07/03/2017 08:08 GMT+7

Chờ đổi mới lễ hội cà phê

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Từ ngày 8 đến 13-3, Đắk Lắk sẽ tổ chức lễ hội cà phê kết hợp với liên hoan văn hóa cồng chiêng các tỉnh Tây nguyên. Trải qua sáu lần tổ chức nhưng lễ hội cà phê chưa được doanh nhân đánh giá cao...

Doanh nghiệp cà phê kỳ vọng lễ hội cà phê sẽ được tổ chức tốt để tăng kết nối, nâng giá trị cà phê Việt. Trong ảnh: phơi sấy cà phê tại một doanh nghiệp cà phê ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk - Ảnh: T.B.D.

 

Doanh nhân cho rằng còn thiếu đối tượng để kết nối, thậm chí thiếu vắng nông dân tham gia. Trong khi lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng sẽ đưa hạt cà phê Buôn Ma Thuột lên đúng tầm giá trị.

Lễ hội thiếu thành phần, chưa hấp dẫn

Trả lời tại buổi họp báo về lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2017 ngày 6-3, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh thừa nhận đang có một thực tế rất đáng buồn, dù là cường quốc về sản xuất cà phê, chất lượng hạt cà phê không hề thua kém nhưng hiện tại giá trị mà nông dân, các doanh nghiệp đang được hưởng từ hạt cà phê mình làm ra chưa cao.

Theo ông Ninh, trong vòng khoảng 5 năm trở lại đây được coi là giai đoạn cà phê có giá nhất, giá bán cũng chỉ ở tầm 46.000-47.000 đồng/kg (nhân xô). Ông Ninh so sánh giá đó đã được xem là rất cao nhưng thực tế thì chỉ bằng một ly cà phê bán ra trên thị trường.

Dù Đắk Lắk tổ chức lễ hội cà phê để nâng giá trị nông sản này nhưng nhiều doanh nghiệp lại cho rằng cách làm của Đắk Lắk... chưa hiệu quả như mong đợi. Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm - tổng giám đốc Công ty cổ phần cà phê Classic (Gia Lai) - cho rằng lễ hội cà phê hiện nay dù đã lên tầm lễ hội quốc gia nhưng mang tính chất sân chơi của các doanh nghiệp trong nước.

Nhiều doanh nghiệp làm cà phê không đủ chi phí ra nước ngoài tìm thị trường, họ đến lễ hội mong gặp gỡ các đối tác lớn, các nhà rang xay nhập khẩu.

Nhưng thật tiếc, theo ông Lâm, lễ hội cà phê mà Đắk Lắk tổ chức vẫn cơ bản... gói gọn trong nước, số đối tác lớn, những doanh nghiệp nước ngoài rất ít. “Sự quy tụ các nhà rang xay tầm cỡ chưa nhiều. Doanh nghiệp đến lễ hội chủ yếu là tự trao đổi, buôn bán với nhau” - ông Lâm nói và cho rằng giá trị từ lễ hội cà phê Tây nguyên mà doanh nghiệp được nhận lại chưa cao và không thật sự hấp dẫn.

Bên cạnh đó, ông Lâm cũng cho rằng qua năm lần tổ chức, lễ hội cà phê vẫn chưa thực sự thấy sự hiện diện của người nông dân. “Việc thiếu hụt này là một thiệt thòi cho cả doanh nghiệp lẫn người dân. Năm nay ban tổ chức đã bắt đầu tính tới việc cho nông dân tham gia lễ hội, chúng tôi cũng mong đợi điều này” - ông Lâm nói.

Chỉ địa phương không làm được

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về thực tế kỳ tổ chức lễ hội cà phê năm nào cũng đặt ra kỳ vọng sẽ đưa hạt cà phê đạt đúng giá trị, nhưng lễ hội kết thúc người dân vẫn thấy cơ bản như cũ, ông Nguyễn Hải Ninh cho rằng chuyện được giá mất mùa và ngược lại xảy ra không chỉ riêng ngành cà phê mà đang là tình trạng chung của các mặt hàng nông sản.

Để chấm dứt việc này không phải chỉ trông chờ vào lễ hội mà còn rất nhiều yếu tố, từ chính sách, thị trường, khâu quảng bá, liên kết làm ăn... “Theo quan điểm của tôi, nếu chỉ để cho địa phương giải quyết thì không thể làm được” - ông Ninh nói và công nhận lễ hội lần nào cũng đem ra bàn vấn đề này nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được rốt ráo vì chưa có chỗ đứng khi tham gia chuỗi cà phê toàn cầu.

Về thực tế người trồng cà phê đang phải đứng ngoài cuộc, chủ yếu là “dự khán” lễ hội cà phê, ông Ninh công nhận đã ngồi lại và xác định chưa làm được điều này qua năm lần tổ chức. “Rút kinh nghiệm, năm nay chúng tôi đặt trọng tâm chủ thể vào người nông dân. Người trồng cà phê sẽ được trực tiếp biểu diễn, trực tiếp giới thiệu các mặt hàng và địa bàn mình sản xuất để tăng cơ hội giao lưu, kết nối” - ông Ninh nói.

Cũng theo ông Nguyễn Hải Ninh, lễ hội cà phê năm nay vẫn mời đầy đủ đại diện doanh nghiệp, các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước, nhà lập pháp... để chia sẻ những khó khăn, thuận lợi, những vướng mắc trong quá trình đầu tư, sản xuất cà phê. Người dân có thể góp ý để thay đổi, hoàn thiện các chính sách sao cho hạt cà phê làm ra suôn sẻ và có giá cao nhất...

Không dùng ngân sách để tổ chức

Tại buổi họp báo về chương trình Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, ông Nguyễn Hải Ninh cho biết năm nay lễ hội cà phê được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay do kết hợp ba hoạt động gồm: lễ hội cà phê, liên hoan văn hóa cồng chiêng Tây nguyên và hội nghị xúc tiến đầu tư vào Tây nguyên. Về kinh phí tổ chức lễ hội, ông Ninh cho biết tỉnh không dùng ngân sách mà tất cả đều được xã hội hóa, 19 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã nhận tài trợ các hoạt động.

Ông Nguyễn Huỳnh Phú Lâm (tổng giám đốc Công ty cổ phần cà phê Classic):

Nông dân đứng ngoài cuộc chơi

Lễ hội cà phê chưa tạo ra cơ chế, định hình một cách chơi làm sao để người nông dân được tham gia vào chuỗi, nghĩa là họ được khuyến khích tạo ra hạt cà phê tốt và có doanh nghiệp, nhà đầu tư khuyến khích họ, đặt hàng cho họ ngay tại hội chợ. Doanh nghiệp hiện nay tạo ra sản phẩm và định ra giá bán, nông dân ở phía thụ động nên phần thiệt là đương nhiên.

Nếu ở lễ hội cà phê đưa ra được một sân chơi theo kiểu nông dân có sản phẩm tốt, sạch, doanh nghiệp ngã giá mua bán và được quảng bá cách thức cùng tạo ra giá trị sản phẩm cà phê chất lượng thì nông dân mới thực sự tham gia lễ hội.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên