24/09/2015 14:21 GMT+7

Cho lập hội dễ quá sẽ không thể quản lý

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đó là e ngại của Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước đối với dự án Luật về hội vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng nay 24-9.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho rằng mặt trái của việc lập hội là nó có thể dẫn đến đa nguyên đa đảng - Ảnh: Việt Dũng

Ông Ksor Phước thừa nhận lập hội là quyền của công dân đã được ghi nhận từ Hiến pháp 1946, nay trước yêu cầu hội nhập quốc tế thì việc Quốc hội xem xét, ban hành đạo luật này là rất cần thiết.

Không thể máy móc áp dụng quy định của các nước

“Một trong các mục đích là làm sao giảm dần bao cấp của nhà nước đối với các hội, nhà nước chỉ nên hỗ trợ những phần việc mà nhà nước giao cho các hội, khi các hội thực hiện các dịch vụ công” - ông Phước nói.

Nhìn nhận về vấn đề lập hội, Chủ tịch Hội đồng dân tộc cho rằng “có hai mặt, mặt tốt đã thấy rồi, mặt khác thì hội là đường dẫn xuất để thành đa nguyên đa đảng.

Chúng ta không thể máy móc áp dụng quy định các nước phát triển, các nước đa nguyên đa đảng, các nước không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa. Chúng ta dân chủ nhưng phải kỷ cương, hội phải tuân thủ pháp luật”.

Ông Phước đồng thời khẳng định tới đây Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự (sửa đổi) sẽ quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, hội nào ra đời mà chứa đựng các hoạt động chống phá thì bị giải tán và người đứng đầu cái hội như vậy thì phải bị bắt.  

Dự án luật quy định đối với cấp xã thì 10 người trở lên là có quyền lập hội, với cấp huyện là 20, cấp tỉnh là 50 và phạm vi cả nước là 100.

Lo ngại luật không quy định số hội viên tối đa cho mỗi hội, phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng “nếu không quy định hạn chế thì họ có thể áp chế các tổ chức của mình. Mở ra quá thì nhà nước không quản lý được đâu”.

“Người uống bia lập hội thì cần gì pháp nhân?”

Theo phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền, lập hội là quyền và nhu cầu tự nhiên của con người.

“Tôi không hiểu chúng ta đặt ra pháp nhân đối với hội để làm gì, có phải là để dễ quản lý không? Tôi cho rằng chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện theo quy định thì người ta có quyền lập hội, chúng ta không nên lấy rào cản tư cách pháp nhân để hạn chế lập hội.

Những người thích uống bia người ta lập hội thì tư cách pháp nhân gì? Chúng ta có những hình thức như hợp tác xã, tổ hợp tác, gia đình đâu phải là các pháp nhân nhưng vẫn quản lý được” - ông Quyền nói.

Ông Quyền cho rằng việc có hay không cho phép người nước ngoài thành lập các hội độc lập của họ tại VN cần phải nghiên cứu kỹ. Nhưng với một nhà nước pháp quyền thì không có lý do gì để cấm người nước ngoài tham gia các hội hợp pháp tại VN.

“Các nước người ta thành lập hội đơn giản lắm, chỉ ba người là lập được hội thôi. Giống như doanh nghiệp thành lập theo luật doanh nghiệp, hội lập theo luật hội. Tuy nhiên tôi cũng đồng ý với anh Ksor Phước, trong chế độ chính trị của mình thì cần phải chặt chẽ” - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng nêu ý kiến.

Không nghĩ như ông Quyền, ông Dũng cho rằng hội cần tư cách pháp nhân cũng như cơ quan quản lý nhà nước về hội cần công nhận người đứng đầu hội.

“Cần phê chuẩn người đứng đầu, không phải là để bắt nọ bắt kia, nhưng để biết cái hội đó làm gì, ai là lãnh đạo” - ông Dũng nói.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì cho rằng “cần quy định tiêu chuẩn người đứng đầu các hội, ví dụ như trung thành với tổ quốc, chưa phạm tội… Ví dụ mới đi tù ra mà lại lãnh đạo hội nọ hội kia thì cũng không được”.

Trình bày quan điểm của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Phan Trung Lý bày tỏ: “Những nội dung quy định trong luật, một mặt phải bảo đảm cho công dân thực hiện quyền lập hội của mình, phát huy tính tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm của các hội, nhất là tự chủ về tài chính".

Theo ông Lý, hạn chế tối đa sự bao cấp, trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tránh xu hướng “hành chính hóa” tổ chức và hoạt động của hội, đồng thời bảo đảm sự quản lý của Nhà nước.

Mặt khác, cần đề phòng các thế lực thù địch, các tổ chức phản động lợi dụng để hình thành các tổ chức đối lập chống phá Đảng và Nhà nước, xâm hại đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến phát biểu, hoàn thiện dự án luật này để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét một lần nữa để đánh giá có đủ điều kiện trình ra Quốc hội không.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên