30/07/2012 08:30 GMT+7

Chờ Phú Quốc sửa sai

HOÀNG TRÍ DŨNG
HOÀNG TRÍ DŨNG

TT - Hơn tám năm trước, Phú Quốc “nổi tiếng” cả nước bởi vụ các quan chức huyện đảo này “xà xẻo” đất đai, phá rừng. Vụ việc vỡ lở, hàng loạt cán bộ từ lãnh đạo cao nhất như chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện đến cán bộ địa chính một số xã bị kỷ luật, khởi tố bắt giam. Ban chấp hành đảng bộ huyện đảo đã phải nhận kỷ luật cảnh cáo.

Sau vụ án, tỉnh Kiên Giang đã phải điều động hàng chục cán bộ từ đất liền ra tăng cường cho bộ máy lãnh đạo chính quyền huyện đảo Phú Quốc. Song hành với quyết tâm cải tổ bộ máy quản lý huyện đảo này của tỉnh, Chính phủ cũng đã có một số chủ trương, chính sách để đưa Phú Quốc trở thành hòn đảo du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế. Năm 2004, Thủ tướng đã ký quyết định số 178 quy hoạch tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với một loạt cơ chế chính sách mở cửa để Phú Quốc đột phá. Thủ tướng cũng đã mở ra cơ chế để huyện đảo lập riêng một ban quản lý đầu tư và phát triển đảo.

Chưa dừng lại ở đó, Chính phủ cũng đã thuê một số chuyên gia tư vấn quốc tế tiến hành quy hoạch mạng lưới du lịch huyện đảo. Sau khi các nhà tư vấn trong và ngoài nước đề xuất ý tưởng quy hoạch vào năm 2010, Thủ tướng chính thức ký thêm quyết định số 633 điều chỉnh quy hoạch chung đảo Phú Quốc đến năm 2030. Để thực hiện các quyết định trên, nguồn vốn hàng ngàn tỉ đồng đã được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trên đảo như sân bay quốc tế Phú Quốc, cảng biển An Thới, trục giao thông xuyên đảo...

Với một loạt cơ chế chính sách, nguồn vốn đầu tư như vậy, Phú Quốc đã hội đủ các yếu tố “thiên thời địa lợi” để thu hút đầu tư, bứt phá phát triển.

Thế nhưng, kỳ vọng về một hòn đảo du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế đã và đang có nguy cơ bị đánh mất khi mới đây đón nhận “hung tin” Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý đất đai, cấp phép đầu tư xây dựng các dự án du lịch. Đảo Phú Quốc đang bị “băm nát” bởi tình trạng loạn dự án du lịch “xí phần” mà không triển khai xây dựng.

Vì sao lại có tình trạng này, phải chăng cơ chế chính sách mà trung ương đã ban hành cho huyện đảo chưa đủ lực để Phú Quốc tăng tốc? Làm gì để Phú Quốc bật dậy sau cú ngã lần này? Nêu những câu hỏi này trao đổi với nhiều chuyên gia am tường Phú Quốc, tôi đều nhận được câu trả lời: Cơ chế ư? Không còn cơ chế nào tốt hơn như các cơ chế mà Chính phủ đã ban hành. Nhà nước trung ương không thể làm thay mà những công bộc của dân, những cán bộ lãnh đạo địa phương phải xắn tay vào cuộc.

Thông điệp để sửa sai, đưa Phú Quốc vượt lên trong bối cảnh hiện nay đã được lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang phát đi với quyết tâm rất rõ ràng “sẽ không nôn nóng thu hút đầu tư bằng mọi giá, làm phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển của huyện đảo Phú Quốc”.

Thông điệp ấy đã nhen nhóm hi vọng, nhưng như vậy vẫn chưa đủ mà cần có sự thay đổi tầm nhìn, tư duy quản lý quy hoạch và sự tâm huyết, trăn trở của lãnh đạo địa phương, nếu không thông điệp vẫn chỉ là quyết tâm chính trị mà không đi vào thực tế.

Đừng vì lợi ích trước mắt mà băm nát hòn đảo du lịch xinh đẹp nhiều tiềm năng bậc nhất cả nước.

HOÀNG TRÍ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên