13/05/2021 10:44 GMT+7

Chợ Hà Tĩnh vắng bóng thịt bò

LÊ MINH - DOÃN HÒA
LÊ MINH - DOÃN HÒA

TTO - Sau gần 5 tháng bệnh viêm da nổi cục xuất hiện ở Hà Tĩnh, Nghệ An, đã có hàng ngàn con trâu, bò bị chết. Nông dân điêu đứng bởi đây là tài sản lớn, còn tiểu thương bán thịt trâu bò, cửa hàng ăn uống cũng bị ảnh hưởng theo.

Chợ Hà Tĩnh vắng bóng thịt bò - Ảnh 1.

Trâu bò bị chết do dịch bệnh viêm da nổi cục ở huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh - Ảnh: LÊ MINH

Bất lực nhìn vật nuôi chết

Nhiều ngày nay, ông Võ Tá Hiếu - ngụ thôn Tân Tiến, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh - luôn ở nhà để chăm sóc cho con bò đang bị bệnh viêm da nổi cục. Hơn một tháng trước, một con bê của gia đình ông mới chào đời chưa được 2 tháng bị mắc bệnh và chết. Mọi hi vọng sinh kế trong gia đình chỉ trông chờ vào con bò này.

Ông Hiếu tâm sự, gia đình mình thuộc diện hộ cận nghèo, lại sống ở khu vực đồi núi nên không có nhiều ruộng để canh tác. Đầu năm 2021, con bò được Nhà nước hỗ trợ mua 10 triệu đồng từ hơn hai năm trước sinh một con bê. Vợ chồng ông chưa kịp mừng thì con bê mắc bệnh viêm da nổi cục rồi chết.

"Con bê nếu không bị bệnh chỉ khoảng 1 năm là bán được cả chục triệu đồng. Đối với những gia đình thu nhập thấp như chúng tôi, đây là một khoản tiền lớn, đủ để trang trải nhiều thứ trong gia đình. Con bê không may bị bệnh chết mất, nhiều toan tính của gia đình tôi đành phải gác lại", ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, sau khi con bê bị bệnh chết, đến lượt con bò duy nhất cũng xuất hiện hiện tượng nổi u cục ngoài da. Ông đã thông báo với cơ quan thú y và tiêm cho bò 3 mũi tiêm. Hiện nay, bệnh của bò có dấu hiệu giảm nhưng gia đình ông rất lo lắng khi bệnh có thể tái phát.

"Từ khi con bê bị chết, gia đình tôi nhốt bò ở nhà và thay nhau chăm sóc, cắt cỏ cho nó. Nếu thả rông ở ngoài lỡ bò vào trong đồi không trở về hoặc chết vì bệnh thì trắng tay", ông Hiếu cho hay.

Chợ Hà Tĩnh vắng bóng thịt bò - Ảnh 2.

Ông Võ Tá Hiếu - thôn Tân Tiến, xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh - bên con bò bị bệnh viêm da nổi cục - Ảnh: LÊ MINH

Thường ngày, 6 con bò của gia đình ông Trần Văn Luận - ngụ thôn Tân Tiến, xã Cẩm Quan - thả rông trên đồi ít khi được đưa về chuồng trại chăm non. Nhưng từ khi dịch viêm da trên trâu bò diễn biến phức tạp, gia đình ông đưa bò về nhốt tại vườn nhà.

"Dù đã chủ động đưa bò bề nhốt ở nhà nhưng hiện đàn đã có 2 con nhiễm bệnh. Con bò lớn sức khỏe tốt còn có khả năng chống chịu bệnh nhưng con bê nhỏ khả năng khó qua khỏi. Loại bệnh mới này chỉ tiêm phòng chứ chưa có thuốc đặc trị. Do đó nhà nào xui xẻo có trâu bò chết đành phải chịu thôi", ông Luận nói.

Chợ vắng bóng thịt bò

Chợ Hà Tĩnh vắng bóng thịt bò - Ảnh 3.

Sạp chuyên bán thịt bò tại chợ TP Hà Tĩnh vài tháng nay đã ngừng hoạt động - Ảnh: LÊ MINH

Khoảng 2 tháng nay, chợ TP Hà Tĩnh không còn bóng dáng các tiểu thương mời chào mua thịt bò. Các kiốt chuyên bán thịt bò tuyệt nhiên không có người qua lại. Nguyên nhân dẫn đến việc này là vì bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã diễn biến phức tạp nên người dân có tâm lý e ngại khi mua bán thực phẩm này.

Bà Nguyễn Thị Thủy - 50 tuổi, tiểu thương bán thịt heo cạnh khu vực kiốt chuyên bán thịt bò - cho biết từ sau Tết âm lịch đến nay không chỉ tiểu thương nghỉ bán thịt bò mà ngay cả thịt heo cũng ế ẩm, không bán được.

"Bò, lợn chúng tôi bán ở đây đều nhập từ các lò mổ trên địa bàn thành phố, có giấy chứng nhận nguồn gốc, kiểm dịch nhưng người dân thấy dịch e sợ ăn thịt nên hết sức ế ẩm. Nếu như trước đây mỗi ngày tôi bán được khoảng 2 tạ thịt lợn thì giờ đây chỉ bán được 40-50kg/ngày. Còn kiốt bán thịt bò thì đã đóng hẳn", bà Thủy nói.

Ông Phan Xuân Nam - phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh - cho biết do dịch còn diễn biến phức tạp, người dân lại có tâm lý lo sợ khi ăn thịt trâu bò nên toàn huyện có đến 5 lò mổ nhưng khoảng hai tháng nay không còn giết mổ trâu, bò.

"Tại các chợ, lượng thịt trâu, bò bán ra giảm hẳn, thậm chí nhiều chợ không còn bán thực phẩm này", ông Nam nói.

Chợ Hà Tĩnh vắng bóng thịt bò - Ảnh 4.

Người dân xã Nghi Liên, TP Vinh, Nghệ An lo lắng khi bò mắc bệnh viêm da nổi cục - Ảnh: DOÃN HÒA

Hơn 2.200 con trâu, bò chết vì bệnh

Ngày 13-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Hùng - chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hà Tĩnh - cho hay đến nay bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 205 xã của toàn bộ 13 huyện, thành phố và thị xã với hơn 16.880 con mắc, trong đó số lượng trâu, bò chết do mắc bệnh là 2.224 con.

"Bệnh viêm da nổi cục lây lan và gây nguy hiểm cho trâu, bò, song bệnh này không lây lan sang người. Hơn nữa, việc giết mổ trâu bò hiện nay được kiểm soát chặt nên người dân đừng nên quá lo lắng, quay lưng với sản phẩm này", ông Hùng nói.

Nghệ An là địa phương có tổng đàn trâu bò lớn nhất cả nước, chiếm tới 10%. Bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò đã lan đến 19/21 huyện, thành phố, thị xã ở tỉnh này và khiến hơn 1.500 con trâu, bò trên địa bàn tỉnh mắc bệnh. Số bò, bê, nghé phải tiêu hủy là 108 con với trọng lượng gần 18 tấn.

Ông Ngô Đức Quỳnh - phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Nghệ An - cho biết đến nay Nghệ An đã triển khai tiêm vắc xin được 60% tổng đàn trâu bò (hơn 450.000 liều/750.000 con).

Khó khăn trong công tác phòng chống dịch viêm da nổi cục trên trâu bò hiện nay là người dân chưa chủ động đăng ký tiêm phòng cho gia súc để ngành thú y có kế hoạch nhập vắc xin từ nước ngoài về.

Với giá gần 40.000 đồng/liều, nếu được tiêm phòng thì trâu bò sẽ không mắc bệnh và chết. Hiện nay tỉnh có cơ chế hỗ trợ khoảng 28.000 đồng/liều vắc xin cho các địa phương", ông Quỳnh nói.

Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò không gây bệnh và lây nhiễm ở người Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò không gây bệnh và lây nhiễm ở người

TTO - Lãnh đạo Cục Thú y khẳng định virus bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò không lây nhiễm và gây bệnh ở người, do đó người dân không nên hoang mang, "tẩy chay" ăn thịt trâu, bò.

LÊ MINH - DOÃN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên