Nét xuân. Tác giả Trần Văn Tám, phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM |
Đặc biệt, có những bức ảnh truyền đi thông điệp cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tác giả Trần Văn Tám - phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Lập Hạ, Củ Chi, TP.HCM - gửi đến hội thi chùm ảnh Một ngày làm chiến sĩ.
Ảnh ghi lại hoạt động của Hội đồng Đội Củ Chi tổ chức cho 200 đội viên từ 39 trường tiểu học, 23 trường THCS trong huyện tập làm chiến sĩ, cùng với các chú bộ đội trồng rau tăng gia sản xuất, tập điều lệnh quân đội, nghe kể chuyện truyền thống cách mạng, tham gia biểu diễn văn nghệ, sắp xếp nội vụ...
“Một ngày làm chiến sĩ tạo cho các em đội viên rất nhiều niềm vui, sự hứng khởi với các hoạt động ngoài nhà trường” - thầy Tám kể. Bên cạnh đó, thầy Tám cũng gửi nhiều tác phẩm dự thi khác như Nét xuân, Giờ ra chơi, Thí nghiệm...
Trong khi đó, tác giả Phạm Hoàng Sơn - giáo viên Trường THCS Tây Hồ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) - lại gửi đến hội thi một chùm ảnh chụp ở Đà Lạt. Đó là những bức ảnh với chủ đề Đà Lạt hoàng hôn, có những chú ong cần mẫn đang hút mật trong ngày nắng ấm.
Cũng lấy cảm hứng ở Đà Lạt, tác giả Phan Viết Thụ - học sinh Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM - lại gửi về những tấm ảnh Đà Lạt vào đông, với hình ảnh những cây thông trầm mặc soi bóng xuống hồ.
Có thể thấy chủ đề của các bức ảnh gửi về dự thi khá đa dạng. Đó là Bắn bi, Xếp sách thư viện (tác giả Nguyễn Minh Thành, giáo viên Trường THCS Long Hưng, Bình Chánh, TP.HCM); hay Trò chơi từ nắp vỏ, Ném cầu, Tuổi thơ của tác giả Hoàng Thái Hùng lại gợi nhớ đến sự hồn nhiên, vui tươi của trẻ thơ.
Còn Vũ Thị Hải Yến lại chọn hình ảnh Gánh hàng rong để lưu giữ lại những khoảnh khắc bình yên trong cuộc sống.
Cô Sáu vé số bán niềm tin. Tác giả Nguyễn Minh Thành, giáo viên Trường THCS Hưng Long, Bình Chánh, TP.HCM |
Mỗi bức ảnh gửi đến dự thi đều truyền đi một thông điệp cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Đơn cử như tác phẩm Cô Sáu vé số bán niềm tin của tác giả Nguyễn Minh Thành.
Tác giả chia sẻ: “Mặc dù hai mắt không nhìn thấy gì, cô Sáu vẫn ngày ngày ngồi ở giao lộ Nguyễn Văn Linh và quốc lộ 50 bán vé số. Do mắt không nhìn thấy, cô thường xuyên bị cướp giật, bị người mua vé số đưa tiền giả, mua một tờ vé số nhưng lấy nhiều hơn... "
Cô Sáu kể: "Cô bị giật hoài, thiếu tiền của đại lý vé số, phải kiếm tiền bù vô. Nhưng vì mưu sinh nên phải tiếp tục bán vé số, chứ không biết làm gì khác. Cô hi vọng mọi người sống tử tế hơn, và tin tưởng rằng một ngày nào đó mình không còn bị giật vé số, không bị lừa nữa”.
Thầy Thành kết luận: “Thật cảm phục trước lòng tin mạnh mẽ về xã hội tốt đẹp của cô Sáu. Người phụ nữ này không những bán vé số mà bán cho tôi hi vọng, niềm tin về xã hội tốt đẹp hơn”.
Học lịch sử ở sân trường. Tác giả Võ Tiến Phát, học sinh lớp 11A6 Trường THPT Trưng Vương, Q.1, TP.HCM |
*Hội thi ảnh “Dấu ấn thời gian” tiếp tục nhận tác phẩm dự thi của giáo viên, học sinh. Đối với giáo viên, hạn chót để nộp tác phẩm dự thi đến hết ngày 12-3-2017. Với học sinh, cuộc thi được tiến hành qua hai vòng. Vòng 1 đến hết ngày 19-2-2017 và vòng 2 (dành cho những học sinh có tác phẩm được chọn ở vòng 1) với chương trình thực tế, sáng tạo ngoài nhà trường trong ngày 12-3-2017. Mời truy cập website dauanthoigian.tuoitre.vn để xem và gửi ảnh dự thi. Ngoài ra, tác giả cũng có thể gửi ảnh dự thi qua email dauanthoigian@tuoitre.com.vn. Tác giả gửi ảnh dự thi vui lòng để lại số điện thoại để ban tổ chức liên lạc khi cần thiết. Ảnh được chọn đăng sẽ được báo Tuổi Trẻ chi trả nhuận bút. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận