29/08/2010 04:12 GMT+7

Chợ Đệm những ngày tháng 8 - Kỳ cuối: Tiếng sóng Chợ Đệm

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Những ngày ở Chợ Đệm, chúng tôi thật vất vả với những con đường đang thi công ngang dọc. Đường cao tốc, quốc lộ, vòng xoay, cầu vượt đang chuẩn bị hoàn tất vẽ ra một khung cảnh Chợ Đệm hoàn toàn mới: đông đúc hơn, tấp nập hơn, sung túc hơn và mọi thứ cũng lướt đi nhanh hơn. Cả con người, cả dòng sông.

aP5GbbNP.jpgPhóng to
Têm một miếng trầu, cụ bà Tư Lúa ngẫm nghĩ ước mơ về tương lai Chợ Đệm, nơi bà đã sống hơn một thế kỷ rồi... - Ảnh: P.Vũ

Kỳ 1: Đi tìm dấu xưa Kỳ 2: Ngày tối Kỳ 3: Hừng đông Kỳ 4: Trăm năm dời đổi

Bây giờ, nơi Chợ Đệm...

Ông Út Phương (Trần Ngọc Phương, xã Tân Nhựt) cười khà khà kể chuyện: “Năm 1978, tôi chuyển công tác về ủy ban xã. Mấy ông bên tuyên giáo huyện Bình Chánh bảo tìm xem dưới xã có ai tốt nghiệp đại học hay đang là sinh viên để chú ý phát triển cán bộ, tôi đi tìm đỏ mắt không ra một người có bằng tú tài. Bây giờ thì lềnh khênh...”.

Ba người con của ông Út Phương, hai đã tốt nghiệp đại học và làm việc ở TP.HCM, một đang là sinh viên ĐH Tài chính. “Điều quan trọng nhất là tương lai con cái đó thôi, còn với tụi tôi sống như vầy là gấp trăm lần thời chiến tranh, gấp 10 lần thời hòa bình lập lại rồi”, ông cười.

Những dấu mốc của thay đổi vẫn còn in đậm trong trí nhớ của ông Út Phương và những người dân Chợ Đệm. Sau ngày thống nhất là hàng ngàn bóng áo xanh thanh niên xung phong xuất hiện đào kênh, đắp đường, hồi sinh những cánh đồng vốn đầy hố bom, pháo. Hồi xưa đi làm về phải gửi xe đạp bên chợ Đệm, về nhà bằng đò dọc. Tới năm 1984 mới có thể đạp xe về đến cửa nhà. Tới năm 1995 đường điện trung thế mới được kéo đến. World Cup 1998 là giải bóng đá quốc tế đầu tiên mà người dân xã Tân Nhựt được xem ngay tại nhà mình với đường điện ổn định.

“Có điện, có đường rồi cứ thế mà đi lên thôi”, ông Út Phương nói chắc nịch. Tân Nhựt được trung ương chọn làm xã thí điểm xây dựng nông thôn mới. Đường vào thôn xóm đang được trải nhựa. Trên đường liên xã Tân Túc - Tân Nhựt - Lê Minh Xuân xe buýt chạy liên tục. Trường học, trạm xá, nhà văn hóa được nâng cấp. Các tiêu chuẩn xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục cũng được nâng lên.

“Nhưng mà như vậy là chưa đủ đâu nghen cô”, ông Út Phương nhắc. Ở Tân Nhựt hôm nay đi mỏi chân vẫn không thấy một tiệm sách báo nào, “chạy qua Chợ Đệm” - một người dân trả lời khi tôi hỏi chỗ bán báo. “Tìm quán nhậu dễ hơn đó”, một người đứng bên cạnh góp chuyện. “Sắp có sạp báo bên đây rồi cô”, một người khác an ủi trước sự thất vọng của tôi.

Vâng, thì qua Chợ Đệm. Có sạp báo, có tiệm nước, có hàng ăn, có chợ với đủ loại hàng hóa. Đối diện chợ là trụ sở Hội Người cao tuổi thị trấn Tân Túc. Ông Ba Phong (Võ Hoài Phong, ủy viên ban chấp hành) khoát tay chỉ ra đường khi nghe hỏi về những thay đổi: “Thấy hết rồi đó hen. Cô ngồi trong trụ sở của chúng tôi vài ngày sẽ biết thêm nhiều nhé. Xưa kia có chuyện chi bức xúc dân Chợ Đệm nổi tiếng tiếu lâm hay ngồi nói xiên xỏ ngoài chợ, ngoài quán. Khi xưa còn có tiệm nước Cười của ông Bảy Trấn nữa. Giờ thì khác. Mấy bà chẳng ngại gì hết, vào thẳng các hội nông dân, hội người cao tuổi, ủy ban mà kể, rồi chúng tôi đi lên hội đồng nhân dân, ủy ban thị trấn, huyện phản ảnh lại. Mỗi khi cần quyết định chuyện gì mấy ông chủ tịch, ủy ban cũng hay xuống hỏi ý kiến chúng tôi. Đó là chuyện mà khi xưa chưa bao giờ có”.

Mọi người bức xúc chuyện gì? Hỏi và tôi nhận được hàng lô câu trả lời. Cũng là những bức xúc chung của người dân TP.HCM, bức xúc chung của vùng đang đẩy mạnh đô thị hóa: bụi bặm, cản ngại từ các công trình thi công ì ạch, sốt ruột với các khu quy hoạch “treo”; lo lắng về những lôi cuốn tiêu cực với đám trẻ như game online, đua xe trên đường cao tốc... “Và dòng sông nữa”, ông Ba Phong bỏ lửng. Quả vậy, trò chuyện với những người dân Chợ Đệm, ai cũng có thể đọc được đằng sau những nụ cười cởi mở còn có một nỗi day dứt, rất riêng và rất chung mỗi khi nhìn xuống lòng sông Chợ Đệm, dòng sông mẹ của vùng đất này.

Cỏ bạc đầu

“Chợ Đệm, sông hiền, gió mát”, lời của ông già Chợ Đệm vẫn còn đây. Dòng sông nước chảy hiền hòa vẫn còn đây. Những làn gió xào xạc rặng dừa nước vẫn còn đây. Nhưng có gì đó đã thay đổi. Ở sâu bên trong, ở tận phía dưới. Chúng tôi tìm thấy câu trả lời từ bà Sáu Gấm (Phan Thị Gấm, ấp 6, xã Tân Nhựt). Sinh ra và lớn lên trên cù lao tam giác giữa sông Cai Tâm (một nhánh của sông Chợ Đệm), bà nổi tiếng từ thời con gái với nghề đặt lưới, đánh bắt cá tôm. “Tui đã nuôi mẹ, nuôi một đàn con bằng nghề này suốt mấy chục năm, kể cả thời chiến tranh”, bà Sáu Gấm nhẹ nhàng kể. Hôm nay, 5 phút chèo đò băng ngang sông Cai Tâm để lên đình Tân Nhựt, nơi vợ chồng bà kiêm thêm việc coi đình, tôi thấy bà đang giặt, phơi nilông đầy cả một góc sân.

Vẫn chất giọng thật dịu dàng bà kể tiếp: “Nilông đựng trứng của trại trứng bỏ bên sông, tui nhặt về giặt, phơi, bán được 20.000đ/kg. Không nhặt thì nó cũng trôi theo sông. Nước sông giờ không còn ngọt lành, dưới sông giờ không còn cá tôm nữa rồi. Đã mười mấy năm nay chúng tôi không còn sống nhờ sông được nữa...”. Bà Sáu Gấm im lặng, nhìn mông lung xuống lòng sông. Sự tiếc nuối trong bà có lẽ không dừng ở việc mất một kế sinh nhai.

Xưa kia người dân Chợ Đệm múc nước giữa dòng sông để luộc thịt mà tạo nên thương hiệu thịt luộc Chợ Đệm nổi tiếng. “Nay ai dám lấy nước đó mà luộc thịt nữa, ô nhiễm hết rồi”, ông Năm Nhẫn lắc đầu khi giải thích lý do ông không dám chưng bảng cháo lòng Chợ Đệm. “Là do Khu công nghiệp Lê Minh Xuân ở đầu nguồn kia...” - ông Út Phương trầm ngâm. Chúng tôi nhớ lại một bản tin trên Tuổi Trẻ năm ngoái về những cây cỏ bạc đầu bên bờ sông gần Khu công nghiệp Lê Minh Xuân.

“Cỏ nó cũng phải suy nghĩ tới bạc đầu luôn nói gì tụi tui...”, ông Út Phương nói tiếp. Khu công nghiệp đã mang đến nhiều việc làm, mang đến nhiều thay đổi, sung túc nhưng lại lấy đi dòng nước ngọt lành của con sông, con sông mẹ của vùng Chợ Đệm. Cái giá phải trả cho phát triển quả thật có thể phải khiến cả cỏ cũng bạc đầu.

Rời Chợ Đệm, chúng tôi cũng mang theo nhiều nỗi niềm như người Chợ Đệm. 65 năm qua, những thay đổi quả là mồn một. Những ngày tháng 8 này cờ bay phất phới trên những ngôi nhà Chợ Đệm, như 65 năm trước. Nhìn cờ bay, lòng người cũng reo vui. Nhưng trong ngọn gió thổi phần phật lá cờ hôm nay còn nghe cả tiếng thở dài của sông Chợ Đệm. Cuộc sống đã tiến rất nhanh, rất mạnh về phía trước, nhưng riêng với dòng sông, lòng người Chợ Đệm lại hát “bao giờ cho đến... ngày xưa”.

Đón đọc số tới

Ngọn lửa cuộc sống

Rồi một ngày trong đời bạn trở nên nổi tiếng vì một sự kiện báo chí. Việc ấy ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống, tương lai và cả sự phấn đấu của bạn? Tuổi Trẻ gặp lại những nhân vật từng nổi tiếng một thời trên mặt báo...

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên