22/12/2013 06:02 GMT+7

Kỳ 2: MiG-21 vào trận

TS NGUYỄN SỸ HƯNG và nhóm tác giả
TS NGUYỄN SỸ HƯNG và nhóm tác giả

TT - Sau khi MiG-21 được trang bị cho Trung đoàn 921, các phi công VN đã tích cực tập luyện để nắm vững kỹ thuật điều khiển và chiến đấu với máy bay mới. Để chuẩn bị tốt cho MiG-21 xung trận lần đầu, Bộ tư lệnh quân chủng đã quyết định tạo điều kiện để MiG-21 đánh thử vài trận nhằm rút kinh nghiệm không chiến.

Kỳ 1: Kế hoạch X-1

Đối tượng tác chiến cho những trận đầu này tốt nhất là máy bay cường kích hoặc máy bay trinh sát không người lái. Vinh dự trận đầu xuất kích trên MiG-21 đã được bộ tư lệnh trao cho phi công Nguyễn Hồng Nhị - đoàn trưởng đoàn học bay MiG-21 đầu tiên của Không quân VN. Phi công Nguyễn Đăng Kính trực dự bị.

Phát tên lửa đầu tiên

Tại sở chỉ huy Trung đoàn 921, trung đoàn trưởng Đào Đình Luyện và phó trung đoàn trưởng Trần Mạnh chủ trì kíp trực.

Thời cơ cho MiG-21 xuất trận lần đầu đã đến. Từ ngày 3-3-1966, không quân Mỹ lợi dụng thời tiết tốt liên tục cho máy bay trinh sát không người lái tầng cao vào các khu vực ngoại vi Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Dương với thủ đoạn mới là dùng nhiều tốp hai chiếc vào từ nhiều hướng khác nhau. Lúc 13g53, ngày 4-3-1966, khi rađa phát hiện tốp máy bay trinh sát tầng cao bay vào khu vực Việt Trì, Thái Nguyên, đường số 1 và hướng ra phía đông bắc, bộ tư lệnh lệnh cho phi công Nguyễn Hồng Nhị cất cánh. Tuy nhiên, khó khăn cho phi công MiG-21 lần đầu xuất kích là máy bay không người lái bay ở độ cao trên 18.000m, tại độ cao đó tính năng điều khiển máy bay rất kém.

Chiếc MiG-21 đầu tiên về VN tháng 12-1965 và tham gia chiến trận đầu tiên ngày 4-3-1966. MiG-21 được sản xuất và đưa vào sử dụng ngày 14-2-1965. MiG-21 được coi là chiến đấu cơ thành công nhất trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Mặc dù trước đó, trong chiến tranh Trung Đông, các phi công Ai Cập và Syria đã không thành công với MiG-21, nhưng khi về VN MiG-21 đã nhanh chóng được các phi công VN làm chủ và đã chiến thắng trong rất nhiều cuộc không chiến. Trong cuốn Vietnam air war debrief, các chuyên gia quân sự Mỹ đã đánh giá rất cao Mig-21 dù có tầm bay không xa và rất khó khi học bay.

Trong chiến tranh VN, các phi công MiG đã bắn rơi 174 máy bay Mỹ các loại, trong đó có cả B-52, đã có 56 phi công MiG VN bắn rơi máy bay Mỹ, 18 người bắn rơi 4 chiếc trở lên, trong đó phi công Nguyễn Văn Cốc bắn rơi 9 chiếc.

Lúc 13g55, sở chỉ huy lệnh cho phi công Nhị vào cấp 1, đến 14g01 lệnh cất cánh ngay. Sau khi cất cánh, phi công Nhị bay hướng 270 độ, khi lên đến độ cao 6.000m, Nhị xin phép bỏ thùng dầu phụ. Sau khi qua mức 8.000m, sở chỉ huy lệnh mở tăng lực toàn phần lấy tốc độ M 1,8 và lên độ cao 18.000m. Do điều khiển máy bay trên độ cao 18.000m rất khó, phi công Nguyễn Hồng Nhị phải tính toán và điều khiển máy bay rất chính xác để đạt được độ cao và tốc độ cần thiết. Lúc này sở chỉ huy cho bay hướng 90 độ và thông báo mục tiêu cách 60km. Sau đó giây lát, phi công Nguyễn Hồng Nhị đã phát hiện bên trái 40km có vệt kéo khói, anh phán đoán đó là mục tiêu và quyết định bám theo. Khi đến gần, Nguyễn Hồng Nhị đã nhận ra đó là máy bay không người lái, cánh dài và vểnh lên.

Thời điểm lúc 14g21 ngày 4-3-1966 đã đi vào lịch sử của Không quân nhân dân VN khi phi công MiG-21 Nguyễn Hồng Nhị ấn nút phóng quả tên lửa thứ nhất tiêu diệt chiếc máy bay trinh sát không người lái, như phát tên lửa báo hiệu sự xuất hiện của một loại vũ khí mới, một thế hệ phi công mới, mở ra một trang sử mới của Không quân nhân dân VN.

Trích từ nhật ký chiến đấu của phi công Nguyễn Hồng Nhị

“Ngày 4-3-1966, buổi sáng trời nhiều mây, nhưng đến trưa trời quang mây, thuận lợi cho máy bay chụp ảnh tầng cao. Đồng chí trung đoàn trưởng điện thoại và thông báo có tin tình báo máy bay U-2 và không người lái sẽ trinh sát chụp ảnh các mục tiêu, yêu cầu tôi chuẩn bị tất cả các phương án đánh địch. Tôi mở bản đồ xem lại các phương án. Phương án đánh không người lái dễ thì ít mà khó thì nhiều... Sau bữa ăn trưa, tôi đứng trước hiên nhà trực chiến quan sát và dự báo đây là thời điểm chụp ảnh tốt nhất vì tấm ánh sáng đều, không bị bóng che.

Đúng lúc đó tôi nghe tiếng hô: “Một chiếc cao không cấp 1!”. Tôi nhanh chóng mặc quần áo cao không rồi chạy ra máy bay leo vào buồng lái, mở máy. Tôi cho máy bay lăn ra và cất cánh, bay hướng 270 độ, sau 5 phút sở chỉ huy cho bay hướng 210 độ và lên 8.000m, ngay sau đó sở chỉ huy lệnh tăng lực, lên độ cao 16.000m. Khi sở chỉ huy cho khẩu lệnh “Bình Minh”, đó là lệnh mở rađa để sục sạo, tìm kiếm mục tiêu. Tôi báo cáo đã phát hiện mục tiêu và xin phép không kích. Lúc này máu trong người như dồn hết về tim để cho tôi một sức mạnh kỳ diệu là bình tĩnh, chính xác đưa mục tiêu vào tâm vòng ngắm đồng thời ấn nút “bám sát mục tiêu” để xác định cự ly bắn, còn động tác cuối cùng là ấn nút phóng tên lửa!

Quả tên lửa hồng ngoại “K-13” vọt ra khỏi cánh máy bay và bay về phía mục tiêu. Tôi báo cáo về sở chỉ huy: “Đã uống bia xong!” (mật khẩu có nghĩa là đã phóng tên lửa). Sở chỉ huy thông báo trên màn hình mục tiêu đã biến mất, cho tôi quay về hạ cánh...

Tuy bắn rơi máy bay Mỹ nhưng các phi công MiG-21 hiểu rằng đây chỉ là lần tập dượt ban đầu, vì mục tiêu mới chỉ là máy bay trinh sát không người lái. Ngoài yếu tố phức tạp do điều khiển máy bay trên tầng cao không thì đây cũng mới chỉ như một trận tập dượt. Tuy nhiên, chiến thắng trận đầu có tác dụng rất tốt về tâm lý, điều quan trọng hơn là yếu tố tự tin vào khả năng làm chủ kỹ thuật của mình. Đó là các yếu tố tinh thần giúp phi công VN vững vàng khi bước vào trận không chiến với các loại máy bay cường kích và tiêm kích của Mỹ trong suốt những năm tháng tiếp theo.

DYnkwct3.jpgPhóng to
Ảnh: Từ Phương Thảo

Ông Nguyễn Văn Bảy “A” (phải), anh hùng số 1 của không quân VN, bắn rơi nhiều máy bay có người lái tối tân nhất của không lực Hoa Kỳ và không lực của hải quân Hoa Kỳ. Ông chỉ sử dụng súng đại bác 37mm trên máy bay chiến đấu phản lực nhỏ bé “lạc hậu“ MiG-17 của Liên Xô, bắn bằng mắt. Các phi công Mỹ sử dụng các tên lửa hồng ngoại tự điều khiển tối tân, có rađa hiện đại, máy bay hiện đại nhất thế giới bấy giờ là F-4, F-105, giờ bay của họ có hàng vài ngàn giờ mà không thể bắn rơi ông Bảy lần nào.

Ông là biểu tượng xây dựng nên tượng đài “Đại tá Tomb” mà các phi công Mỹ truyền miệng nhau về một phi công huyền thoại của VN bắn rơi 13 máy bay Mỹ. Nghe thấy giọng nói của ông trên vô tuyến điện thì lập tức sĩ quan nghe trộm trên máy bay trinh sát điện tử EC 121 lập tức cảnh báo cho các phi công Mỹ trên trời về sự xuất hiện của ông!

Ảnh bên là lúc ông Bảy trao tặng ông P. Peterson (nguyên phi công lái F-4 bị bắt làm tù binh năm 1966 và thả năm 1973, đại sứ đầu tiên của Hoa Kỳ tại VN) quyển sách Các trận không chiến trên bầu trời VN 1965-1975 - Nhìn từ hai phía tại TP.HCM tháng 11-2013.Phi công Từ Để

________________

Kỳ tới: Trận chiến của các “ách”

TS NGUYỄN SỸ HƯNG và nhóm tác giả
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên