06/11/2015 22:38 GMT+7

Chợ phiên rau sạch, không nói thách của nông dân nghèo

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTO - Chợ họp chính khoảng từ 2g sáng mỗi đêm, chỉ bán rau, củ quả sạch do chính những người nông dân tự trồng với giá rẻ, không nói thách

Một góc chợ rau quả lúc 2g sáng của những người nông dân Đồng Tháp - Ảnh: V.TR.

1g30. Trời mưa lất phất. Đường phố vắng tanh. Chốc lát lại có người mặc áo mưa chạy xe máy hay gò lưng trên chiếc xe đạp chở những chiếc giỏ chất đầy rau quả hướng về trung tâm TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

2g. Bà Trần Thị Hường, 65 tuổi, dựng chiếc xe đạp bên vỉa hè đường Nguyễn Đình Chiểu rồi xách chiếc giỏ đựng rau má, rau om, lá dứa đặt xuống bày hàng ra bán. Lúc này một đoạn vỉa hè có ánh sáng đèn đường đã kín chỗ.

Khoảng sân rộng phía sau được chiếu sáng bởi hàng chục chiếc đèn pin cũng lao xao tiếng người.

Những người lớn tuổi bảo đây là chợ phiên chỉ dành cho nông dân bán nông sản do mình trồng.

Chợ này đã có từ hàng chục năm nay, chỉ nhóm từ sau nửa đêm cho đến mờ sáng. Còn chính quyền thì đặt cho chợ một cái tên nghe rất … bao cấp: “Chợ tự sản, tự tiêu”.

Rau tươi giá rẻ

Sau khi đi một vòng chợ, chị Nguyễn Thị Liễu ngồi xuống bên “gian hàng” bán dưa leo của chị Huỳnh Thị Lành hỏi giá. “6.000 đồng/kg”. Nghe xong, chị Liễu chọn mua 2kg mà không hề trả giá.

Chị quay sang nói với tôi: “Dưa này nhìn là biết không phun thuốc trừ sâu, mới hái hồi chiều còn tươi xanh mà giá lại rẻ hơn dưa bán ở trong nhà lồng chợ 2.000 đồng/kg. Trả giá nữa tội nghiệp người ta, trồng cực khổ chứ đâu có sung sướng gì”.

Từ 3g trở đi chợ đã đông nghịt người. Phần lớn là người dân ở nội ô TP Cao Lãnh và một ít tiểu thương ở các chợ trong vùng đến mua rau quả. Họ len lỏi qua các lối đi chật hẹp để tìm loại rau, quả mình cần.

Chợ đông, không khí mua bán rất sôi nổi nhưng tuyệt nhiên không hề nghe một tiếng cãi vã nào. Điều đặc biệt nữa là chúng tôi rất ít khi nghe khách hàng trả giá như ở các chợ khác.

Chị Sáu Thu ở P.3, TP Cao Lãnh thường xuyên mua rau quả để nấu ăn nên hiểu rất rõ quy luật mua bán ở chợ này.

Chị giải thích: “Rau quả ở đây phần lớn do nông dân tự trồng rồi đem bán nên giá tự nhiên đã rẻ hơn ở chợ rồi. Ví dụ trái khóm ở đây bán 8.000 đồng, nhưng nếu sáng mai ra chợ mua thì chắc chắn giá 10.000 đồng trở lên. Dưa leo 6.000 đồng/kg, còn ở chợ sẽ mắc hơn vài ngàn đồng. Rau má lá nhỏ xíu mọc tự nhiên quanh vườn giá 24.000 đồng/kg là quá rẻ. Nhìn là biết họ phải bỏ công cắt từng lá rất cực khổ mới được một ký. Nếu có trả giá thì chỉ kêu bớt 500-1.000 đồng cho vui chứ không ai đòi bớt nhiều”.

Tình cờ chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Việt ở xã Mỹ Tân, TP Cao Lãnh xách lỉnh kỉnh đủ thứ rau quả mua ở chợ này. Chị bảo ngày nào cũng ra chợ này mua hàng về bán lại ở chợ xã kiếm lời. Chị Việt khẳng định không có nơi nào bán rau quả rẻ hơn, tươi hơn, an toàn cho sức khỏe hơn ở “chợ tự sản, tự tiêu”.

Gánh rau và con chữ

Không nói thách

Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, phó ban quản lý chợ Cao Lãnh, nói một trong những nét văn hóa rất độc đáo của “chợ tự sản, tự tiêu” từ xưa đến nay là người bán không nói thách, không nói giá trên trời như những chợ khác. Nông dân miền Tây vốn thiệt tình. Họ trồng rau quả rồi đem ra chợ với mong muốn bán hết hàng càng nhanh càng tốt chứ không phải nhằm bán kiếm lời. Cho nên họ không cần phải nói giá quá cao. 

Hơn 150 người có mặt bán hàng ở “chợ tự sản, tự tiêu” ở trung tâm TP Cao Lãnh hàng ngày đều là nông dân chính hiệu.

Bà Trần Thị Hường ở xã An Bình, cách chợ chừng 5km. Cứ 2-3 ngày bà thu hoạch rau trồng quanh nhà rồi đạp xe chở ra chợ bán.

Hôm gặp chúng tôi, bà bán hết rau được gần 100.000 đồng. Bà nói rau ít thế này kêu thương lái không tới. Nếu có tới thì họ cũng ép giá. Tiếc công trồng cực khổ, bà chịu khó thức dậy sớm ra chợ bán kiếm thêm được đồng nào hay đồng nấy, coi như lấy công làm lời.

Ở chợ này có khá nhiều người như bà Hường, họ tận dụng đất trống quanh nhà để trồng bầu, mướp, dưa leo, rau má… mỗi loại một ít. Thu hoạch bao nhiêu thì mang ra chợ bán bấy nhiêu. Tiền bán rau giúp họ trang trải sinh hoạt hàng ngày và nuôi con ăn học.

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy ở xã An Bình hôm nào cũng đạp xe ra chợ ngồi mấy tiếng đồng hồ chỉ để bán 6 bó bẹ bạc hà và 2kg rau càng cua có giá chưa tới 40.000 đồng.

Chị tâm sự: “Tui có ba đứa con đang đi học. Nếu không ra chợ bán thì làm sao có mấy chục ngàn này. Với tui, một ngàn đồng cũng rất quý. Chịu khó một chút mà có tiền lo cho con”.

Một trong những gian hàng nhỏ nhất trong chợ này là của bà Nguyễn Thị Hạnh. Trước mặt bà chỉ có chừng chục ký cam và vài ký nhãn tiêu. Bà Hạnh ở xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò.

Đã 16 năm nay, ngày nào bà cũng chở cam trong vườn nhà qua TP Cao Lãnh để bán. Hôm nào thu hoạch cam ít thì bà hỏi mua nhãn, rau cải của hàng xóm bán kèm để có thêm tiền lời nuôi gia đình bốn miệng ăn, trong đó có một đứa con học lớp 9.  

Ở góc đường Nguyễn Đình Chiểu, cạnh khu chợ gia cầm là “gian hàng” bán xoài xanh và rau tập tàng của bà Hai Thu ở P.3, TP Cao Lãnh từ hơn chục năm nay. Cứ hai ngày ba lại chở 40-50kg xoài và rau ra chợ này.

Bà nói với vẻ tự hào: “Cũng nhờ thức khuya dậy sớm thế này mà tui nuôi ba đứa con ăn học thành tài. Đứa lớn đang học cao học, đứa kế thì làm dược sĩ, đứa út đã tốt nghiệp đại học”.

Gian hàng bán khóm của anh Lê Quốc Thum ở giữa sân chợ cũng rất nổi tiếng vì anh có hai đứa con đều là giáo viên, trong đó có một người dạy ở trường chuyên Sa Đéc rất danh giá. Anh là người đầu tiên có mặt ở chợ này mỗi ngày nên ai cũng biết. Anh bảo vì nhà ở xa nên phải đến đây từ 20g đêm trước, giăng mùng ngủ giữa chợ đến 2g sáng hôm sau thức dậy bán hàng.  

Khi bước vào khu vực sân chợ tối om, đập vào mắt chúng tôi là hình ảnh một người phụ nữ lớn tuổi gầy gò có gương mặt khắc khổ đang khoác chiếc áo mưa chống lạnh ngồi bên mớ rau muống, rau dền, bồ ngót… Bà tên Lê Thị Bé, 62 tuổi, nhà ở xã Tân Thuận Đông.

Bà mới đến chợ này bán rau được bốn năm nay theo sự chỉ dẫn của người hàng xóm. Gia đình bà Bé có sổ hộ nghèo, chồng bà lưu lạc tận miền Đông làm thuê kiếm sống. Bà ở nhà xách túi đi quanh xóm hái các loại rau mọc tự nhiên rồi khuya đạp xe chở ra chợ bán kiếm tiền lo thuốc thang cho đứa con trai lớn 23 tuổi bị bệnh tâm thần và nuôi hai đứa khác đi học. Mới đây một đứa đã tốt nghiệp đại học và đang đi xin việc làm. Đứa út thì mới học lớp 11.

Bà Bé kể: “Bán tới sáng tui về nhà lo cơm nước, thuốc men cho con rồi lại đi hái rau để khuya mai có mà bán. Tui sẽ cố gắng bán rau lo cho đứa út học xong đại học thì mới nghỉ ngơi”.

Có một điều làm chúng tôi rất ngạc nhiên là những người nông dân bán rau quả ở chợ này không hề có hành động hay lời nói nào nhằm cạnh tranh với “đồng nghiệp".

Không chỉ vậy, những người bán hết hàng sớm còn tự nguyện mang rau quả của người bên cạnh về chỗ của mình phụ bán cho đến khi hết hàng mới thôi.

Có mặt ở chợ này vào cuối tháng 9-2015 chúng tôi đã gặp hơn chục trường hợp như vậy. “Cùng là nông dân, cùng đi bán kiếm tiền nuôi con như nhau nên tụi tui coi nhau như chòm xóm và giúp nhau là chuyện bình thường”-chị Huỳnh Thị Lành ở P.6, TP Cao Lãnh giãi bày.

Bà Lê Thị Bé, 62 tuổi bán rau nuôi con ăn học và chữa bệnh tâm thần cho người con trai lớn - Ảnh: V.TR.
Bà Lê Thị Bé, 62 tuổi bán rau nuôi con ăn học và chữa bệnh tâm thần cho người con trai lớn - Ảnh: V.TR.

 

Một góc chợ rau quả lúc 2g sáng của những người nông dân Đồng Tháp - Ảnh: V.TR.
Một góc chợ rau quả lúc 2g sáng của những người nông dân Đồng Tháp - Ảnh: V.TR.
VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên