Chuyện gì sẽ xảy ra khi ngày càng nhiều phụ huynh định hướng cho con "đi chăn bò" vì tổn thất niềm tin vào giá trị của sự học theo nghĩa giảng đường, thi cử, khoa bảng? Nếu sự tổn thất ấy cứ tiếp diễn và lan tỏa thì phải cứu vãn bằng cách nào?
Có khách quan không khi nhìn vào việc cử nhân lay lắt tìm việc, thạc sĩ đi làm nghề chân tay, tiến sĩ lương không đủ sống, cử nhân lay lắt tìm việc... mà suy sụp cả niềm tin vào giá trị của sự học?
Tuổi Trẻ Online trích đăng một số ý kiến, trong đó có ý kiến của một du học sinh Việt Nam tại Đức.
Tôi muốn con sau này đi chăn bòChăn bò có học chẳng tốt hơn sao?!Đại học không là con đường duy nhất
Phóng to |
Nhìn những ánh mắt phụ huynh này mới hiểu được nỗi lo và sự khát khao một chỗ trên giảng đường đại học cho con em mình ra sao - Ảnh: Như Hùng |
Tôi tin vào giá trị của sự học
Không phải ngẫu nhiên mà quyền được học tập là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Càng không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học, và Văn hóa của Liên Hiệp quốc (UNESCO) đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn cầu "Giáo dục cho mọi người" (Education for all) để đáp ứng nhu cầu học tập của tất cả mọi người bao gồm trẻ em, thanh niên, và người lớn trên toàn thế giới. Giá trị của sự học, giá trị của tri thức là những giá trị không thể chối cãi!
Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo khó, ba tôi là giáo viên đã về hưu. Cho đến hôm nay, tài sản quý giá nhất mà ba tôi đã trao cho tôi, điều mà tôi suốt đời mang ơn ba tôi, đó là niềm tin vào sự học! Ngay từ rất nhỏ, tôi đã được dạy rằng: "Chỉ có học tập, chỉ có giáo dục mới thay đổi cuộc đời của con! Con không có con đường nào khác!".
Chính vì vậy, từ nhỏ đến bây giờ, với tôi, học tập luôn là niềm đam mê, những kiến thức mới luôn có một sức hấp dẫn kỳ lạ với tôi. Suốt 12 năm phổ thông, ba tôi hầu như không kiểm tra bài vở ở trường của tôi, cũng không kèm tôi học môn gì, ngoại trừ hồi hè năm lớp 1 ông kèm tôi viết chữ vì chữ tôi viết lúc đó xấu quá. Đơn giản, nếu bạn làm một việc gì đó bằng tình yêu thực sự, bạn không cần sự nhắc nhở, theo sát, đe nẹt hay ép buộc. Và tôi có thể khẳng định rằng tất cả những gì tôi có ngày hôm nay, và sẽ có trong tương lai, đều đã và sẽ bắt nguồn từ sự học, từ niềm tin kiên định vào giá trị của sự học mà ba tôi đã trao truyền từ khi tôi còn tấm bé.
Không cần giàu, chỉ cần hạnh phúc Về chuyện học hành và nghề nghiệp, tất cả tùy quan điểm mỗi người thôi. Tôi muốn có nhiều tiền thì tôi tìm cách có nhiều tiền; còn tôi muốn có học vấn cao, tuy có thể không giàu nhưng tôi hạnh phúc là được. Không nên đánh đồng các bạn ơi!. |
Tôi có một cô bạn, cô đã có một công việc ổn định và đã có không ít thành công trong nghề. Rồi một ngày bạn chia sẻ với tôi rằng muốn du học thạc sĩ và rất quyết tâm thực hiện mục tiêu của mình. Khi mới biết dự định ấy của bạn, tôi đã ngạc nhiên hỏi: "Công việc của cậu đang rất tốt. Với lại bây giờ nước mình ngày càng nhiều thạc sĩ, không khéo vài năm nữa là phổ cập... thạc sĩ mất thôi! Cậu đi học nữa làm gì?". Cô bạn trả lời tôi rất đơn giản, ngắn gọn: "Vì mình tin vào giá trị của sự học!".
Và tôi tin rằng, tác giả của bài viết "Tôi muốn con sau này đi chăn bò", và cả cô bạn của tôi đều cùng chia sẻ quan niệm này. Quan niệm về niềm tin vào giá trị của sự học!
Tôi tin chắc tác giả Như Ý không viết bài này để "rao" với mọi người rằng tác giả muốn người con trai đang học lớp 12 của mình sau này đi chăn bò thay vì học đại học. Tôi cũng tin chắc rằng không phải tác giả không cổ vũ cho việc học cao: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ... Tôi cho rằng điều mà tác giả muốn nói ở đây, và cũng là điều quan trọng nhất: giá trị của thực học.
Nhìn chung, hệ thống giáo dục đại học và sau đại học của chúng ta hiện nay, rất tiếc, chưa làm được điều này. Khi bằng cấp có thể dễ dàng mua bán như một món hàng, khi điều người học chăm chăm nhắm tới không phải là tri thức, kỹ năng mà chỉ là một tấm bằng, khi thành tích, điểm số mới là điều quan trọng nhất chứ không phải bản thân những kiến thức học được thì giá trị của thực học đã bị lãng quên. Và theo tôi, đó là nguồn gốc của mọi vấn đề mà tác giả Như Ý đã đề cập.
Cảm ơn tác giả Như Ý vì một bài viết sâu sắc và dũng cảm nhìn vào sự thật. Chúng ta đã nói rất nhiều. Chúng ta cần hành động. Tôi hy vọng sắp tới ngành giáo dục nước nhà sẽ có một cuộc cải tổ toàn diện và nghiêm túc, đặc biệt là hệ thống giáo dục đại học và sau đại học. Cần phải thanh tra, kiểm soát chặt chẽ hơn các trường đại học để đảm bảo chất lượng đầu ra.
Còn bản thân mỗi chúng ta, theo tôi, thay vì ngồi chờ xã hội thay đổi, chờ các lãnh đạo ngành giáo dục chấn hưng nền giáo dục nước nhà, mỗi người chúng ta hãy là một tác nhân của sự thay đổi đó. Hãy học và làm những gì bạn thực sự yêu thích, và đừng bao giờ mất niềm tin vào giá trị của thực học!
Sau cùng, chúng ta đều biết rằng, làm nghề gì cũng cần tri thức, dù là một anh chăn bò!
Phải có nghề!
Tôi rất chia sẻ với tác giả Như Ý trong bài viết Tôi muốn con sau này đi chăn bò! Chúng ta phải có "nghề" thì mới thành công được. Anh đi làm giám đốc hay chăn bò đi nữa thì cũng phải có tri thức về chúng. Và khi đi chăn bò đi nữa thì việc tiếp tục "học nữa, học mãi" cũng không phải là khó nếu chúng ta quyết tâm. Tôi tin rằng các bậc phụ huynh cũng đồng cảm về vấn đề này.
Cũng cần chú ý đến chất lượng giáo dục đại học hiện nay. Tôi thấy sinh viên thực sự giỏi thì cũng có rất nhiều cơ hội việc làm mà có khi các công ty nước ngoài mời nữa! Xin hay dạy cho con em mình biết cách sống được và sống tốt với kiến thức của mình để làm chủ bản thân. Tôi cũng tin rằng nền giáo dục sẽ thay đổi.
Bạn đọc
Không phải cử nhân nào cũng thất nghiệp
Bài viết Tôi muốn con sau này đi chăn bò thú vị nhưng chỉ thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Không phải ai có bằng cấp ĐH đều thất nghiệp. Đâu phải ai muốn "chăn bò" cũng được. Người Việt coi trọng đường học vấn và luôn mong muốn và lo cho con học hành thành tài. Nếu ai cũng sợ ra trường thất nghiệp thì xã hội Việt Nam sẽ ra sao ngày sau?
Sinh viên cao học
Làm gì thì cũng cần học
Tôi nghĩ cần hiểu chữ "học" với nghĩa rộng hơn chỉ là học ở trường đại học: học ở cha mẹ, anh chị em, bạn bè, người làm cùng nghề, người xung quanh,... Để việc học được dễ dàng, thuận lợi, người học cần có nền tảng kiến thức nhất định (trình độ tiểu học, trung học, đại học).
Trần Minh Tân
Tôn trọng quyền định đoạt của con trẻ
Người này muốn con mình sau này chăn bò, người khác muốn con mình thành bác sĩ, kỹ sư. Có ai hỏi con mình muốn làm cái gì và sau này sẽ trở thành người như thế nào? Hãy để các em tự định đoạt cho bản thân các em. Việc bắt các em trở thành như một ai đó chung quy lại cũng là áp đạt ý chí của người lớn lên dự định tương lai của thế hệ đi sau. Nên chăng gợi ý các giải pháp và con trẻ sẽ là người định đoạt nó.
Bạn đọc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận