Kỳ 1: Kế hoạch X-1 Kỳ 2: Kỳ 2: MiG-21 vào trận Kỳ 3: Trận chiến của các “ách”
Phóng to |
Phi công anh hùng Trần Hanh, trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 921, tại sở chỉ huy - Ảnh tư liệu |
MiG-21 liên tiếp rơi
Ngày 2-1-1967, chủ trì kíp trực tại Trung đoàn 921 là trung đoàn trưởng Trần Mạnh, phó trung đoàn trưởng Đỗ Hữu Nghĩa, trực ban dẫn đường Lê Thành Chơn, Lê Thiết Hùng. Vào buổi trưa, khi phát hiện nhiều tốp mục tiêu bay vào hướng Phú Thọ, có thể sẽ đánh Hà Nội, Trung đoàn 921 xin xuất kích.
Lúc 13g46, biên đội MiG-21 thứ nhất, gồm Vũ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Đăng Kính, Bùi Đức Nhu. Tất cả bốn chiếc MiG đều đeo tên lửa R-3S cất cánh, xuyên mây lên Phù Ninh thì gặp tốp bốn chiếc F-4 từ Phú Thọ vào, biên đội bám theo đến phía tây sân bay lại gặp bốn chiếc F-4 khác. Số 1 Vũ Ngọc Đỉnh tăng lực đuổi theo, tốp F-4 lập tức cơ động đan chéo rất quyết liệt khiến Đỉnh không có điều kiện phóng được tên lửa. Khi Đỉnh quyết định vòng trái quay về, thấy hai chiếc F-4 phía sau đã phóng tên lửa, Đỉnh không kịp cơ động tránh, máy bay bị trúng tên lửa chấn động mạnh không điều khiển được, Đỉnh quyết định nhảy dù.
Số 3 Kính sau khi phát hiện tốp bốn chiếc F-4 khác đã quyết định bám theo, bốn chiếc F-4 tăng tốc kéo cao. Một phi công trong đội hình Ford đã thông báo cho số 1/Olds biết có MiG xuất hiện. Đại tá Olds bám theo, phóng ra hai quả tên lửa Sparrow và một quả Sidewinder về phía chiếc MiG-21. Chỉ trong tích tắc, chiếc MiG của Kính bị chấn động mạnh, anh biết máy bay đã bị trúng tên lửa nên quyết định nhảy dù. Theo mô tả các tình tiết của trận đánh, nhiều khả năng chiếc F-4C do đại tá Robin Olds điều khiển đã phóng ra hai quả AIM-7 nhưng không trúng mục tiêu, sau đó R.Olds đã chuyển công tắc sang tên lửa nhiệt (heat) và phóng ra quả AIM-9B, quả tên lửa này đã nổ bên cạnh máy bay của Kính.
Hai chiếc MiG-21 số 2 và số 4 sau khi bị mất đội với số 1 và số 3 đã đuổi theo và quần nhau với các máy bay F-4, nhưng do phía F-4 số lượng đông, liên tục phóng tên lửa nên cả hai phi công cũng đã bị trúng tên lửa. Như vậy, đội hình MiG-21 sau khi lên khỏi mây đã bị kẹp vào giữa, cả bốn chiếc đều trúng tên lửa của đối phương.
Phóng to |
Những phi công trẻ của không quân VN những năm 1960 - Ảnh tư liệu |
Lúc 13g55, sở chỉ huy lệnh cho biên đội thứ hai gồm Nguyễn Ngọc Độ, Đặng Ngọc Ngự, Đồng Văn Đe và Nguyễn Văn Cốc cất cánh (hai chiếc MiG-21 của Ngự và Cốc đeo rocket). Sau khi lên khỏi mây, biên đội đang bay độ cao 3.000m, Đe hô phát hiện mục tiêu, vòng trái gấp. Lúc này số 1 Độ cũng phát hiện mục tiêu, vứt thùng dầu phụ, vòng trái. Sau khi vòng một vòng, Độ thấy F-4 bắn hai phát tên lửa về phía đội hình MiG, Độ quyết định bám theo hai chiếc phía trước, đến cự ly 2.000m điểm ngắm ổn định, Độ ấn nút phóng một quả tên lửa, nhưng sau khi phóng thấy máy bay xoay nghiêng và mất độ cao, Độ quyết định nhảy dù và tiếp đất ở thôn Nam Liên, Sơn Dương, Tuyên Quang. Trong khi đó các số 2,3,4 của biên đội MiG thứ hai đã quần nhau với F-4 rất quyết liệt, nhưng cả hai phía đều không chiếm được vị trí để không kích, cả ba chiếc MiG-21 đành quay về sân bay.
Bài học sau chiến dịch Bolo
5 chiếc MIG-21 bị bắn rơi. Một tổn thất lớn.
Trận này phía không quân Mỹ đã thực hiện có thể nói là thành công chiến dịch Bolo. Tuy nhiên, không quân VN không giấu giếm thất bại mà qua trận này (và trận sau đó ngày 6-1) đã quyết định dừng bay MiG-21 đến ngày 23-4-1967, rút kinh nghiệm rất nghiêm túc, chỉ ra nguyên nhân, bài học và tìm ra phương án đối phó với các thủ đoạn chiến thuật mới của không quân Mỹ, sẵn sàng cho các trận đánh tiếp theo.
Bài học là gì?
Trận ngày 2-1-1967, không quân Mỹ triển khai chiến dịch Bolo rất bài bản, giữ bí mật ý đồ tác chiến nên đã gây bất ngờ cho không quân VN. Các phi công Mỹ tham gia trận không chiến được tập trung nghiên cứu kỹ mọi chi tiết của chiến dịch, cách sử dụng các thiết bị tác chiến điện tử, cách nghi binh, sử dụng vũ khí. Để nghi binh đánh lạc hướng hệ thống rađa của miền Bắc VN, không quân Mỹ sử dụng kết hợp bố trí đội hình (đội hình bay, thời gian cất cánh, tốc độ, độ cao) và các thiết bị tác chiến điện tử, gây nhiễu (máy bay F-4 đeo khối ECM Pod với thiết bị gây nhiễu QRC-160 Jamming Pod, giống các máy bay F-105). Khi chiến dịch bắt đầu, các máy bay tiêm kích Mỹ bay trực chiến trên mây ngay trên vùng trời sân bay, sẵn sàng tấn công khi các máy bay MiG-21 mới xuyên mây lên chưa tập hợp xong đội hình.
Phía không quân VN, sau những trận thắng lợi cuối tháng 12-1966 của MiG-21, đã không nắm được ý đồ của địch, lại có tư tưởng nóng vội muốn phát huy tiếp các chiến thắng của tháng 12-1966 bằng cách đánh chặn các tốp cường kích. Nhưng các tốp F-4 của đại tá R.Olds đã bay vào ở độ cao thấp khiến rađa của Bắc VN không phát hiện được, khi qua dãy Tam Đảo đã triển khai bay phục kích MiG-21 ở ngay hai đầu sân bay trước khi các tốp F-4 với cấu hình giống F-105 bay vào. Khi MiG-21 cất cánh để đi đánh chặn đã bị phục kích bất ngờ, chịu tổn thất ngay khi mới cất cánh lên.
Đây cũng là bài học về công tác tình báo và hoạt động cảnh báo của hệ thống rađa, cũng như đánh giá đúng những thay đổi trong ý đồ chiến thuật của không quân Mỹ. Theo nhận xét của một số tài liệu của không quân VN thì nguyên nhân là do “không nắm được ý đồ của địch, cho cất cánh chậm, lại có tư tưởng nóng vội nên chỉ trong hai ngày 2-1 và 6-1, Trung đoàn 921 xuất kích ba biên đội, không bắn rơi địch, ta tổn thất bảy máy bay và một phi công hi sinh...”. Một tài liệu khác thì đánh giá nguyên nhân: “... Chúng ta không phát hiện ra chúng đã chiếm độ cao ưu thế. Đây là bài học lớn cho công tác nắm địch, không những cho cán bộ chỉ huy các cấp mà cho cả đội ngũ phi công, dẫn đường, sĩ quan tham mưu của ta, khi máy bay ta mới cất cánh xuyên mây lên, chưa kịp tập hợp đội hình, tốc độ còn chậm, khó cơ động, lại bị bất ngờ không tránh được tên lửa địch, vì vậy tổn thất khó tránh...”.
“... Không hiểu sao thời tiết ngày 2-1 lại có vẻ bất lợi cho ta khi mây dày, đáy 200 và trần mây là 600, dễ cho không quân Mỹ thực hiện ý đồ che giấu lực lượng để đón lõng MiG trên mây. Do ta không nắm được ý đồ của địch nên sau khi cất cánh lên xuyên mây, cả 4 chiếc đều bị bắn rơi, bốn phi công nhảy dù an toàn. Chắc do phía Mỹ giữ bí mật tuyệt đối ý đồ đánh trận này nên các thông tin tình báo về thủ đoạn chiến thuật của Mỹ ta không nắm được nhiều. Dù sao qua trận này cũng rút được kinh nghiệm, có điều cả bốn anh em đều khỏe, vài hôm sau lại tham chiến được”. |
_________________
Kỳ tới: Ngày dài nhất
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận