26/08/2010 04:22 GMT+7

Chợ Đệm những ngày tháng 8 - Kỳ 2: Ngày tối

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Ông Năm Muôn (Nguyễn Tấn Muôn, 83 tuổi, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) bắt đầu câu chuyện bằng một câu ca đã nằm lòng trong trí nhớ của ông từ ngày còn ở tuổi thiếu niên:

Kìa dân chúng cơ hàn, nước điêu tànNỗi căm hờn chứa chan lòng taĐồng bào há cam tâm làm tôi tớDưới muôn ngàn ép chế chìm sâu trong bóng tốiCong lưng gánh biết bao tầng sưu thuếMáu xương mình còn chi đâu...

NkBnph0v.jpgPhóng to
Ông Năm Muôn: “Hồi đó phong trào quần chúng như nồi cơm sôi”.. - Ảnh: Tấn Đức

Kỳ 1: Đi tìm dấu xưa

Chúng tôi muốn rằng giai cấp công nhân và nông dân đoàn kết lực lượng với các giai cấp khác để yêu sách mạnh hơn những cải cách về thuế ruộng đất, những biện pháp giúp nền nông nghiệp thoát khỏi tình trạng tồi tệ hiện nay và bảo vệ lao động ở nông thôn và tại các đồn điền, những yêu sách về chính trị và kinh tế có liên quan đến 20 triệu người Đông dương.

Nguyễn An Ninh – Báo La Lutte, ngày 19-8-1936

Đêm dài

“Hồi đó...” - ông Năm Muôn chậm rãi, những ngày xưa cũ ùa về. Chợ Đệm là vùng đất phù sa mới đã thuần ven ngã ba sông, thích hợp với cây lúa và nhiều loại hoa màu, mồ hôi đổ xuống luôn được đáp lại bằng những vụ mùa. Nhưng những ngày ấy thì không. Ruộng lúa bị bỏ hoang vì thanh niên bị bắt đi phu, đi xâu. Những đầm lá trở thành nơi người dân trốn chui trốn nhủi trước mũi súng của Tây, trước lưỡi gươm của Nhật.

“Có hạt lúa nào thì Nhật đến thu hết. Có đồng tiền nào thì phải dành đóng thuế thân. Rau vườn nhà, cá tôm dưới sông mang lên chợ thì lính Nhật đến mua bằng lưỡi gươm. Dầu đèn khó kiếm, tối khuya cả làng leo lét vài cái bóng đèn hột vịt. Trừ vài đứa trẻ được đi học, còn thì cả làng mù chữ... Tăm tối, tăm tối cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng” - ông thở dài. Những năm ấy nhà ông Năm Muôn có tám anh em. Ngày chỉ được một bữa cơm sáng, chiều phải nấu cháo độn rau. Tết đến, nhín nhút lắm cha mẹ sắm cho con mấy cái quần áo bằng vải bố, đứa có áo mới thì thôi quần, đứa có quần mới thì thôi áo. Chờ năm sau.

Ông Mười Lửa, ông Hai Lầu cứ lắc đầu hoài khi nhắc tới thời tăm tối ấy. Ông Năm Nhẫn lại lục trong đống tài liệu cũ chỉ cho tôi xem một bài trích trên báo Dân Chúng số ra tháng 10-1938: “Năm 1937, Nam kỳ bị lụt lớn. Tai nạn kéo dài. Đến năm nay ngay tại vựa lúa của Nam kỳ là Bạc Liêu mà nông dân cũng phải lăn kềnh ra vì đói. Đói thì mặc đói, dân nghèo vẫn phải đóng thuế thân. Một suất thuế thân phải đổi hơn 50 giạ lúa, trong khi một mẫu ruộng chỉ thu được khoảng 100 giạ/năm. Khắp nông thôn Nam kỳ, đêm đến đèn đuốc như sao, trống mõ như phái, làng lính ruồng bắt thuế thân. Nông dân trốn thuế dưới đầm đìa. Làng lính đến đó bắt được những... tử thi. Người trốn thuế chui nhủi chung với chồn rắn, ngâm mình dưới nước, ăn bông súng lạnh ruột mà chết”.

Một đoạn khác: “Đồng lương của thợ thuyền quá đỗi thấp so với thuế tăng, vật giá tăng. Đàn ông làm công nhựt lãnh 0,5 đồng/ngày. Đàn bà 0,3 đồng. Trẻ em lối 0,2 đồng. Chỉ tính đến những cái cần thiết nhất như gạo, củi, nước mắm, dầu hôi thì đã rõ ràng ấy là đồng lương chết đói”.

Chúng tôi cũng đã được đọc, được xem nhiều câu chuyện, nhiều hình ảnh về thời kỳ đen tối này, nhưng quả thật khó mà cảm nhận được như thế nào là cảnh cùng quẫn khiến một người phải chịu chết dưới ruộng vì chưa đóng được khoản thuế thân. Còn ông Mười Lửa bảo: “Nhắc chuyện đó chỉ có rùng mình thôi. Đêm dài. Cũng vì thế mà Chợ Đệm là nơi đã diễn ra một trong những cuộc biểu tình sớm nhất Sài Gòn - Chợ Lớn, chỉ sau Bà Điểm - Hóc Môn thôi. Còn những buổi nhóm họp thì diễn ra ngay ở nhà tôi, khi tôi còn là thằng nhỏ bưng nước”...

Ánh lửa

“Dân Chợ Đệm đã có truyền thống chống ngoại xâm, chống áp bức từ thời cùng với các tướng Trương Định, Hồ Huấn Nghiệp lập những đội nghĩa binh kia, nên những ngày đen tối ấy Chợ Đệm cũng vẫn le lói. Cha tôi tham gia Thiên Địa hội (do Phan Xích Long phát động), sau đó lại tham gia tổ chức của ông Nguyễn An Ninh, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Các cuộc hội họp, diễn thuyết được tổ chức khi thì ở đình làng, khi thì ở nhà ai đó. Cứ nói đến chống sưu thuế là bà con ai cũng ủng hộ” - ông Năm Muôn kể lớp lang.

Lịch sử huyện Bình Chánh còn ghi cuộc biểu tình đòi “giảm thuế thân, tăng giá công, giảm tô tức, chống bắt phu” đầu tiên diễn ra ở Bà Hom ngày 4-6-1930 và đã bị đàn áp dữ dội. Máu đổ xuống nhưng người không lùi lại. Biểu tình Chợ Đệm diễn ra ngay sau đó một tuần, được ghi nhận trên báo Đuốc Nhà Nam, Điện Tín đương thời là “cuộc biểu tình An Lạc”.

Hôm nay ông Năm Muôn vẫn còn nhớ những bài vè thuở ấy: Tháng năm mùng tám (ngày âm lịch - NV)/ Nhiều nhà không dám/ Cũng biểu ra đi/ Anh em xầm xì/ Đi nghe diễn thuyết/... Có người đứng nói/ Anh em chịu cực/ Hãy đứng lại đây/ Tôi nói như vầy/ Treo cờ đánh trống/ Tiếng nghe lồng lộng/ Động đất dậy trời/ Tây cò đến đó/ Cầm súng hẳn hòi/ Tao bắn bây coi/ Bây đừng làm dữ...

Vừa đọc ông vừa cười: “Tây nó có súng, nó bắn. Còn bên mình, mấy bà mấy chị cũng “tao bắn bây coi”, là hốt bùn dưới ruộng ném vào nó. Như một trò chơi nhưng cái tâm là thật...”. Cái tâm thật, bức xúc thật, động lực thật và hi sinh cũng thật. Ông Châu Văn Liêm đã hi sinh khi dẫn đầu cuộc biểu tình từ Đức Hòa lên Chợ Lớn, còn cuộc biểu tình Chợ Đệm có ông Một Thế (Nguyễn Văn Thế) bị bắt đi tù.

Và Chợ Đệm đã có những cơ sở Đảng đầu tiên.

Trong đêm dài đã có những ánh lửa, những tiếng mõ. Ánh lửa, tiếng mõ ấy lại được tiếp thêm sức từ phong trào Mặt trận Bình dân ở Pháp. “Nói theo kiểu “ông già Chợ Đệm”: phong trào quần chúng như nồi cơm sôi” - ông Năm Muôn cười hà hà.

Đình làng Tân Túc, Tân Nhựt, Tân Kiên đã không còn chỉ là nơi bà con tập hợp lại những dịp cúng kỳ yên hay coi hát bội, ở đây đã có thêm những diễn giả diễn thuyết về quyền làm người. Các bà, các chị đi Chợ Đệm đã không chỉ bán tấm đệm bàng để mua miếng thịt cho con, mà còn nhín ra 2 xu mua thêm tờ báo Dân Chúng, Le Peuple về nhờ người đọc cho cả xóm. Một mạnh thường quân xứ Chợ Đệm còn được nhắc tới bây giờ là ông hội đồng Tồn (Võ Công Tồn) là người thường xuyên ủng hộ tiền bạc, vật chất cho phong trào, bảo bọc những người cách mạng trẻ...

Dân Chợ Đệm hôm nay vẫn còn vui khi nhắc tới ngày chuẩn bị khởi nghĩa Nam kỳ, khi mà mọi người tưởng như đi lần này là lấy được Sài Gòn về cho nông dân. “Nhà thầy Trúc Quan (cha ông Bảy Trấn) nấu cơm liên tục cho anh em. Ông Xù (cha anh Dong, một thanh niên tham gia khởi nghĩa) vui vẻ nói với vợ: Cứ xúc lúa xay giã cho tụi nó đủ ăn, còn ăn hết thôi...”. Không ai lường được những gian khổ, mất mát của cuộc đấu tranh, nhưng người dân Chợ Đệm đã hồn nhiên và tin tưởng đi thẳng tới cuộc đổi đời như thế.

Phong trào lắng xuống một chút sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Nhưng ngay sau đó những đảng viên đã lại xuất hiện, các chi bộ Đảng đã lại được thành lập và “Xứ ủy Nam kỳ đã có mặt, đóng ngay tại Chợ Đệm, bên kia sông...” - giọng ông Năm Muôn như nhẹ đi.

Mọi người, mọi việc đã chuẩn bị sẵn sàng cho mùa thu 1945.

_______________________

Những điều kiện đã chín muồi. Cuộc đổi đời đã đến chỉ sau một đêm. Nhưng để trải qua đêm ấy là cả một cuộc cân phân, tranh luận mà chỉ có Chợ Đệm là chứng kiến. Và hừng đông cũng tới...

Kỳ tới: Hừng đông

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên