16/03/2013 09:01 GMT+7

Chiến lược phát triển bóng đá VN: Hay nhưng không dễ

K.XUÂN ghi
K.XUÂN ghi

TT - Đây là nhận định của ông Nguyễn Hồng Thanh, chủ tịch CLB Sông Lam Nghệ An (SLNA), về chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020, tầm nhìn 2030 mà Thủ tướng vừa phê duyệt.

Theo ông Thanh: “Nếu Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch không cùng với Bộ Giáo dục - đào tạo đưa bóng đá vào trường học thì có làm cách nào cũng không có “mầm” để các CLB tuyển chọn lực lượng. Hằng năm, SLNA thường đi tìm, tuyển chọn cầu thủ từ các giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng, giải bóng đá tại các trường tiểu học để đào tạo cho các tuyến. Nhưng nếu trường học còn thiếu chỗ để học sinh đá bóng thì không có điều kiện để đãi cát tìm vàng.

Dù kinh phí khó khăn nhưng hằng năm SLNA vẫn giành 25% kinh phí cho công tác đào tạo trẻ. Từ cuối những năm 1990 đến nay, dù là CLB cung cấp nhiều cầu thủ cho các đội tuyển quốc gia nhất nhưng SLNA chưa bao giờ được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) giúp đỡ từ cơ sở vật chất, HLV, chi phí đào tạo...

Khi có tiền từ Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) hay Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC)... tiền đó rót đến đâu mà SLNA không được thụ hưởng? Điều này không động viên được công tác đào tạo trẻ tại các địa phương và CLB. Vì vậy, theo tôi, chiến lược thì hay đấy nhưng để làm được chẳng phải chuyện dễ”.

HLV Phan Thanh Hùng (Hà Nội T&T) cho rằng mục tiêu đào tạo cầu thủ trẻ hơi cao so với thực tế hiện nay. Ông Hùng phân tích: “Theo tính toán của tôi, một CLB có đầy đủ hệ thống đào tạo trẻ từ U-11, U-13, U-15, U-17 sẽ có khoảng 150 VĐV (trung bình mỗi U có 25-30 em). Trên cơ sở hiện nay cả nước có 20 CLB chuyên nghiệp (12 CLB V-League, 8 CLB hạng nhất), nhân lên thì số lượng VĐV trẻ tối đa là 3.000 VĐV được đào tạo tập trung hoặc bán tập trung. Tuy nhiên đó chỉ là con số thống kê cơ học bởi hiện nay chỉ có một số ít CLB chuyên nghiệp có đầy đủ hệ thống đào tạo trẻ từ U-11 trở lên như: Hà Nội T&T, SHB Đà Nẵng, SLNA, Đồng Tháp, Gia Lai... Do đó nếu đề ra mục tiêu có 4.000 VĐV trẻ được đào tạo vào năm 2020 và con số đó từ năm 2020-2030 là 6.000 VĐV như chiến lược đề ra thì hơi cao so với thực tế hiện nay”.

Một số chỉ tiêu của chiến lược

Giai đoạn 2012-2020: đội tuyển nam lọt vào top 15 châu Á, đội tuyển nữ vào top 6 châu Á. Số lượng CLB bóng đá phong trào năm 2020 là 7.500 CLB. Số VĐV trẻ được đào tạo tập trung từ U-11 đến U-18 là 4.000 VĐV/năm.

Giai đoạn 2021-2030: bóng đá nam đứng top 10 châu Á, bóng đá nữ đứng trong top 6 châu Á. Số lượng VĐV trẻ từ U-11 đến U-18 đào tạo tập trung đạt trên 6.000 VĐV. Số lượng CLB bóng đá phong trào là 12.000 CLB vào năm 2030. Đưa môn bóng đá và futsal vào trường học các cấp. Phát triển mạng lưới các CLB bóng đá trường học đến năm 2020 đạt trên 1 triệu hội viên. Hình thành học viện bóng đá tại các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Xây dựng dự án học viện bóng đá tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM...

mu2k32gm.jpgPhóng to
Sẽ rất khó thực hiện những chỉ tiêu đào tạo cầu thủ trẻ như chiến lược đề ra - Ảnh: CTV
K.XUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên