27/08/2010 06:24 GMT+7

Chợ Đệm những ngày tháng 8 - Kỳ 3: Hừng đông

(Trích bài nói của Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu tại cuộc mittinh trước dinh đốc lý Sài Gòn ngày 25-8
(Trích bài nói của Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu tại cuộc mittinh trước dinh đốc lý Sài Gòn ngày 25-8

TT - “Tháng 7-1945, tôi 18 tuổi, anh Hai tôi 25, hai anh em cùng tham gia Thanh niên tiền phong. Cả khu Chợ Đệm này thanh niên, đàn ông đều nhập đội hết. Những bài hát thuở ấy thôi thúc mình dữ lắm, không thể ngồi yên trong nhà được. Phải đứng lên. Phải ra đi”, ông Năm Muôn tiếp tục mạch chuyện.

fklSsvIS.jpgPhóng to

Từ tháng 6-1945, những đội Thanh niên tiền phong phát triển ra toàn miền Nam - Ảnh tư liệu

Kỳ 1: Đi tìm dấu xưa Kỳ 2: Ngày tối

Kiếm nguồn tươi sáng

Đồng bào! Quốc dân!

Hôm nay là ngày vẻ vang nhất trong lịch sử của Nam bộ VN. Giữa thanh thiên bạch nhựt, chúng tôi, Ủy ban lâm thời hành chánh, nhân danh toàn thể quốc dân Nam bộ tuyên bố trước mặt hoàn cầu và trước mặt toàn thể quốc dân rằng: chế độ cộng hòa dân chủ thành lập tại Nam bộ VN.

Nước VN hoàn toàn độc lập.

...Những trở ngại không ít, nhưng một chính phủ do toàn thể quốc dân ủng hộ, một chính phủ của dân chúng bao giờ cũng thắng.

Năng lực của dân chúng là vô tận.

... Chủ quyền về tay ta rồi nhưng còn phải chờ sức nỗ lực làm việc và phấn đấu của ta thì nó mới vững bền và rực rỡ.

Chợ Đệm những ngày giữa tháng 8-1945 như có một sinh khí mới. Thanh niên trai tráng say sưa hát “Nào anh em ta cùng nhau xông pha lên đàng, kiếm nguồn tươi sáng...”, nhiệt thành tập luyện bảo vệ xóm làng.

Trong những tiệm nước, câu chuyện được bàn luận sôi nổi nhất không còn là những bữa ăn độ nhật, mà là chuyện Mỹ ném bom nguyên tử, quân Đồng minh thắng thế, Nhật đầu hàng, Pháp lăm le quay lại... Những câu chuyện dở dang, lửng lơ dừng ở số phận của chính mình.

Lúc đó, phía bên kia sông Chợ Đệm, nhà ông Bảy Trấn, ông Bảy Thọ đã được Xứ ủy Nam kỳ chọn làm nơi gặp mặt của ủy ban khởi nghĩa, làm nơi tổ chức hội nghị để ra quyết định khởi nghĩa.

Giáo sư Trần Văn Giàu, bí thư Xứ ủy Nam kỳ lúc bấy giờ, giải thích về việc lựa chọn này: “Từ Sài Gòn xuống Chợ Đệm mất chừng một giờ xe đạp. Xe ngựa, xe hơi đều sẵn. Có việc gì quan trọng xảy ra tại Sài Gòn thì bọn tôi biết ngay để đối phó kịp. Đại biểu lục tỉnh lên họp cũng tiện, khỏi phải đi vòng vo, khỏi phải đổi xe cộ”.

Đến hôm nay sắp bước sang tuổi đại thọ 100, trò chuyện đã hơi khó khăn, giáo sư Trần Văn Giàu vẫn nhớ rõ từng sự kiện.

Tối 16-8, trong một căn nhà ở làng Tân Nhựt ven sông Chợ Đệm, mấy tấm đệm bàng được trải xuống, một nồi cháo gà được bắc lên, hội nghị Xứ ủy Nam kỳ mở rộng bắt đầu. Phân tích tình hình, thảo luận điều hơn lẽ thiệt, nhưng đến tận trưa 17 quyết định khởi nghĩa hay không vẫn chưa ngã ngũ.

Thời cơ chín muồi nhưng bài học đẫm máu của khởi nghĩa Nam kỳ còn đó. Các phái viên ra Bắc dự hội nghị trung ương vẫn chưa về. Hành động của Việt Minh ngoài Bắc vẫn bặt vô âm tín. Các địa phương đều sẵn sàng cho khởi nghĩa nhưng hội nghị vẫn buộc phải tạm dừng.

Sáng 21-8, các thành viên lại lần lượt đến điểm hẹn. Họp. Tranh cãi, căng thẳng. Cuối cùng hội nghị ra quyết định để Tân An (Long An) thí điểm cướp chính quyền trước nhất.

Sáng 23-8, đoàn đại biểu Tân An không trở lên Chợ Đệm bằng xe đạp, thay vào đó là một chiếc ôtô treo lá cờ đỏ sao vàng thật to. Chính quyền ở thị xã đã giành được không cần một tiếng súng.

Hội nghị Chợ Đệm lần thứ ba diễn ra chớp nhoáng với quyết định triển khai giành chính quyền ở Sài Gòn và miền Nam trong đêm 24-8. Một bữa cháo lòng Chợ Đệm nóng hổi, ngọt lành, “đã” tới tận bây giờ là món mà dân Chợ Đệm chiêu đãi những nhà lãnh đạo khởi nghĩa.

“Việc giành chính quyền dễ hơn tưởng tượng. Đoàn Thanh niên tiền phong chúng tôi thay cờ Việt Minh (cờ đỏ sao vàng), kéo đến đình làng hô “Độc lập hay là chết”, “Thà chết không chịu làm nô lệ”. Lính Nhật không phản ứng. Hương chức làng nghe tiếng hô đã sẵn sàng ra giao nộp giấy tờ, hương ước. Ở đình làng Tân Túc, chúng tôi thu được hai cây súng, một người lính làng và hai người lính Nhật xin đi theo Việt Minh - ông Năm Muôn hào hứng nhớ những ngày 65 năm trước - Hai người lính Nhật ấy đã huấn luyện chúng tôi bắn súng, được đặt tên là Việt và Nam. Ngày Nam bộ kháng chiến họ cũng theo Việt Minh vào bưng, lấy vợ, sinh con ở Tháp Mười rồi về nước sau đình chiến”.

Đời là của mình

25-8, 2-9 là những ngày nô nức của người dân Chợ Đệm. 2 giờ sáng, mọi người hàng ngũ chỉnh tề, đầu ngẩng cao, đòn bánh tét treo đầu gậy tầm vông, vừa đi vừa hát về phía Sài Gòn. Với hầu hết người dân Chợ Đệm lam lũ, đó là lần đầu họ ra khỏi con sông của mình.

“Chỉ qua một đêm chúng tôi đã đổi đời”, ông Năm Muôn cười, nụ cười của tuổi 83 vẫn phảng phất nét rạng rỡ tuổi 18. Những ngày sau không còn bóng Tây, Nhật nghênh ngang kiếm, súng ở Chợ Đệm. Ủy ban hành chánh lâm thời Tân Túc được thành lập, Năm Muôn là thành viên trẻ nhất được giao nhiệm vụ tuyên truyền xây dựng đời sống mới. Chợ Đệm vẫn nghèo nhưng những nụ cười đã trở lại với những con người lần đầu cảm thấy mình được là mình.

“Chúng tôi huy động người dân chỉnh trang lại đường thôn ngõ xóm giờ đã là của mình, bà con cũng ra cày ải, trồng tỉa lại trên những khoảnh ruộng bỏ hoang giờ đã là của mình, tiếng hát cất lên khắp nơi...”, ông Năm Muôn kể.

“Thật là những ngày đẹp đẽ”, bà Mười Lửa tiếp lời.

Những ngày đẹp đẽ ấy chưa đầy một tuần trăng.

23-9 súng lại nổ. Nhưng bây giờ dân Chợ Đệm không còn bỏ chạy, không còn trốn chui trốn nhủi. Thanh niên tòng quân theo Việt Minh. Người dân đứng vào hàng ngũ cứu quốc, thi nhau làm nghĩa vụ hậu phương: tích hũ gạo kháng chiến, nuôi gà kháng chiến.

“Hồi đó cực lắm nhưng vui, không vui thì làm sao mà đi kháng chiến được”, ông Hai Lầu cười, kể lại hàng lô câu chuyện tiếu lâm thời chui hầm tránh đạn. Bao năm chiến tranh, Tân Nhựt, Tân Kiên trở thành bưng biền kháng chiến, cũng là vùng oanh kích tự do với những trận chiến đi vào lịch sử như trận Láng Le - Bàu Cò.

Hôm nay dân Chợ Đệm vẫn nhắc đến tên hai người liệt sĩ đầu tiên của mình.

“Người hi sinh đầu tiên là anh hai của tôi, anh Nguyễn Văn Hai”, ông Năm Muôn chậm rãi. Ngày 10-10-1945, quân Pháp chiếm lại cầu Bình Điền, lội qua cầu Bà Môn sang chiếm Chợ Đệm. Anh Hai đang canh gác. Anh cầm chiếc tù và đưa lên miệng thổi, báo động cho các đồng chí mình ở bên kia lộ. Lập tức, đạn vãi về phía tiếng tù và. Người thứ hai là anh Trần Phi Phụng, sau một trận đánh ở An Phú Tây, anh bị thương, bò về đến Chợ Đệm. Gặp mấy bà má, chưa kịp băng vết thương anh xin một điếu thuốc hút. Rít được hai hơi, anh Phụng tắt thở.

Sau anh Hai, gia đình ông Năm Muôn có thêm hai người em trai nữa trở thành liệt sĩ. Chợ Đệm còn mất thêm nhiều người con nữa trong hai cuộc chiến tranh.

“Nhưng chúng tôi biết mình đã đi đúng đường. Ngày xưa dân tộc mình ở thế yếu, đi vào chỗ chết. Ngày nay đọc báo, xem tivi thấy VN có vị thế trên thế giới tôi rất tự hào, thấy sự hi sinh của mình, của gia đình là không uổng phí” - ông Năm Muôn nói.

-------------------------------------------

Sinh năm 1907, đã hơn 100 năm nay bà Tư Lúa gắn liền cuộc đời mình với Chợ Đệm. Bỏm bẻm nhai trầu, câu chuyện của bà luôn bắt đầu bằng chữ “hồi đó” và kết thúc bằng vế “bây giờ”. Từ “hồi đó” đến “bây giờ” là cả một cuộc đổi thay, dâu bể.

Kỳ tới: Trăm năm dời đổi

(Trích bài nói của Chủ tịch Ủy ban hành chánh lâm thời Nam bộ Trần Văn Giàu tại cuộc mittinh trước dinh đốc lý Sài Gòn ngày 25-8
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên