Xe
06/09/2020 21:46 GMT+7

Chính phủ thống nhất để Bộ Công an sát hạch cấp bằng lái xe

THÂN HOÀNG - T.PHÙNG
THÂN HOÀNG - T.PHÙNG

TTO - Đa số thành viên Chính phủ đồng ý với phương án để Bộ Công an báo cáo Quốc hội kiến nghị việc sát hạch, cấp, đổi và thu hồi giấy phép lái xe chuyển từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.

Chính phủ thống nhất để Bộ Công an sát hạch cấp bằng lái xe - Ảnh 1.

Giáo viên Trường CĐ GTVT T.Ư 3 dạy học viên thực hành lái xe trên sa hình tại Trung tâm sát hạch lái xe Q.12, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ngày 6-9, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, Chính phủ vừa có tờ trình dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Một trong những vấn đề gây tranh cãi trong thời gian qua là để Bộ Công an hay Bộ Giao thông vận tải quản lý đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe.

Theo tờ trình, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ quy định các vấn đề về: quy tắc giao thông, đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe; đăng ký và cấp, thu hồi biển số xe cơ giới…

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về trật tự, an toàn giao đường bộ hiện nay, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1: Vấn đề đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Việc thống nhất phương án này được lý giải là để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người.

"Đa số thành viên Chính phủ đồng ý với phương án", nội dung tờ trình nêu.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ký văn bản thể hiện sự đồng ý, thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội phương án trên.

Do có ý kiến khác nên Chính phủ cũng đưa ra trong tờ trình phương án 2 để Quốc hội tham khảo. Cụ thể từ năm 2001 đến nay, công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đã được quy định trong Luật giao thông đường bộ, nghĩa là do Bộ Giao thông vận tải phụ trách và được thực hiện ổn định.

Tuy nhiên, phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ…

Cũng theo tờ trình, dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ còn có những nội dung mới khác như sẽ quy định 1 hạng bằng lái (hạng B) để cấp cho người lái xe ôtô chở người đến 9 chỗ, xe ôtô tải, máy kéo có khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế không vượt quá 3.500kg.

Trong luật này sẽ bỏ quy định bằng lái hạng E, các hạng F. Theo đó, giấy phép lái xe còn 11 hạng gồm: A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE.

Đáng chú ý, Chính phủ đồng ý với đề xuất quy định về điểm của giấy phép lái xe. Theo đó, bằng lái sẽ được cấp 12 điểm trong 12 tháng; nếu bị trừ hết điểm trong thời hạn 6 tháng, tài xế có nhu cầu cấp lại thì phải sát hạch lại. Nếu bằng lái còn điểm thì được phục hồi 12 điểm sau 12 tháng kế tiếp.

Trừ điểm bằng lái sao cho thuyết phục? Trừ điểm bằng lái sao cho thuyết phục?

TTO - Cơ quan soạn thảo Luật bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các chuyên gia đều cho rằng quy định trừ điểm bằng lái sẽ tác động trực tiếp đến ý thức tài xế, hạn chế vi phạm và góp phần giảm tai nạn.


THÂN HOÀNG - T.PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên