02/11/2011 01:09 GMT+7

Cho thuê "nhàn" hơn sản xuất

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Gặp lại anh Nguyễn Văn Sơn tại một hội thảo về phòng dịch gia cầm tại Biên Hòa (Đồng Nai) vào cuối tháng 10-2011, anh nói như khóc: “Đến vì bệnh nghề nghiệp chứ đâu còn gà mà phòng bệnh!”.

Trước đây anh Sơn là một chủ trại nuôi gà lớn với tổng đàn lên đến gần 100.000 con tại Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Khi được hỏi tiền tỉ đầu tư chuồng trại giờ để không làm gì cho phí, anh trả lời: “Cho công ty nước ngoài thuê, tính ra tiền thu được chắc ăn và nhàn nhã hơn nuôi gà nhiều”.

Không riêng gì anh Sơn, người chăn nuôi gà nói chung chưa tận hưởng đợt lên giá đầu năm được bao nhiêu giờ đã méo mặt vì giá xuống thấp thê thảm. Hiện giá gà công nghiệp chỉ còn 25.000-26.000 đồng/kg, giá gà lông màu cũng ở mức 31.000 đồng/kg trong khi giá thành nuôi ở mức 36.000-40.000 đồng/kg. Tính ra mỗi ký gà bán ra, người dân lỗ cả chục ngàn đồng.

“Giá gà giảm kéo dài liên tục trong ba tháng làm sao người chăn nuôi chịu nổi” - ông Dương Anh Tuấn, giám đốc Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh (Trảng Bom, Đồng Nai), cho biết. Theo ông Tuấn, khoảng 20-30% chủ trại tại Đồng Nai đã phải giảm đàn hoặc nghỉ nuôi vì không chịu nổi thua lỗ. Và một trong những nguyên nhân kéo giá gia cầm trong nước giảm mạnh trong vài tháng qua chính là sự ồ ạt nhập khẩu thịt đông lạnh. “Mỗi lần thịt nhập về nhiều là y như giá trong nước bị giảm mạnh” - anh Sơn bức xúc.

Trong cuộc họp về chăn nuôi cuối tuần qua tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cũng thừa nhận ngành chăn nuôi VN mới chỉ ở mức trung bình kém trong khu vực Đông Nam Á và đây là ngành có sức cạnh tranh kém nhất trong các ngành nông nghiệp. Ông Tần yêu cầu Cục Chăn nuôi sớm xây dựng những chương trình riêng để phát triển ngành chăn nuôi trong thời gian tới.

Thực tế sự yếu kém của ngành chăn nuôi VN đã bộc lộ cách đây nhiều năm với những biểu hiện của dịch bệnh liên miên, giá thành sản xuất quá cao... Vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng bây giờ mới xây dựng chính sách riêng liệu có còn kịp khi quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu, thịt ngoại tràn vào trong nước là xu hướng không thể tránh khỏi.

Mới đây, hàng loạt nước sản xuất thịt heo hàng đầu châu Âu như Đan Mạch, Hà Lan, Đức, Ba Lan... đều đã lên kế hoạch thâm nhập thị trường VN với những chiến dịch hết sức bài bản. Đại diện của Liên minh sản xuất thịt châu Âu khẳng định giá cả thịt heo châu Âu rất cạnh tranh so với giá thịt heo của VN trong khi chất lượng thì khỏi phải bàn, điều họ quan tâm chính là thiết lập một mạng lưới các nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường VN. Và khi mạng lưới này hình thành, rất có thể ngành nuôi heo của VN sẽ tiếp tục bị thâu tóm như chăn nuôi gia cầm hiện nay.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên