23/06/2013 05:08 GMT+7

Chính khách và mạng xã hội

ĐÔNG PHƯƠNG - TRƯỜNG SƠN
ĐÔNG PHƯƠNG - TRƯỜNG SƠN

TT - Ngày càng nhiều nhà chính trị ở châu Á thích ứng với sự phát triển của mạng xã hội. Họ thậm chí tận dụng kênh thông tin này để tuyên truyền chính sách của mình.

kEv350pC.jpgPhóng to
Trẻ em ở châu Á giờ đây tiếp xúc với thiết bị số và mạng sớm như trẻ ở các nước phát triển khác - Ảnh: Reuters

Từ khi viết weibo (một trang mạng xã hội tương tự như Twitter), thị trưởng thành phố Côn Minh (Trung Quốc) Lý Văn Vinh được cư dân mạng ủng hộ nồng nhiệt. Báo Thanh Niên Trung Quốc cho biết điều này chứng tỏ người dân có nhu cầu rất lớn trong việc tiếp xúc trực tiếp với các quan chức. Một cư dân mạng lấy biệt danh “caomingweiyu” bình luận: “Thị trưởng đi tiên phong trong việc đăng ký weibo, chủ động lắng nghe tiếng nói của người dân, tích cực giao tiếp với người dân là một việc làm hết sức dũng cảm và đáng trân trọng”.

Không thấy mặt mà vẫn gần dân

"Khi chính phủ xử lý các sự kiện phát sinh, muốn giải quyết nhanh thì càng cần phải công khai. Các quan chức và người dân dường như lúc nào cũng có một hố ngăn cách tự nhiên, hai bên cần tạo ra một kênh giao tiếp. Cần hiểu ý nguyện của người dân, giải quyết cho bằng được những vấn đề mà người dân đang bức xúc"

ÔNG CHƯƠNG KIẾM (chủ tịch huyện Hải Diêm, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc)

Trung Quốc mới đây vừa công bố “Báo cáo nghiên cứu về sự phát triển của mạng xã hội weibo trong năm 2012-2013”. Theo báo Thanh Niên Trung Quốc, tính đến nửa đầu năm 2013, hai trang weibo lớn nhất Trung Quốc là Sina weibo và Tencent weibo đã có tổng cộng hơn 1 tỉ tài khoản đăng ký sử dụng.

Phó giám đốc Sở Cảnh sát tỉnh Thiểm Tây Trần Lý nhận định: “Mạng xã hội đã thay đổi tình hình của đất nước, của đảng và của người dân một cách sâu sắc”. Ông Trần là một trong những quan chức đầu tiên ở Trung Quốc tham gia mạng xã hội và hiện là một trong những quan chức có tầm ảnh hưởng nhất đối với cư dân mạng.

Vị lãnh đạo cảnh sát lý giải: “Trong xã hội truyền thống, các quan chức cấp trên của đảng và chính phủ thường nắm tình hình từ các cơ quan cấp dưới. Kênh thông tin này thường từ một chiều, lúc nào cũng chỉ báo tin vui chứ chẳng bao giờ báo những điều đáng lo ngại, báo công mà không báo tội. Do vậy các cơ quan cấp trên chẳng thể nào hiểu được tình hình thực tế”. Theo ông, mạng xã hội có thể bù đắp được khuyết điểm này, tạo sự đa chiều trong giao tiếp giữa cấp trên và cấp dưới, từ đó người dân có thể trực tiếp bày tỏ ý kiến với cơ quan hoặc lãnh đạo nhà nước một cách nhanh nhất.

Tuy nhiên, sau những hồ hởi ban đầu, không ít thách thức đã lộ diện. Bởi việc tạo ra một không gian giao lưu với người dân đòi hỏi quan chức phải thật sự biết lắng nghe và hết mình vì công việc. Không ít quan chức vì liên tục nhận được thư phản ảnh của người dân đã đành phải giã từ weibo “cho rảnh nợ” hoặc đặt weibo trong trạng thái “treo” vô thời hạn.

Ông Trương Xuân Hiền khi còn là bí thư khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương là một ví dụ điển hình. Ông gia nhập weibo từ ngày 2-3-2011. Chỉ trong vài ngày, số lượng người theo bí thư Trương đã lên đến 300.000. Nhưng chỉ sau 16 ngày gây ra “cơn sốt” trên mạng, ông Trương đành cáo từ cư dân mạng với lý do “công việc bận rộn, việc kiên trì trong thời gian dài gặp rất nhiều khó khăn”.

Dùng mạng xã hội để tranh cử

Không đến mức rầm rộ như Trung Quốc, nhưng lượng chính khách tiếp cận với mạng xã hội và tận dụng kênh này cho các chiến dịch tranh cử ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, cũng đang ngày càng gia tăng.

Cuộc bầu cử thống đốc Jakarta hồi tháng 9 năm ngoái là minh chứng cho sức mạnh của mạng xã hội với chính trường, và sẽ còn được xem như là kiểu mẫu cho các cuộc bầu cử sau này, báo The Citizen bình luận. Ông Joko Widodo (thường gọi là Jokowi), cựu thị trưởng thành phố Solo (bang Trung Java), trở thành thống đốc Jakarta sau khi đánh bại thống đốc đương nhiệm Fauzi Bowo bằng những hoạt động tranh cử “không giống ai”.

Hiệp hội Quan hệ công chúng quốc tế mô tả trong báo cáo ngày 20-2: “Thay vì chỉ trông vào việc rải tờ rơi và hô khẩu hiệu, chiến dịch tranh cử của Jokowi hoàn toàn dựa trên mạng xã hội với điểm nhấn là một video chiếu cảnh ông hát lại ca khúc nhạc teen đình đám What makes you beautiful được lan truyền trên YouTube”. Ông Jokowi cũng mở một trang dành cho người hâm mộ trên Facebook, và số lượng người theo dõi ông đã lên đến 18.712 người trong ngày bầu cử, so với con số 2.862 khiêm tốn của ông Fauzi Bowo.

Jokowi vẫn giữ trang Facebook của mình sau khi đắc cử, và số lượng “fan” đến nay đã là 181.861 người. Ông cũng tận dụng triệt để YouTube để chia sẻ các video clip vận động tranh cử cũng như các chương trình hành động cho thành phố Jakarta.

Báo The Citizen dẫn lời Sony Subrata, cựu cố vấn tranh cử cho Chính phủ Jakarta: “Jokowi là chính trị gia Indonesia đầu tiên thật sự thông hiểu mạng xã hội. Nhưng ông không phải là người duy nhất vì các chính trị gia khác cũng đang tìm hiểu mạng xã hội một cách nghiêm túc”.

Khoảng 67 triệu người Indonesia sẽ đủ tuổi đi bầu vào năm tới và thói quen sử dụng mạng xã hội của họ chắc chắn sẽ có tác động đến các chiến dịch tranh cử.

Các chính trị gia Ấn Độ cũng đang mong dựa vào mạng xã hội, do có 78 triệu người dân nước này sử dụng Facebook, theo nghiên cứu công bố gần đây của Hiệp hội Internet và di động Ấn Độ (IAMAI) và Quỹ IRIS Knowledge Foundation.

Hai tổ chức này đã xếp 160 trong số 543 khu vực bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử Ấn Độ năm 2014 vào nhóm có “nguy cơ cao” bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội. “Những khu vực bầu cử trong nhóm này có số người sử dụng Facebook nhiều hơn số phiếu chênh lệch đã giúp ứng viên chiến thắng trong cuộc bầu cử bang Lok Sabha vừa rồi, hoặc có hơn 10% cử tri có dùng Facebook” - báo cáo của IAMAI giải thích.

Theo IAMAI, đảng Bharatiya Janata (BJP) là chính đảng đầu tiên tiếp xúc với cử tri thông qua mạng xã hội bằng cách mở tài khoản trên Facebook, Twitter và YouTube. Ông Narendra Modi, 62 tuổi, bí thư Đảng BJP, được cho là sẽ chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm tới, có đến gần 2 triệu người theo dõi trên Facebook. Đảng Quốc Đại cũng không chịu thua kém, khi Bộ trưởng liên bang về phát triển nguồn nhân lực Shashi Tharoor, một chính khách nổi tiếng của đảng này, cũng có đến 1,8 triệu người theo dõi trên Twitter.

Tuy tập trung vào các mạng xã hội, các chính khách Ấn Độ cũng hiểu rằng đó không phải là con đường chắc chắn đưa họ đến chiến thắng. Báo cáo IAMAI trích lời ông Shashi Tharoor thừa nhận dù ông có thể tiếp xúc với hàng triệu người trên mạng xã hội, nhưng các cử tri ở chính khu vực bầu cử của ông lại không có tài khoản Twitter. “Tôi có quá nhiều người theo dõi trên mạng, nhưng họ sẽ không thể lật ngược kết quả bầu cử” - ông nhìn nhận.

ĐÔNG PHƯƠNG - TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên