19/06/2007 04:28 GMT+7

"Chợ báo" - nửa đêm về sáng

YẾN TRINH - QUANG KHẢI
YẾN TRINH - QUANG KHẢI

TT - Để đưa những tờ báo đến tay độc giả lúc sáng sớm, những đại lý, người giao báo lẻ tại TP.HCM đã phải lặng lẽ đổ mồ hôi trong đêm.

Nhiều năm qua, những người làm báo Tuổi Trẻ không một ngày đơn độc. Luôn đồng hành cùng Tuổi Trẻ ngoài các cộng tác viên, bạn đọc thân thiết còn có lực lượng phát hành báo; những người luôn cung cấp thông tin hay và nóng hổi cho Tuổi Trẻ; những người luôn tâm huyết, thẳng thắn góp ý cho từng sai sót của Tuổi Trẻ... Kỷ niệm Ngày nhà báo VN năm nay (21-6), chúng tôi xin trân trọng ghi nhận về họ.

TU7bqfhw.jpgPhóng to
25 năm qua, chú Nguyễn Đức Trí vẫn đạp xe giao báo hằng đêm - Ảnh: Y.T.

Họ bắt đầu công việc khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ...

Người ướt cho... báo được khô!

1g sáng, chú Nguyễn Đức Trí cọc cạch đạp xe đi. Một ngày mới lại bắt đầu với chú - bình thường như mọi ngày trong 25 năm qua. Dừng chân ở điểm tập kết báo trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, vừa lồng xấp quảng cáo vào những trang nội dung vừa “ra lò”, người đàn ông 58 tuổi này nói: “Ban đầu chỉ vì quá nghèo mà đến với nghề “lấy đêm làm ngày” này. Thế nhưng khi đôi mắt đã quen thức từ nửa đêm về sáng thì cũng là lúc thấy công việc của mình thú vị và thấy mình cũng có trách nhiệm với độc giả”.

Trách nhiệm mà người bán báo dạo ấy nhắc đến là: không đưa báo trễ, không để báo ướt, nhàu hay dơ. Nghe đơn giản, thế nhưng để đạt được điều đơn giản ấy, khi nhiều người còn chìm trong giấc ngủ, người đàn ông này phải nặng nhọc đạp xe mấy mươi cây số mỗi đêm. Những đêm mưa bão, cả người và xe báo ngã chỏng chơ giữa đường chỉ vì vướng áo mưa. “Những lần ấy báo ướt nhẹp, chỉ có thể hong khô, cân ký. Lỗ vốn không sợ. Chỉ sợ ngày hôm ấy không có báo hoặc giao báo chậm, mất uy tín. Vì vậy, không dám mặc áo mưa, chỉ gói ghém báo cẩn thận bằng nilông. Chấp nhận người ướt cho báo được khô” - người bán báo tâm sự.

Mỗi ngày, người thương binh này giúp các cơ quan báo chí phát hành 200 tờ báo, trong đó có 50 tờ Tuổi Trẻ. Một phần được chú giao tận nhà, quán cà phê. Số còn lại, chú, người em và người mẹ 80 tuổi sẽ mang đi bán dạo. Bán được mỗi tờ lời 200 - 300 đồng.

ELwOpoFx.jpgPhóng to
Để đưa báo đến tay độc giả, người phụ nữ này đi lấy báo ở nhà in từ lúc 2g sáng - Ảnh: Y.T.
“Chợ đêm”

Chưa đến 1 giờ sáng, vỉa hè đường Lý Chính Thắng bắt đầu nhộn nhịp. Nhiều người đã trải bạt, chuẩn bị mặt bằng cho cuộc họp “chợ báo” sắp bắt đầu. 15 phút sau, từng chồng báo: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Pháp Luật... cao ngất ngưởng, nóng hổi và còn thơm mùi mực được nhân viên chở trên xe máy, ôtô từ các nhà in tụ họp về trước nhà in Lê Quang Lộc (161 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM). Sau khi các chồng báo được tập kết vào vị trí định sẵn trên lề đường, từng tốp người phân loại, lồng trang quảng cáo vào trang nội dung. Đi sâu vào trong nhà in Lê Quang Lộc, không khí làm việc càng hối hả và nhộn nhịp hơn. Ở mỗi góc sân đều có một nhóm người soạn báo, đóng gói, đưa lên xe để chuẩn bị giao lại cho các đại lý nhỏ hơn hoặc các sạp bán báo lẻ.

“Tuấn - Bến Lức: 100 Tuổi Trẻ, 40 Thanh Niên, 70 Pháp Luật; Hạnh - Gò Đen: 120 Tuổi Trẻ, 60 Phụ Nữ...; Hóc Môn: 10 Công An... Buộc cho cẩn thận! Đưa lên xe! Nhanh tay lên không là trễ à nghen!” - giọng người phụ nữ trạc 40 tuổi lanh lảnh. Đó là chị Cao Thị Nguyệt Chi, chủ đại lý báo Trang - An Giang (109 chợ An Lạc, Q.Bình Tân). Hiện số lượng phát hành từ đại lý của chị Chi lên đến khoảng 20.000 tờ/ngày với đủ các loại báo, tạp chí. Trong đó, số lượng phát hành báo Tuổi Trẻ đứng vị trí số 1 với khoảng 3.800 tờ/ngày.

Chị kể: “Gia đình nghèo khó, cách đây hơn 30 năm tôi lặn lội từ Vũng Tàu lên Sài Gòn bán bánh chuối chiên, cóc ổi quanh bến xe Tây Ninh. Một hôm đi ngang bến xe, thấy trên xe có người phát loa quảng cáo trên báo Sài Gòn, Tia Sáng... có nhiều tin tức rất hấp dẫn. Nhiều người xúm lại xem và mua. Bản tính vốn thích đọc sách báo nên tôi nghĩ sao mình không thử đi bán báo. Thế là từ đó tôi bước vào nghề”.

Thời kỳ đó, báo chí được phân phối qua các quận, huyện đoàn nên mua đủ số lượng để bán là chuyện không dễ dàng. Hằng ngày, chị đạp xe hàng chục cây số qua nhiều quận, huyện mới gom được đủ báo cho ngày hôm sau. “Khi ấy, một tuần chỉ ra vài số báo, chứ ngày nào cũng ra như bây giờ chắc tôi chạy cũng không nổi. Công việc tuy vất vả nhưng báo bán rất chạy, lại có thêm thu nhập nuôi sống gia đình nên thấy an ủi được phần nào. Sau này việc mua báo có dễ dàng hơn nhưng ngày nào cũng phải dậy từ 1 giờ sáng để mua báo. Thân gái một mình đi đêm cũng lo, rồi gia đình đổ vỡ nên có lúc tôi tưởng mình không thể gượng dậy nổi và đã nghỉ một thời gian, nhưng vẫn cảm thấy gắn bó với việc bán báo nên quay lại làm tiếp”.

Mặc dù giờ đã xây dựng được một cơ ngơi khá vững chắc, có nhiều nhân viên có thể làm thay công việc cho mình nhưng hằng ngày khoảng 1-2 giờ sáng là chị Nguyệt Chi lại chạy xe lên nhà in Lê Quang Lộc để chỉ đạo kiểm tra công việc đóng gói phát hành của nhân viên.

Những người giữ lửa

“Bán báo y chang như nấu cơm vậy!” - cô Ba, một đại lý của báo Tuổi Trẻ ở Q.10, dí dỏm. Cô giải thích: “Nhanh tay nhanh chân chở về trước thì bán được. Báo mà bán trễ thì y như cơm nguội. Ít ai thích ăn cơm nguội lắm”. Và để giữ cho nồi cơm luôn nóng hổi, ngoài những người bán báo dạo như chú Trí, còn khoảng 250 đại lý cũng thao thức với từng bài viết trên báo và từng cơn mưa nắng.

Chú Quang, 80 tuổi, hơn 20 năm trong nghề phát hành báo (chồng cô Ba), là một trong những người như thế. Cô chú từng muốn “sốt” lên với những sự kiện thể thao, thời sự thế giới phải gọi Tuổi Trẻ in thêm. Đến những ngày mưa bão “ôm” 40 tờ báo ế cân ký bán, phải mang nợ. Có đêm đi chở báo về bị tai nạn giao thông bất tỉnh giữa đường...

Nhưng bù lại, “được mang thông tin nóng hổi đến mọi người vừa thú vị vừa hạnh phúc”. Sạp báo trên đường Hòa Hảo, Q.10 của cô chú còn nổi tiếng bởi cho sinh viên coi “cọp”. “Có sinh viên từng coi “cọp” báo của cô cũng đã trở thành nhà báo nổi tiếng rồi đó” - cô Ba khoe, mặt rạng rỡ. Cũng nhờ sạp báo mà cô chú đã nuôi con cái học hành đỗ đạt nên người...

Cũng trên 20 năm gắn bó với nghề, từ một người bán báo dạo, cô Võ Thị Lựu trở thành đại lý với số báo bán ra trên 20.000 tờ các loại/ngày. Theo từng chặng đường phát triển của Tuổi Trẻ, cô Lựu kể: “Hồi bao cấp mỗi ngày bán được có 3-4 tờ Tuổi Trẻ hà. Năm năm trước, mỗi ngày đại lý tôi bán hơn 4.000 tờ. Hiện nay mỗi ngày bán hơn 5.000 tờ”.

Và cho dù là người bán lẻ, bán dạo hay đại lý, những người làm phát hành báo đều phải chấp nhận sự khắc nghiệt của giờ giấc. Họ phải chấp nhận “lấy đêm làm ngày”. Khắc nghiệt nhất là những lúc bệnh, nhiều người cũng không dám nghỉ ngơi. “Một người phát hành nghỉ như một mắt xích đưa báo đến tay độc giả bị rơi ra. Nên nhiều lúc bệnh cũng phải ráng đi làm” - người phụ nữ độc thân đã bước qua tuổi 54 ngậm ngùi...

YẾN TRINH - QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên