06/04/2017 08:33 GMT+7

Chính sách ưu tiên tuyển sinh ĐH 2017: lưu ý quan trọng

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

​TTO - Cho đến thời điểm này, nhiều thí sinh vẫn còn chưa nắm rõ chính sách ưu tiên trong tuyển sinh ĐH 2017 có những thay đổi gì, cách tính điểm ưu tiên và xác định đối tượng ưu tiên ra sao?

Đông đảo thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ xét tuyển tại một trường ĐH trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 - Ảnh: Như Hùng
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển tại một trường ĐH trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2015 - Ảnh: Như Hùng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga cho biết chính sách ưu tiên trong tuyển sinh vẫn được thực hiện tương đối ổn định so với các năm trước, chỉ có một số điều chỉnh do phải cập nhật theo các quy định hiện hành cho phù hợp.

Cập nhật KV1, bổ sung diện tuyển thẳng trường sư phạm

Trong Quy chế tuyển sinh ĐH 2017, chính sách ưu tiên trong tuyển sinh  ĐH có một số điều chỉnh trong ưu tiên khu vực  so với năm 2016 và các năm trước.

Thay đổi này được đưa ra do Bộ GD-ĐT cập nhật diện hưởng ưu tiên KV1 theo những quy chuẩn mới nhất trong quy định về các xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, một số khu vực trước kia được xác định là KV1 nay đã chuyển thành KV2, nên thí sinh buộc phải hưởng ưu tiên khu vực theo quy định mới.

Bộ GD- ĐT cũng xác định trong tuyển sinh ĐH 2017, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm tương ứng với tổng điểm ba môn (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số ở thang điểm 10.

Ngoài ra, dự thảo quy chế cũng bổ sung quy định mở rộng xét tuyển thẳng với các trường đào tạo sư phạm.

Các trường đào tạo sư phạm có thể mở rộng diện xét tuyển thẳng đối với các học sinh đã tốt nghiệp trường THPT chuyên của các tỉnh vào các ngành phù hợp với môn học chuyên hoặc môn đạt giải nếu đáp ứng điều kiện: ba năm học THPT chuyên của tỉnh đạt học sinh giỏi hoặc đạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi học sinh giỏi do cấp tỉnh trở lên tổ chức và các điều kiện khác do trường quy định trong đề án tuyển sinh của trường.

10 đối tượng được tuyển thẳng ĐH

Bộ GD-ĐT cũng quy định 10 đối tượng được xét tuyển thẳng vào các trường ĐH 2017, cụ thể như sau:

1. Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp trung học.

2. Người đã trúng tuyển vào các trường, nhưng ngay năm đó có lệnh điều động đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong tập trung nay đã hoàn thành nghĩa vụ, được phục viên, xuất ngũ mà chưa được nhận vào học ở một trường lớp chính quy dài hạn nào, được từ cấp trung đoàn trong quân đội hoặc Tổng đội thanh niên xung phong giới thiệu được xem xét nhận vào học tại trường trước đây đã trúng tuyển.

3. Thí sinh tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, trong đội tuyển quốc gia dự cuộc thi khoa học, kĩ thuật quốc tế đã tốt nghiệp trung học được tuyển thẳng vào ĐH theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi của thí sinh. Thí sinh trong đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, dự cuộc thi khoa học, kĩ thuật quốc tế nếu chưa tốt nghiệp trung học sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp trung học.

4. Thí sinh đã tốt nghiệp trung học là thành viên đội tuyển quốc gia, được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu trong các giải quốc tế chính thức, bao gồm: Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Thế vận hội Olympic,

Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, Giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Cúp Đông Nam Á được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐSP thể dục, thể thao (TDTT) hoặc các ngành TDTT của các trường theo quy định của từng trường.

5. ­­Thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc được tuyển thẳng vào học các ngành tương ứng trình độ ĐH, CĐSP của các trường năng khiếu, nghệ thuật theo quy định của từng trường.

6. Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, đã tốt nghiệp trung học, được tuyển thẳng vào ĐH theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải.

Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thí sinh đoạt giải khuyến khích trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, đã tốt nghiệp trung học, được tuyển thẳng vào CĐSP theo đúng ngành hoặc ngành gần của môn mà thí sinh đã đoạt giải.

Thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, đoạt giải trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, nếu chưa tốt nghiệp trung học được bảo lưu sau khi tốt nghiệp trung học.

7. Đối với thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định, hiệu trưởng các trường căn cứ vào kết quả học tập THPT của học sinh (học bạ), tình trạng sức khỏe và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét, quyết định cho vào học.

8. Đối với thí sinh là người nước ngoài, có nguyện vọng học tại các trường ĐH, CĐSP Việt Nam: Hiệu trưởng các trường căn cứ kết quả học tập trung học phổ thông của học sinh (bảng điểm), kết quả kiểm tra kiến thức và năng lực tiếng Việt theo quy định của trường để xem xét, quyết định cho vào học.

9. Thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú), tính đến ngày nộp hồ sơ ĐKXT theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo và Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho 23 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo; thí sinh là người dân tộc rất ít người theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ.

Những thí sinh này phải học bổ sung kiến thức một năm học trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.

10. Người có bằng trung cấp ngành sư phạm loại giỏi trở lên; người có bằng trung cấp ngành sư phạm loại khá có ít nhất 02 năm làm việc theo chuyên ngành hoặc nghề đã được đào tạo, đáp ứng quy định tại Khoản 1 Điều 6 của Quy chế này được tuyển thẳng vào cùng ngành sư phạm trình độ cao đẳng.

Bộ cũng cho phép thí sinh không dùng quyền tuyển thẳng được ưu tiên xét tuyển vào các trường ĐH, CĐSP.

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên