Ngày 16-4, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ (1834) - 190 năm nhìn lại".
Theo nhiều chuyên gia, đây là chiến công lừng lẫy chống ngoại xâm nhưng chưa được đánh giá đúng tầm vóc lịch sử, sách giáo khoa, giáo trình giảng dạy chưa đề cập đến.
Ông Huỳnh Minh Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho rằng hội thảo với mong muốn giới khoa học lịch sử cả nước thống nhất đánh giá về tầm vóc, ý nghĩa, giá trị lịch sử của chiến thắng, xứng đáng được ghi nhận một cách trân trọng vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
GS.TS Võ Văn Sen - ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, ủy viên thường vụ Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - chia sẻ chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ đầu năm 1834 trên địa bàn hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp là chiến công lừng lẫy chống ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền quốc gia lãnh thổ của vương triều Nguyễn.
"Trong thực tế mấy chục năm gần đây, không có một bộ thông sử quốc gia, một cuốn giáo trình đại học hay một tập sách giáo khoa lịch sử phổ thông nào chính thức đề cập đến chiến thắng này như một dấu mốc quan trọng của lịch sử đất nước.
Theo đề án Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã khẳng định chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ là "một trong những chiến công lừng lẫy trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam ta", ông Sen nói.
Hội thảo công bố tài liệu gồm 45 báo cáo của 55 tác giả, chuyên gia đầu ngành. Trong đó trình bày:
Bối cảnh lịch sử và các nguồn tư liệu; trận chiến Vàm Nao - Cổ Hũ đầu năm 1834; vị trí, ý nghĩa và tầm vóc lịch sử của chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ.
Trong một ngày diễn ra hội thảo, các chuyên gia đã có phần trao đổi chủ yếu nhấn mạnh không gian chiến trường, diễn biến chiến trận và đánh giá vai trò, vị trí, tầm vóc của chiến thắng Vàm Nao - Cổ Hũ không chỉ trong cuộc kháng chiến chống quân Xiêm năm 1834, trong lịch sử vương triều Nguyễn mà còn trong toàn bộ tiến trình lịch sử đất nước và những ảnh hưởng, tác động trong các mối quan hệ khu vực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận