nam châm” hút khán giả.
Mặt khác, thực hiện một chương trình khoa giáo, giới thiệu ẩm thực - du lịch, chú trọng nhiều về vấn đề sức khỏe là sở thích của cá nhân tôi và cũng là cái thiếu của truyền hình hiện tại nên hi vọng chương trình sẽ tạo được quan tâm”.
VN: người mua nổi tiếng, người bán vô danh
Cũng có mặt tại BCM 2016, đại diện Phú Thái Media công nhận việc ký kết để mua nội dung không khó bằng việc làm sao để Việt hóa nội dung ấy cho phù hợp thị hiếu khán giả trong nước.
Hội chợ nội dung Busan năm nay có khoảng 300 gian hàng, trong đó có những đài truyền hình, nhà sản xuất lớn nhất Hàn Quốc, quen thuộc với thị trường VN: KBS, MBC, SBS, EBS, CJ E&M...
Và dù là một trong những hội chợ nội dung có quy mô nhỏ, tương đối non trẻ nhưng hội chợ này cũng quy tụ được rất nhiều công ty đa quốc gia nắm giữ nhiều bản quyền “đỉnh” trên thế giới như: Fremantle Media, Endemol Shine, Red Arrow, Caracol Television...
Vì vậy, bốn ngày lang thang hội chợ cũng khó lòng xem được hết những nội dung mà các đơn vị này muốn chào hàng.
Theo thông tin từ c21media.net, VN là quốc gia nhập khẩu format nước ngoài nhiều nhất khu vực châu Á năm 2015.
Để VN cũng sẽ ghi tên trong danh sách bán nội dung thay vì chỉ là người mua “có tiếng", ông Đỗ Văn Bửu Điền chia sẻ một ước vọng: “Đi các hội chợ này, tôi chỉ ao ước vào một lúc nào đó mình cũng có thể tham gia với tư cách người bán”.
Không chỉ ao ước, có vẻ các nhà sản xuất VN cũng đã tìm hiểu và đang từng bước muốn trở thành “người bán” khi có hẳn một gian hàng của Telefilm (Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình VN) tại đây.
Trăm triệu cho một tập phim Hàn Kể từ năm 2011, Hàn Quốc được thế giới công nhận là “King of Drama” với những xêri phim drama (chính kịch) trên truyền hình. Không chỉ bán được phim cho các nước láng giềng, châu Á, Hàn Quốc còn bán tốt các loạt xêri này cho thị trường Âu - Mỹ. “Bây giờ mua phim Hàn không thể mua từng phim, đợi phim chiếu rồi, ăn khách mới mua mà phải mua trọn cả một khung giờ phát sóng phim truyền hình của một đài truyền hình nào đó. Nếu không làm như vậy thì không thể nào có được phim hay, phim mới được. Thà mình mua nguyên khung giờ với khoảng 500 tập/năm, có phim “hot” phim không còn hơn mất cơ hội. Bên bán thật ra cũng rất linh hoạt, nếu phim nào không hợp, quá nhạt nhòa thì họ vẫn sẽ đổi cho mình, miễn sao đảm bảo 500 tập mỗi năm” - bà Đào Thu, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty truyền thông Lê Đào, tiết lộ. Thông thường hợp đồng phim truyền hình Hàn Quốc bán bản quyền khai thác cho VN trong vòng ba năm. Giá trung bình một tập phim từ 2.500-3.000 USD/tập (cho những phim trên 100 tập) và 3.000-7.000 USD/tập cho những phim dài vài chục tập. Với những phim “hot” như: Hậu duệ mặt trời, Vì sao đưa anh tới... giá sẽ cao hơn, tùy thương lượng của đôi bên. |
Ước mơ “thuần Việt” Và dù tham gia hội chợ với tư cách là buyer (người mua) nhưng những cá nhân và đơn vị trong nước đều có cùng mộng ước sẽ gầy dựng nên những nội dung cho riêng mình, thuần Việt, “made in Vietnam”. “Hội chợ giới thiệu rất nhiều nội dung hay dành cho thiếu nhi và tôi rất tiếc là mình chưa thể mua về hay làm ra được. Nhiều năm làm truyền hình, điều mà tôi ấp ủ nhất vẫn là làm được những chương trình giải trí kết hợp giáo dục hay cho trẻ em VN” - bà Lê Hạnh bày tỏ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận