Gối đầu xoa huyệt vị
Lương y Hoàng Duy Tân, nguyên chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai, cho biết tương truyền gối thuốc trong sách y xưa của Trung Quốc đã có đề cập. Sách Bản thảo cương mục (thế kỷ 16) đã ghi lại cách làm gối sáng mắt gồm "Vỏ đậu xanh, vỏ đậu đen, quyết minh tử, hoa cúc làm ruột gối có tác dụng làm sáng mắt".
Sách Ngoại trị phương tuyển (đời Thanh) đã ghi lại việc dùng lá dâu và cúc hoa để làm ruột gối chữa chứng đầu phong. Sách Diên niên bí lục có ghi chép về gối hoa cúc, sách Tuân sinh bát diễn viết về gối từ thạch làm sáng mắt và an thần…
Từ thập kỷ 1900, các nhà y học cổ truyền Trung Quốc đã thu thập, thừa kế, ứng dụng và sáng tạo ra nhiều phương thuốc dược chẩm mới, làm cho phương pháp này được hoàn chỉnh và phổ biến rộng hơn.
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, phân tích theo quan niệm của y học cổ truyền, đầu gáy là nơi hội tụ của các kinh dương, có rất nhiều huyệt vị quan trọng, liên quan mật thiết đến sự tuần hoàn của khí huyết và công năng hoạt động của các tạng phủ.
Các dược vật chứa trong ruột gối sẽ cọ xát, tác động trực tiếp lên da và các huyệt vị vùng đầu cổ, thẩm thấu vào trong cơ thể mà phát huy tác dụng dược lý.
Tùy theo dược tính của các dược vật, mỗi loại gối có những công dụng khác nhau như sơ phong thanh nhiệt, thanh nhiệt giải độc, bình can tiềm dương, hoạt huyết thông mạch, an thần định trí, kiện não minh mục, thông lạc chỉ thống...
Trên cơ sở đó được dùng để chữa các chứng bệnh như đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ, hay quên, cao huyết áp, suy nhược thần kinh, đau cổ gáy, viêm quanh khớp vai, viêm kết mạc, suy giảm thị lực...
Ưu điểm của gối thuốc là dễ làm, dược liệu dễ kiếm, có thể dùng cho mọi người, già trẻ lớn bé. Nhược điểm là công hiệu chữa bệnh chậm, phải kéo dài nên cần phối hợp với nhiều phương pháp.
Tùy bệnh mà dùng dược liệu cho phù hợp
Thạc sĩ Toàn nhấn mạnh để làm gối thuốc nên chọn các loại vải bông, vải sợi để làm vỏ ruột gối, không nên dùng vải pha ni lông hay vải sợi hóa học nhằm đạt được yêu cầu mềm mại, thông thoáng và dễ hấp thụ chất thuốc. Tùy theo mục đích trị liệu mà lựa chọn hoa, lá, hạt, vỏ... của các dược vật cho phù hợp.
Những vị thuốc hay được dùng là cúc hoa, hồng hoa, hoa cúc trắng, hoa cúc dại (dã cúc hoa), bạc hà, hạ khô thảo, bồ công anh, đạm trúc diệp, lá dâu, thảo quyết minh, mạn kinh tử, lá trà, vỏ đậu xanh, vỏ đậu đen, đương quy, xuyên khung, xích thược, mộc hương, bạch thược, đan bì, khương hoạt, xương bồ, đan sâm, tế tân, quế chi, từ thạch, phèn chua, thạch cao, thạch quyết minh, băng phiến, tằm sa, địa long...
Tất cả đều được phơi hoặc sấy thật khô, tán vụn rồi cho vào vỏ ruột gối khâu kín lại để tránh ẩm mốc.
Lương y Hoàng Duy Tân cho biết, các loại gối thuốc thường dùng
- Gối ngô thù du: Dùng cho người mắc chứng hàn sinh đau đầu, đau cổ, đau thần kinh mặt, đau khớp hàm dưới... trước khi gối phải hơ nóng lên một chút.
- Gối hoa cúc trắng: Được làm bằng các loại như bạch phụ tử, tế tân, xuyên khung, bạch chỉ, hoa cúc, lá dâu, đương qui, ngô thù du, gừng tươi, bột từ thạch, tác dụng như loại gối ngô thù du.
- Gối quyết minh: Được làm từ thảo quyết minh, hoa cúc, bột từ thạch, dùng chữa cao huyết áp.
- Gối thất miên: Làm từ cỏ bấc đèn, đạm trúc diệp, hoa cúc, dùng cho người mất ngủ rất hiệu qủa.
- Gối làm sáng mắt: Dùng hạ khô thảo, bạch chỉ, thảo quyết minh, tế tân, bột từ thạch làm gối.
- Gối thông thảo: Có công dụng giúp dễ ngủ, sáng mắt, thanh tâm, trừ phiền, rất thích hợp với những người bị đau mắt do âm hư, hỏa vượng hoặc mất ngủ do thần kinh suy nhược.
Cách làm: Thông thảo cắt nhỏ, cho vào lớp túi trong của gối, số lượng vừa đủ để gối có độ cao thích hợp (theo Dưỡng sinh tùy bút của Tào Đình Đống).
- Gối khử phong, tỉnh não: Có công dụng an thần, làm nhẹ đầu, chữa mắt nhiều dử, váng đầu, hoa mắt. Cách làm: Đậu đen 200g, phòng phong, thông thảo, cúc hoa, kinh tử, thạch xương bồ, cảo bản, mỗi thứ 10g; xuyên khung, tế tân, bạch truật mỗi thứ 8g; sừng trâu, sừng dê mỗi thứ 4g.
Tất cả nghiền thành bột, bọc vào vải lụa màu xanh cho thật chặt, tạo thành hình cái gối. Bỏ gối vào hộp gỗ đóng kín, khi nằm mới lấy ra dùng. Lâu ngày nên thêm thuốc theo tỉ lệ trên (theo Bảo sinh yếu lục của Bồ Kiến Quán).
Dược chẩm liệu pháp có hiệu quả chậm và kéo dài nên khi sử dụng phải kiên trì, liên tục và nhẫn nại. Nói chung, mỗi ngày ít nhất phải gối trên 6 giờ và liên tục trong 2-3 tuần.
Một số người mẫn cảm khi dùng gối thuốc bị ngứa, nổi mẩn vai gáy… hoặc khó ngủ hơn. Khi đó nên ngừng dùng gối thuốc, hoặc thay dược liệu khác thích hợp hơn, dịu hơn.
Thường gối vỏ đậu xanh hay vỏ đậu đen (thanh nhiệt, dùng cho người hay bốc hỏa) là an toàn hơn cả. Chú ý đãi sạch vỏ, chỉ lấy vỏ chứ không lấy phần cám dưới vỏ).
Để phát huy tác dụng của gối thuốc, nên chọn kích cỡ thích hợp từng người (tuổi, tư thế quen nằm), kiểu dáng gối theo thị hiếu (kiểu cách, màu sắc, hoa văn), nên chọn loại mềm dịu. Không dùng gối to, cao quá, thêu dày, màu chói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận