Phóng to |
Báo Le Monde mô tả: mọi việc diễn ra chớp nhoáng, chỉ trong vài giây. Tại một ga tàu điện ngầm, khi một thanh niên vừa bước khỏi tàu, chó nghiệp vụ đang ở gần đó với một nữ cảnh sát đã ngửi thấy mùi ma túy. Lập tức hai đặc vụ mặc quần jean áo pull bất ngờ ập tới chụp lấy hai cánh tay của anh ta. Quá bất ngờ, anh ta không kịp phản ứng gì.
Chỉ trong đêm 24-2, lực lượng cảnh sát đã bắt hơn 110 đối tượng, trong đó 10 người tàng trữ các loại ma túy “hạng A” như heroin, cocaine, tại khu Shoreditch, bắc London.
Chiến dịch “Fallon” của Scotland Yard được xây dựng trên ý tưởng “cảnh sát toàn diện” của tân giám đốc Scotland Yard Bernard Hogan-Howe, nhậm chức từ tháng 9-2011. “Tôi muốn biến lực lượng cảnh sát thủ đô thành lực lượng giỏi nhất thế giới, khiến bọn tội phạm phải khiếp sợ. Tôi muốn xây dựng niềm tin của người dân vào cảnh sát” - trang Metro.co.uk dẫn lời ông Berrnard Hogan-Howe tuyên bố.
Tấn công toàn diện
Theo chiến dịch này, cứ mỗi tháng hai lần cảnh sát London lại tập trung truy quét với quy mô lớn và đánh mạnh vào một hình thức tội phạm cụ thể, có thể huy động đến 5.000 cảnh sát cùng lúc. Có khi mục tiêu là những quán bar, câu lạc bộ đêm bán rượu lậu, xe không đăng ký bảo hiểm, trộm cướp. Chẳng hạn, tại khu vực Brick Lane phía đông London, cảnh sát đã lục soát quy mô vào giữa tháng 1-2012 với sự hỗ trợ của chó nghiệp vụ để truy quét ma túy và các loại tội phạm đường phố.
Trong những chiến dịch quy mô này, cảnh sát London mỗi lần đều nhắm đến một tình hình chung hơn. Bởi lẽ các loại tội phạm thường có liên quan với nhau, như ma túy thường gắn với những loại tội phạm khác - như bọn cung cấp ma túy - trong khi những người sử dụng ma túy lại thường là nạn nhân của nạn cướp giật, tấn công. “Trong 80% các trường hợp xe không có bảo hiểm, tài xế thường đã có tiền án” - Metro.co.uk dẫn lời ông Stephen Watson, người chỉ huy các cuộc đột kích quy mô này, cho biết.
Do các cuộc “thanh lọc” này, trong thời gian ngắn tỉ lệ tội phạm đã giảm mạnh tại nhiều khu vực. Theo ông Bernard Hogan-Howe, thà đánh tập trung còn hơn là “pha loãng” sức lực của cảnh sát, điều này gây được tác động và có sức răn đe.
Ông cũng khẳng định chiến lược này đã thành công ở Liverpool, nơi ông từng lãnh đạo từ năm 2005 - 2009. Tuy nhiên, có ý kiến hoài nghi hiệu quả của chiến dịch về lâu dài bởi thủ đô London lớn và phức tạp hơn Liverpool rất nhiều.
Báo Le Monde cho biết còn quá sớm để nói lời chúc mừng, “ông trùm cảnh sát Anh này sẽ còn phải đưa ra những bằng chứng thuyết phục của mình”.
Nỗi lo bị kiểm soát
Ông Bernard Hogan-Howe nhấn mạnh lực lượng cảnh sát hiện đại cần phải biết thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn là chỉ biết phát hiện và ngăn chặn tội phạm. Theo ông, cảnh sát toàn diện bao gồm “một cuộc chiến toàn diện chống tội phạm”, “chăm sóc toàn diện cho nạn nhân (trong các vụ phạm tội)” và hoàn toàn chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, dư luận Anh cho rằng cần đưa ra những giới hạn về mức độ can thiệp của cảnh sát trong xã hội. Việc cảnh sát mở một “cuộc chiến” toàn diện đối với nhiều vấn đề khác nhau với nhiều kiểu chiến lược khác nhau có thể gây nên “nỗi lo sợ bị kiểm soát” theo kiểu “cảnh sát trị”. “Sự có mặt của quá nhiều cảnh sát, việc cảnh sát giám sát chúng ta từ các tòa nhà cao tầng, quay phim mọi di chuyển của chúng ta và đưa cảnh sát chìm trà trộn vào đám đông đang tạo nên một không khí đe dọa và sợ hãi” - báo Guardian dẫn lời công dân Izzy Koksal, sống ở London, lo ngại.
Nhiều người dân London cho rằng chiến dịch “cảnh sát toàn diện” đang biến các cuộc biểu tình hợp pháp thành tội phạm. “Cảnh sát toàn diện nghe khá đáng sợ, đặc biệt là xét về các phản ứng của cảnh sát đối với các cuộc biểu tình chống cắt giảm ngân sách. Đã đến lúc cần quyết định chúng ta muốn cảnh sát bảo vệ ai” - một người dân London nhấn mạnh.
“Cảnh sát tương lai cần cân nhắc can thiệp ít hơn nhưng hiệu quả nhiều hơn, bao gồm ít cảnh sát hơn nhưng có nhiều kỹ năng hơn để giải quyết các vấn đề xã hội” - Guardian nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận