09/07/2012 10:11 GMT+7

Chính phủ mới Hi Lạp vượt qua bỏ phiếu tín nhiệm

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - Chính phủ mới gồm liên minh ba đảng Hi Lạp đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm quan trọng ở quốc hội vào rạng sáng 9-7, kết thúc tình trạng bất ổn dẫn tới hai cuộc tuyển cử trong hai tháng.

rcEbyIjW.jpgPhóng to
Thủ tướng Hi Lạp Antonis Samaras - Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói Hi Lạp vẫn còn một hành trình dài để thoát khỏi suy thoái kinh tế.

Theo Hãng tin AFP, tất cả 179 nghị sĩ của ba đảng trong liên minh cầm quyền (Đảng Dân chủ mới có khuynh hướng bảo thủ, Đảng Xã hội chủ nghĩa PASOK và Đảng Trung tả dân chủ cánh tả) đều ủng hộ chính phủ. Bỏ phiếu chống là 121 nghị sĩ của Liên minh cánh tả cấp tiến (Syriza), Đảng Cánh dân tộc cánh hữu những người Hi Lạp độc lập, Đảng Cực hữu bình minh vàng và Đảng Cộng sản.

Trong bài phát biểu trước cuộc bỏ phiếu, Thủ tướng Hi Lạp Antonis Samaras nói bất chấp khác biệt về lập trường chính trị, ba đối tác trong liên minh cầm quyền có chung mục tiêu giữ đất nước trong khối sử dụng đồng euro và đưa Hi Lạp ra khỏi cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử, đã sang năm thứ năm liên tiếp.

Quý hai vừa rồi chứng kiến sụt giảm GDP lớn nhất từ trước tới nay ở Hi Lạp, -9,1% so với cùng kỳ năm 2011. Kinh tế Hi Lạp dự kiến suy thoái ở mức -6,7% trong cả năm nay, cao hơn so với mức -4,5% dự đoán ban đầu.

Ông Samaras cũng chĩa mũi dùi về phía Syriza, cáo buộc đảng này tìm cách chia rẽ đoàn kết và cải cách cũng như loại Hi Lạp khỏi khối đồng euro. Liên minh cầm quyền hiện đang tìm cách thuyết phục những chủ nợ của Hi Lạp ở Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cung cấp thêm viện trợ trong ba năm để Hi Lạp thực hiện những biện pháp “thích nghi tài khóa”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng tài chính Yannis Stournaras cảnh báo Hi Lạp đã nhận quá nhiều viện trợ từ quốc tế với các điều khoản quá ưu đãi đến mức họ khó lòng có thể ngửa tay xin thêm. “Khu vực đồng euro và cộng đồng quốc tế đã cung cấp cho Hi Lạp, cả bằng các khoản vay và viện trợ, tổng cộng 500 tỉ euro (614 tỉ USD), tương đương hơn 250% GDP của chúng ta” - Stournaras nói ngày 8-7. “Các khoản vay có lãi suất 3,5% với thời hạn vay rất dài… Không có khoản tiền đó, mức sống của chúng ta đã rơi lại mức năm 1960”.

Những chủ nợ của Hi Lạp cũng cảnh báo nước này rằng một số chương trình hành động đã diễn ra quá chậm trễ. Ngày 20-8 tới, Hi Lạp sẽ phải kiếm ra 3,26 tỉ euro (4 tỉ USD) để trả một đợt trái phiếu chính phủ đáo hạn và nhiều khả năng họ lại phải xin viện trợ nếu không muốn tuyên bố vỡ nợ.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên