![]() |
Ngoài trăm tuổi, bà Nguyễn Thị Tư vẫn thoăn thoắt với nghề đan đệm mà chẳng mấy người trẻ còn biết đến. Cuộc sống đang thay đổi... - Ảnh: P.Vũ |
Kỳ 1: Đi tìm dấu xưa Kỳ 2: Ngày tối Kỳ 3: Hừng đông
Ấy thế nhưng câu chuyện của bà luôn bắt đầu bằng chữ “Hồi đó” và kết thúc bằng vế “bây giờ”. Từ “hồi đó” đến “bây giờ” là cả một cuộc đổi thay, dâu bể.
Hồi đó...
“Hồi đó cực lắm, khổ lắm. Em còn nhỏ, em đâu có biết khổ...”, bà lấy ngón tay xương xẩu vạch lên quần áo tôi kể về những mảnh vá chằng đụp trên bộ quần áo nhàu nát của bà khi xưa. Ngày ấy bà cũng như bao người dân nghèo khác ở Chợ Đệm, một đời cấy thuê cuốc mướn đổi lấy hai bữa cơm muối và 1,5 xu tiền công. Sau nhiều lần sinh con, không còn đủ sức làm ruộng, vài ngày một lần bà lặn lội đi xe lửa xuống Mỹ Tho mua mớ khoai sắn về rửa, luộc, gánh ra chợ bán. Và lúc nào tay cũng thoăn thoắt đan những tấm đệm bàng, giỏ bàng để “thấy bộn bộn thì gánh ra chợ. Dân Chợ Đệm mà”.
“Giờ tui đan bị lỗi nhiều rồi, mắt mờ không nhìn thấy nữa”, hôm nay tay bà vẫn run run lần theo sợi bàng, chưa mất những cảm giác cũ. Rồi bà bỗng thừ người ra một lúc, quay sang tôi thầm thì: “Hồi đó có tiền không dám xài, cất dưới tấm đệm để dành khi thang thuốc cho con. Có lần để dành được hai đồng, lính kín đến xét, lấy mất...”. Tôi nhìn bà. Trong những nếp nhăn tầng tầng lớp lớp trên gương mặt trăm năm này, có bao nhiêu nếp là của chịu đựng, của nhẫn nhục, của đau khổ, uất ức?
Bà xòe bàn tay khô gầy, gân guốc đếm: “Con Hai ở bên nhà kia, con Út ở đây, nó là thứ tám đó”. Còn những người khác? Bà ngẩn ngơ: “Còn ở giữa... chết hết. Thằng Ba chết hồi mấy ngày tuổi. Con Tư ba, bốn tuổi thì chết. Thằng Năm, thằng Sáu bảy, tám tuổi chết. Thằng Bảy nuôi tới mười mấy tuổi rồi cũng chết. Đau tà đau ma không có tiền hốt thuốc, nấu lá xông, nấu lá uống rồi chết. Nghèo khổ quá đi làm một ngày được một, hai cắc...”. Bà ngừng lời, những nỗi đau từ ngày xưa mãi vẫn chưa nguôi. Có lẽ vì vậy mà bà còn nhớ hai đồng bạc bị cướp mất cho đến tận bây giờ. Biết đâu hai đồng ấy đã chẳng mua được vài thang thuốc.
Tôi yêu Chợ Đệm mới yêu ra cả nước. Lưu thông huyết mạch. Máu chảy về tim. Máu lại chảy ra. Sự đời đang thay đổi ngày một. Tôi cầm viết lên mà càng tin tưởng và quý trọng con người. Khi tạm ngừng lời, chúng ta cùng hô khẩu hiệu: “Sống!”. |
Bà lại thừ người ra một lúc rồi quay sang chăm chú nhìn cuốn sổ trên tay tôi, bảo: “Hồi đó nghèo quá nên phải chịu dốt, không biết chữ, chỉ ráng được cho con Út đi học”. Sinh năm 1949, mãi đến lúc hơn 10 tuổi khi cha từ chiến khu giải ngũ về vì bị thương, gia đình có thêm một lao động chính, cô Trần Thị Lang, con út của bà Tư Lúa, mới được đi học.
Bà Lang ngồi cạnh mẹ tiếp lời: “Tui đi học trường làng ngoài Chợ Đệm một buổi, buổi còn lại về nhà đan giỏ bàng, phụ với má bán khoai bán sắn. Cực, nhưng tui là người may mắn nhất trong tám anh chị em: được sống, được đi học”.
Hỏi sợ điều gì nhất, bà bảo thời chiến tranh sợ nhất là đám lính da đen sục vào làng bắt đàn bà, con gái. Khi đó cả bà lẫn mấy cô con gái phải lấy bùn, lọ nghẹ bôi trét lên người để thoát thân. “Ôi giặc giã, bom pháo, sợ lắm, em không biết đâu...” - Bà thẫn thờ rồi kết luận - Bây giờ yên ổn rồi, sướng lắm!”.
Cắc cớ hỏi thêm câu nữa: khi xưa bà có nhớ chuyện gì vui? Bà bảo: “Hồi đó buồn lắm, có gì vui đâu. Cực lắm, đi làm mướn suốt năm suốt tháng không được đi coi cải lương, hát bội lần nào. Chỉ vài lần đón xe đò lên Chợ Lớn, đi bộ một vòng mua vài thứ lặt vặt rồi về. Đâu được như bây giờ...”.
Bây giờ
Các nếp nhăn của bà giãn ra nhiều khi nhắc “bây giờ”. Bà hào hứng kể: “Bây giờ con cháu được đi học, đi làm lương mấy triệu đồng một tháng, về già còn có lương hưu, không phải lo sợ ai. Bây giờ đường sá thông thương, xe cộ đầy rẫy, muốn đi tới đâu là tới đó liền, mấy đứa cháu cũng chở tui bằng xe gắn máy mấy lần, thích lắm. Mấy chục năm nay xứ này đã có điện, bây giờ muốn xem hát thì mở tivi có ngay. Bây giờ xóm làng yên lành, không sợ ai đến lục soát, xét nhà bất tử...”.
Người cháu ngoại ở nhà bên mang mấy chiếc bao bàng đan dở sang góp chuyện. Bà kéo chiếc bao lại gần, mò mẫm đan mấy đường rồi hỏi rành rọt “Bàng bây giờ bao nhiêu một neo (bó - NV)? Cái bao này giờ bao nhiêu một chục?”. Cô cháu trả lời, bà nhẩm tính rồi bảo: “Vậy một tháng bán một lần cũng được cả triệu đồng chứ đâu ít”.
Lại quay sang tôi, bà kể: “Hồi đó nhà giàu có năm, bảy mẫu ruộng, nhà nghèo đi làm mướn. Sau này Nhà nước lấy hết đất chia lại, gia đình tui mới có được chút ít”. Một chút ít đất đó đã giúp gia đình bà vượt qua những năm tháng khó khăn khi đất nước mới thống nhất.
Vốn liếng học hành của cô gái út Trần Thị Lang đã giúp cô có được việc làm, có được nhà ở TP.HCM để hai con gái tiếp tục học hành, làm việc, tạo lập gia đình. Những cháu ngoại, cháu cố của bà Tư Lúa đã không còn phải sống cuộc đời “cực và buồn” như bà khi xưa. Đón ly sữa từ tay con gái, bà lại nhắc những chuyện xa xưa một lần nữa: “Khi xưa cha mẹ tui đau bệnh, nằm đó chỉ được hớp nước cơm”.
Trăm năm chuyện bể dâu là quy luật. Và những thay đổi tiến về phía hạnh phúc cũng là quy luật. Những cột mốc đáng nhớ của lịch sử Chợ Đệm, lịch sử VN như 1945, 1975 bà Tư Lúa đã không còn nhớ. Nhưng những chuyển dời, đổi thay thì chắc khó ai cảm nhận rõ rệt như bà. Khi xưa viết cuốn Chợ Đệm quê tôi, “ông già Chợ Đệm” Nguyễn Văn Trấn đã tìm đến ông thầy thuốc Ba Hinh để làm một cuộc trò chuyện giữa một người già ngót trăm tuổi với người trẻ ngoài bảy mươi, thì nay chúng tôi cũng thật may mắn khi gặp được bà Tư Lúa.
Hôm nay, trong căn nhà khang trang, tiện nghi, xanh um hoa trái ở thị trấn Tân Túc của cô Lang, bà điềm tĩnh ngoáy trầu, mỉm cười xem mấy cậu chắt ngoại thi nhau học tiếng Anh, lắp ráp đồ chơi. Bà khoe mới được ủy ban thị trấn, hội hương đình Tân Túc tới tặng khăn lụa đỏ, quà mừng thọ, và bà lại nói một câu nghe đã như quen thuộc: “Hồi đó ai có tiền mới vào ủy ban, hội hương đình được đó nghe. Cũng chẳng bao giờ dân nghèo được ai ngó tới. Bây giờ khác rồi...”.
____________________________
Cuộc sống đổi dời về phía hạnh phúc. Con đường lựa chọn đã được xác tín. Nhưng đổi thay có cái giá phải trả của nó. Lòng người Chợ Đệm hôm nay đã reo vui dù cuộc sống như một quy luật: lúc nào cũng trăn trở để đi lên...
Kỳ cuối: Tiếng sóng Chợ Đệm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận