“Đường sắt từ thời Pháp để lại chúng ta không làm thêm được kilômet nào mà còn giảm đi” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói - Ảnh: L.K. |
Chúng ta giao cho một đơn vị là Tổng công ty Đường sắt vừa quản lý hạ tầng, vừa phục vụ dịch vụ vận chuyển, tính cạnh tranh không có. Chúng tôi rất muốn tách hạ tầng ra, tiến tới có thể cho thuê ga đường sắt. Hạ tầng do Nhà nước đầu tư, sau đó cho thuê, có tính cạnh tranh |
Thứ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN NGỌC ĐÔNG |
Chiều 12-9, ông Đông đã thay mặt Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật đường sắt (sửa đổi).
Chấm dứt độc quyền của Tổng công ty Đường sắt VN
Theo ông Đông, một trong những lý do sửa đổi luật là để phát triển giao thông vận tải đường sắt theo cơ chế thị trường, tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; tạo lập môi trường hoạt động kinh doanh thông thoáng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.
“Cạnh tranh bình đẳng giữa vận tải đường sắt với các phương thức vận tải khác, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, tăng cường kết nối với các phương thức vận tải sẽ tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước” - ông Đông nói.
Ông Đông khẳng định luật sẽ tạo cơ sở pháp lý để “tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư”.
Trả lời một số vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt ra, Thứ trưởng Đông cho biết hiện nay mỗi năm đường sắt vận chuyển 12-13 triệu tấn hàng hóa, có xu hướng giảm.
Ông cũng cho rằng để nâng cao sức hút, tính hiệu quả của vận tải đường sắt, phải tạo cơ chế đầu tư để kết nối với các loại hình giao thông khác, đặc biệt là cảng biển.
“Tạo kết nối giữa đường sắt và cảng biển như Đình Vũ (Hải Phòng), Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Hướng tới một số tuyến ngắn như Đà Lạt - Trại Mát có 7km, chủ yếu phục vụ du lịch, chúng tôi đang định hướng cho thuê, đấu thầu. Có nhà đầu tư cũng muốn kết nối xuống Phan Rang. Hiện nay một số nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư đóng toa tàu du lịch, sau đó cũng chia sẻ lợi ích với đường sắt” - ông nói.
“Không làm thêm được kilômet nào mà còn giảm đi”
Trình bày về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao, Thứ trưởng Đông cho biết đến nay Bộ GTVT đang tiến hành nghiên cứu dự án tiền khả thi, khoảng năm 2018 sẽ trình Chính phủ thẩm định lại.
“Chúng tôi phấn đấu trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trước năm 2020, như chủ trương xây dựng sân bay Long Thành. Và mong muốn đến năm 2050 xây dựng toàn tuyến đường sắt tốc độ cao” - ông Đông bày tỏ.
“Phía đối tác (Nhật Bản) giúp chúng ta nghiên cứu và đề nghị trước mắt nên xây dựng thí điểm tuyến Sài Gòn - Long Thành, sau đó làm các tuyến ưu tiên là Hà Nội - Vinh, Sài Gòn - Nha Trang trước năm 2030 và tiếp tục kết nối các tuyến”.
Thứ trưởng Đông khẳng định “đường sắt cũ nâng lên tốc độ 80km/giờ thì vẫn cần một tuyến đường sắt tốc độ cao mới để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết mục đích duy trì tuyến đường sắt cũ, đưa từ đường sắt khổ hẹp sang khổ rộng là để kết nối với quốc tế.
“Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ, chúng tôi cũng hình dung ra được rằng trong suốt mấy chục năm chúng ta không huy động được sự đầu tư của doanh nghiệp, đầu tư của nhà nước cũng rất hạn chế. Đường sắt thời Pháp để lại (hơn 3.000km), chúng ta không làm thêm được kilômet nào mà còn giảm đi” - ông Thanh cho hay.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế hi vọng “với xu hướng phát triển vận tải đường sắt, nếu tập trung đầu tư thì sẽ thu hút được nhà đầu tư, bởi theo tính toán với các cung đường 500 - 700km, đường sắt có lợi thế cạnh tranh với các loại hình vận tải khác”.
Tháng 6-2010, siêu dự án đường sắt cao tốc với tổng số vốn đầu tư khái toán khoảng 56 tỉ USD đã được Chính phủ đặt lên bàn nghị sự Quốc hội. Tuy nhiên dự án này đã bị Quốc hội bác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận