Một địa chỉ nhà, đất công sai phạm trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (2000 - 2021).
Theo UBND TP.HCM, qua 21 năm thực hiện việc sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (2000 - 2021), TP.HCM đã hoàn thành cơ bản việc phê duyệt phương án sắp xếp nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Trong thời gian đó, TP đã phê duyệt phương án sắp xếp nhà đất công cho 759 địa chỉ nhà đất, với diện tích hơn 10.260.000m2.
Khối lượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP.HCM rất lớn, hình thành từ nhiều nguồn khác nhau, qua nhiều cấp, nhiều ngành quản lý sử dụng, hồ sơ nhà đất bị thất lạc hoặc không đầy đủ, công tác quản lý bị buông lỏng trong thời gian dài nên thực trạng quản lý, sử dụng nhà đất còn lãng phí.
Số lượng cơ sở sử dụng không đúng mục đích khá lớn như cho thuê, cho mượn, bố trí làm nhà ở, nhưng các đơn vị quản lý tài sản vẫn đề xuất phương án giữ lại tiếp tục sử dụng, hoặc đưa ra các phương án để đối phó nhằm giữ lại mặt bằng cho đơn vị. Vì vậy, việc rà soát xử lý, sắp xếp phải mất nhiều thời gian.
Có một số đơn vị chưa quan tâm đến việc triển khai thực hiện phương án sắp xếp đã được UBND TP và Bộ Tài chính phê duyệt nên còn cho thuê, liên doanh liên kết, để trống hoặc chưa di dời xong hộ dân ở trong khuôn viên trụ sở làm việc.
Bên cạnh đó, quá trình sắp xếp, xử lý nhà, đất công gặp nhiều vướng mắc từ các quy định hiện hành. Cụ thể như các văn bản không quy định việc cho thuê đối với nhà, đất là tạm quản lý. Vì vậy TP.HCM gặp khó khăn trong việc quản lý, xác định giá khởi điểm để đấu giá cho thuê nhà, đất cũng như sử dụng số tiền thu được từ việc khai thác, cho thuê nhà, đất sản xuất kinh doanh tạm quản lý này.
Có trường hợp khi hết hạn hợp đồng thuê, các đơn vị thuê nhà, đất không chịu trả, quy định hiện hành chưa có chế tài xử lý để thu hồi. Đơn vị cho thuê phải khởi kiện để lấy lại nhà, đất cho thuê, thủ tục giải quyết tại tòa kéo dài gây lãng phí.
Nhiều đơn vị sự nghiệp công lập (đặc biệt là lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa) có nhu cầu cho thuê nhà, đất công để làm căngtin, bãi giữ xe để phụ trợ cho hoạt động của đơn vị. Theo quy định thì phải lập đề án trình UBND TP phê duyệt, mất rất nhiều thời gian, không kịp thời, gây khó khăn trong quá trình hoạt động của đơn vị.
Từ đó, UBND TP kiến nghị bổ sung quy định về chế độ quản lý, sử dụng, khai thác nhà đất tạm quản lý để khai thác tạo nguồn lực tài chính; để cho thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập tự tổ chức quản lý, sử dụng tài sản công để làm căngtin và bãi giữ xe tại đơn vị phục vụ.
Từ năm 2016 đến năm 2021, UBND thành phố đã thu hồi 68 địa chỉ nhà đất với diện tích 350.174m2 do các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang quản lý và giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên và môi trường), Trung tâm Quản lý nhà và giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) và UBND các quận, huyện quản lý để tổ chức bán đấu giá, đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng phục vụ người dân…
Hiện đã bán được 4 địa chỉ, thu được số tiền 1.735 tỉ đồng, đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 10 trường học, bệnh viện, công viên...
Kết quả xử lý, sắp xếp nhà, đất:
Giữ lại tiếp tục sử dụng: 213 địa chỉ nhà đất, với diện tích 823.652m2.
Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất: 144 địa chỉ nhà đất, với diện tích 103.491m2.
Chuyển mục đích sử dụng đất: 1 địa chỉ nhà đất, với diện tích 11.249m2.
Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng: 38 địa chỉ nhà đất, diện tích 25.565m2.
Phương án xử lý khác: 227 địa chỉ nhà, đất, diện tích 848.948m2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận