25/05/2018 07:10 GMT+7

Chiêm ngưỡng tài tử, giai nhân điện ảnh một thời trong 'Kiếp hoa'

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Là phim truyện đầu tiên có tiếng nói được sản xuất tại miền Bắc, ‘Kiếp hoa’ ngay từ khi ra đời đã được đón nhận nồng nhiệt, nhưng thời cuộc đã đưa đẩy bộ phim phiêu dạt.

Màn trình diễn ca khúc "Dư âm" của hai chị em Ngọc Lan, Ngọc Thuỷ trong phim "Kiếp hoa"

Vào những năm 50 của thế kỉ trước, đã có nhiều người mở công ty hợp tác với nước ngoài, hoặc tự sản xuất phim nhưng chưa có mấy người thành công.

Kiếp hoa - niềm tự hào của nhà làm phim Việt

Thời kì đó ở Hà Nội, Kim Chung là đoàn cải lương nức tiếng, do ông Trần Viết Long làm chủ. Vì quá say mê tiếng hát của nghệ sĩ cải lương Kim Chung, ông Long đã bất chấp sự ngăn cấm của gia đình kết hôn với người phụ nữ này và thành lập đoàn cải lương mang tên vợ của mình.

Kiếp hoa sinh ra vào thời điểm thịnh vượng nhất của đoàn cải lương Kim Chung, và cũng là thời điểm đầy biến động của đất nước, để rồi sau đó đoàn Kim Chung kẻ Nam, người Bắc đợi ngày tái hợp nhưng ngày đó đã không đến như dự định.

Chiêm ngưỡng tài tử, giai nhân điện ảnh một thời trong Kiếp hoa - Ảnh 2.

Vợ chồng ông bầu Trần Viết Long - Kim Chung trong ngày ra mắt "Kiếp hoa" tại Hà Nội. Poster phim ghi "Bộ phim đầu tiên quay ngay trên lãnh thổ Việt Nam" thể hiện sự tự hào của nhà làm phim.

Trần Viết Long sinh ra trong một gia đình quyền thế, từng được du học Pháp. Theo lời kể của người thân, ông là người rất phóng khoáng, tự do, yêu văn hóa nghệ thuật.

Ngoài việc đam mê âm nhạc dân tộc, ông còn say mê điện ảnh. Năm 1953, người đàn ông này đã chính thức biến ước mơ của mình thành hiện thực.

Bằng mối quan hệ của mình, ông móc nối với những nhà làm phim ở Hong Kong, mời họ về Việt Nam để thực hiện bộ phim Kiếp hoa do ông viết kịch bản (ký bút danh Trần Lang).

Trần Viết Long tận dụng tối đa nguồn nhân lực, vật lực của đoàn cải lương Kim Chung. Trong bộ phim đầu tay của mình, ông dành vai chính cho vợ (Kim Chung) và em dâu (Kim Xuân), hai ngôi sao cải lương thời đó.

Chiêm ngưỡng tài tử, giai nhân điện ảnh một thời trong Kiếp hoa - Ảnh 3.

Công ty điện ảnh Kim Chung được thành lập và bộ phim đầu tiên công ty sản xuất chính là "Kiếp hoa".

Dù là người đi tiên phong và phải dò dẫm tìm đường, bằng tài năng, sự quán xuyến tháo vát của mình, nhà sản xuất Trần Viết Long đã cho ra đời một bộ phim mang hơi thở điện ảnh, với lối kể duyên dáng, có độ ngân rung về cảm xúc và thẩm mĩ.

Ngày nay nhà sản xuất nào công bố muốn làm phim ca nhạc đều bị nghi ngại là khó thành công, thì cách đây 65 năm, ông Trần Viết Long, người lần đầu tiên sản xuất phim đã chớm đụng đến thể loại phim ca nhạc, và làm đâu ra đấy.

Trong phim, nhân vật của ông tự tình, biểu hiện tâm trạng bằng các ca khúc vô cùng tự nhiên. Quyến rũ nhất trong bộ phim này chính là phần song ca ca khúc Dư âm của hai chị em dâu Kim Chung và Kim Xuân.

Kiếp hoa đã trở thành một huyền thoại trong ký ức của những người Hà Nội năm 1953 khi trước ngày ra rạp, ông chủ đoàn Kim Chung đã thuê một chiếc máy bay dân dụng thả các tờ quảng cáo xuống khu vực Bờ Hồ.

Chiêm ngưỡng tài tử, giai nhân điện ảnh một thời trong Kiếp hoa - Ảnh 5.

Người Hà Nội nô nức đi xem "Kiếp hoa".

Ngày phim ra rạp Đại Nam và Bắc Đô, khán giả Hà Nội ùn ùn kéo đến. Đến khi vào Sài Gòn chiếu tại hai rạp Nam Quang, Nam Việt, trẻ con đi "phe vé" nườm nượp. Bộ phim này đã mở đầu cho "nghề" phe vé ở Việt Nam.

Nhưng trận đánh tại Điện Biên Phủ nổ ra năm 1954 khiến ông bầu Kim Chung không thể mạo hiểm làm phim kế tiếp.

Sau khi Việt Nam ký hiệp định Genève, vợ chồng ông đã quyết định chuyển một nửa đoàn cải lương Kim Chung vào Sài Gòn. Một nửa đoàn Kim Chung ở lại Hà Nội, do vợ chồng người em là Tiêu Lang và Kim Xuân quán xuyến.

Chiêm ngưỡng tài tử, giai nhân điện ảnh một thời trong Kiếp hoa - Ảnh 6.

Rạp Eden (Công Nhân) chiếu "Kiếp hoa" có cảnh sát võ trang giữ trật tự.

Tất cả đều hi vọng hai năm sau hai đoàn Kim Chung sẽ tái hợp. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Vợ chồng ông bầu Trần Viết Long - Kim Chung quyết định di cư sang Pháp.

Ông bà để lại cho vợ chồng người em Tiêu Lang - Kim Xuân và đoàn Kim Chung một nửa gia sản. Ngay cả bộ phim Kiếp hoa cũng được chia đôi, vợ chồng Trần Viết Long - Kim Chung giữ một bản, vợ chồng Tiêu Lang - Kim Xuân giữ một bản.

Trong khói lửa chiến tranh, lưu lạc, những người chủ của hai bản phim Kiếp hoa đã không thể giữ được bộ phim. Nhưng có lẽ nhờ sự run rủi của số phận, Kiếp hoa vẫn còn cơ hội sống sót.

Lênh đênh Kiếp hoa

Năm 2018, trong căn nhà tại phố Hàng Đào, nghệ sĩ Tiêu Lang sống vui vầy cùng gia đình con gái Như Hoa và chồng là nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn. Ông vẫn còn giữ bên mình những bức ảnh, những tư liệu về đời làm nghệ thuật của gia đình.

Với ông, ký ức về Kiếp hoa luôn sống động dù ông chỉ đóng một vai rất nhỏ trong phim. Là em trai của nghệ sĩ Kim Chung, Tiêu Lang từ nhỏ tham gia lớp học đồng ấu với chị. Chị học được ngón nghề gì, ông cũng học được ngón nghề ấy.

Chiêm ngưỡng tài tử, giai nhân điện ảnh một thời trong Kiếp hoa - Ảnh 7.

Hai ngôi sao của đoàn cải lương Kim Chung: Kim Chung (trái) và Kim Xuân (phải).

Khi mới thành lập đoàn Kim Chung, Tiêu Lang còn rất trẻ, ông đảm đương nhiệm vụ làm kế toán cho đoàn. Ông Tiêu Lang lúc đó đáng lẽ được giao vai nam chính (Thiện) trong Kiếp hoa, nhưng vì đang ở độ tuổi bị thực dân Pháp động viên đi lính nên không thể theo đoàn sang Hong Kong đóng phim.

Cuối cùng ông bầu Trần Viết Long đã chọn ông Trần Quang Tứ, một nhà buôn thóc gạo ở phố Hàng Chiếu có dung mạo rất đẹp đóng vai Thiện.

Hầu hết ngoại cảnh của Kiếp hoa đều được thực hiện tại Hà Nội, nhưng đến nội cảnh thì đoàn làm phim phải sang Hong Kong để quay.

Chiêm ngưỡng tài tử, giai nhân điện ảnh một thời trong Kiếp hoa - Ảnh 8.

Nội cảnh của "Kiếp hoa" được quay tại Hong Kong. Dàn diễn viên quần chúng trong cảnh này đều là người Hoa.

"Ông Long bằng mối quan hệ của mình đã mời được ba người Hoa về làm phim. Tôi vẫn nhớ ông Xìn Phoóng (tên Việt là Tiền Phong), biết tiếng Việt, là người môi giới cho ông Long tìm được ê-kíp làm phim bên Hong Kong. Đạo diễn là ông Doãn Hải Thanh (tên Việt), quay phim là ông Pạc, và một người trợ lý nữa.

Khi sang Hong Kong, mọi chuyện đều nhờ ông Xìn Phoóng. Trong cảnh đám cưới, diễn viên quần chúng đều là người Hoa, có ai nói năng gì đâu, có mỗi ông Xìn Phoóng đóng vai bố cô Ngọc Lan là nói chuyện thôi.

Tôi ở nhà tay hòm chìa khóa cho anh chị tôi. Trong thời gian đoàn sang Hong Kong, ở nhà đoàn Kim Chung vẫn diễn. Cứ vài ngày, tôi lại lấy tiền vé chuyển thành đô la gửi sang bên kia chi phí", nghệ sĩ Tiêu Lang kể.

Dù lần đầu làm phim, ông Trần Viết Long đã chứng tỏ mình là một nhà phát hành phim bẩm sinh. Cùng thời điểm có phim Bến cũ đang quay bằng phim màu 16 mm, ông Long quyết tâm quay Kiếp hoa bằng phim 35mm, đẩy nhanh tiến độ sản xuất.

Kiếp hoa ra rạp trước Bến cũ một tháng và hốt bạc. Việc ông Long thuê máy bay dân dụng rải tờ quảng cáo quanh khu vực Bờ Hồ cũng là một chiêu quảng cáo vô cùng hiệu quả. Doanh thu của bộ phim giúp ông bầu Long mua được biệt thự 84 Nguyễn Du cạnh nhà cha mẹ.

Chiêm ngưỡng tài tử, giai nhân điện ảnh một thời trong Kiếp hoa - Ảnh 9.

Cảnh trong phim "Kiếp hoa", hai chị em Ngọc Thủy và Ngọc Lan gặp lại Thiện.

"Để thưởng cho vợ tôi, anh Long đã dắt bà ấy vào hiệu Đức Âm cạnh phòng thông tin cạnh Tràng Tiền bây giờ, vào tận bên trong cùng để mua kim cương.

Bà chủ đưa ra một đĩa có vài chục viên cho vợ tôi chọn. Về sau này, chúng tôi bán viên kim cương đó cho nhà trí thức Đỗ Xuân Sảng để mua căn nhà tại Bát Đàn", ông Tiêu Lang kể.

Với khởi đầu tốt của Kiếp hoa, ông bầu Trần Viết Long đã ấp ủ dự án phim Trống mái dựa theo tiểu thuyết của Nhất Linh và Khái Hưng. Thậm chí ông còn mời một lực sĩ người Cô Tô tham gia phim và người này đã về làm việc ở đoàn một thời gian.

"Nếu không có chiến tranh thì đã có bộ phim thứ hai", ông Tiêu Lang nuối tiếc.

Chiêm ngưỡng tài tử, giai nhân điện ảnh một thời trong Kiếp hoa - Ảnh 10.

Ảnh vợ chồng nghệ sĩ Tiêu Lang và Kim Xuân do phóng viên Hong Kong chụp. Thời đó Tiêu Lang có ngoại hình rất hợp vai Thiện, nhưng vì ở độ tuổi đi lính nên ông không thể sang Hong Kong quay phim, đành chỉ nhận vai nhỏ trong phim (một người khách lái ô tô ghé qua mua thuốc lá của chị em Ngọc Thủy, Ngọc Lan).

Cuộc chiến Điện Biên Phủ đã làm ngưng mọi kế hoạch. Đoàn Kim Chung bị chia đôi ngả. Ngày lên đường sang Pháp, ông bà Trần Viết Long - Kim Chung đã không thể mang theo bộ phim Kiếp hoa (với 11 hộp phim tất cả).

Vợ chồng Tiêu Lang - Kim Xuân ở lại Hà Nội được anh chị giao cho một bản Kiếp hoa. Sau này ông Tiêu Lang đã quyết định tiếp tục khai thác Kiếp Hoa bằng cách đưa cho một người chuyên buôn bán phim đưa đi các rạp chiếu. Nhưng vì dính đến chính trị, người đàn ông này bị khám nhà và bị tịch thu bộ sưu tập phim, trong đó có Kiếp hoa.

Ông Tiêu Lang cho biết: "Đó vừa là rủi ro với cá nhân tôi, nhưng lại là điều may cho bộ phim. Vì thời đó không có điều kiện, tôi có giữ bộ phim cũng sẽ hỏng. Sau khi tịch thu phim, công an đã gửi phim về Viện tư liệu phim, ở đây người ta đã lưu giữ rất cẩn thận.

Năm 1981, anh chị tôi ở Pháp về chơi, Viện tư liệu phim đã mời anh chị tôi và vợ chồng tôi lên xem cuốn phim đó", ông Tiêu Lang bồi hồi nhớ lại.

Chiêm ngưỡng tài tử, giai nhân điện ảnh một thời trong Kiếp hoa - Ảnh 11.

Cảnh quay Ngọc Lan (Kim Chung đóng) ngồi bán thuốc lá.

Trong khi Kiếp hoa đã có được chốn nương thân an toàn, đoàn cải lương Kim Chung chấp nhận nổi trôi cùng thời cuộc.

Ở lại Hà Nội, ông bà Tiêu Lang - Kim Xuân vẫn tiếp tục hành nghề tại rạp Kim Chung, lúc này đoàn do Sở Văn hóa Hà Nội quản lý về chuyên môn. Các nghệ sĩ vẫn tự làm việc và nuôi sống nhau.

Thời kì quân đội nhân dân Việt Nam về tiếp quản Thủ đô năm 1954, dân vùng tự do vào Hà Nội nghe cải lương nhiều, đoàn Kim Chung lại kiếm bộn tiền, nghệ sĩ rất phấn khởi, bảo nhau việc gì phải vào Sài Gòn cho khổ.

Nhưng đến năm 1955 cải cách ruộng đất ở nông thôn, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở thành phố được đẩy mạnh, rạp Kim Chung cũng bị đánh thuế kinh doanh nghệ thuật, không còn ai đi xem hát nữa.

"Lúc này anh em buồn lắm, có người nói biết thế đi theo ông Trần Viết Long cho sướng", ông Tiêu Lang kể.

Nhưng rồi một năm sau Chính phủ sửa sai, mọi thứ lại dễ thở hơn. Cho tới năm 1966, Mỹ ném bom vào Đức Giang (Hà Nội), đoàn Kim Chung lại lâm vào cảnh khó khăn. Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, Chính phủ phải ra tay cứu vớt đoàn Kim Chung vào Quốc doanh.

"Khi tôi chưa về hưu, các đoàn cải lương vẫn diễn tốt. Đến năm 1991, khi tôi về hưu, bắt đầu có chương trình vô tuyến, lúc ấy sân khấu bắt đầu mất khán giả. Đoàn Kim Chung sau này được đổi tên là Chuông vàng, trực thuộc Sở Văn hóa Hà Nội", ông Tiêu Lang kể.

Chiêm ngưỡng tài tử, giai nhân điện ảnh một thời trong Kiếp hoa - Ảnh 12.

Hai diễn viên Trần Tứ Lang và Kim Xuân trong cảnh quay tại Hong Kong.

Trở lại câu chuyện về Kiếp hoa, ông Tiêu Lang nói anh rể của mình đã làm bộ phim này với tất cả sự tự tin: "Thời đó chẳng ai biết gì về phim ảnh, thế mà ông ấy lại làm được. Ông ấy là người rất giỏi giang, tháo vát, đã quyết là làm bằng được. Có thể ông ấy lo lắng nhưng chưa bao giờ để lộ ra".

Con rể của ông Tiêu Lang là nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn nhận định: "Bây giờ mình nghĩ làm phim thời đó là khó, chứ ông Trần Viết Long chẳng nghĩ thế đâu. Ông ấy một con người rất tự do, không biết sợ hãi là gì. Ông ấy đã bất chấp mọi định kiến xã hội để lấy "con hát" cơ mà. Đến khi ông ấy làm phim, đoàn Kim Chung đã vững mạnh lắm rồi, nhiều tiền lắm, nếu phim hỏng cũng chẳng phá sản được đâu".

Chiêm ngưỡng tài tử, giai nhân điện ảnh một thời trong Kiếp hoa - Ảnh 13.

Nghệ sĩ Tiêu Lang cùng con gái Như Hoa về thăm địa chỉ 84 Nguyễn Du, biệt thự từng là của ông bầu Trần Viết Long.

Năm 1985, ông Trần Viết Long về Việt Nam đã định bàn bạc với nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn để làm một bộ phim, nhưng đầu tư của Việt kiều khi đó chưa được đón nhận cởi mở, nên kế hoạch không thành.

Kiếp hoa là bộ phim đầu tiên và cũng là bộ phim cuối cùng của ông bầu đoàn cải lương Kim Chung. Và thật may mắn, khi một phần lịch sử điện ảnh độc đáo đó đã được giữ lại.

Kiếp hoa là câu chuyện về hai chị em Ngọc Lan (Kim Chung đóng), Ngọc Thủy (Kim Xuân đóng) trên đường đưa mẹ đi tản cư đã được chàng trai tốt bụng tên Thiện (Trần Quang Tứ) giúp đỡ.

Trong thời gian lưu lại, giữa Ngọc Lan và Thiện đã nảy sinh tình cảm. Rồi chiến sự xảy ra, đôi lứa chia lìa. Cuộc đời của Ngọc Lan bị xô đẩy, chà đạp như thân phận nàng Kiều, khiến nàng không thể nào hạnh phúc khi được gặp lại Thiện.

Chiêm ngưỡng tài tử, giai nhân điện ảnh một thời trong Kiếp hoa - Ảnh 15.

NSND Như Quỳnh kết hôn với nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo, em trai của nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn. Nguyễn Hữu Tuấn kết hôn với chị gái của Như Quỳnh là Như Hoa.

Tìm thấy bản phim xưa nhất của điện ảnh Hàn Quốc Tìm thấy bản phim xưa nhất của điện ảnh Hàn Quốc

TT - Bộ phim Giấc mơ ngọt ngào (sản xuất năm 1936 - ảnh) của đạo diễn Yang Joo Nam được xác định là phim xưa nhất của điện ảnh Hàn Quốc vừa được tìm thấy tại một thư viện phim ở Trung Quốc.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên