18/08/2016 00:11 GMT+7

Chiếc tàu tiếp dầu đầu tiên ở VN 
ra đời như thế nào?

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO -  Tháng 7-2016, tàu vận tải đa năng tiếp dầu đầu tiên của VN đã được bàn giao cho cảnh sát biển. Con tàu có thiết kế công nghệ phức tạp này do chính những kỹ sư trẻ của Công ty đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173) đảm nhiệm.

Các kỹ sư phòng thiết kế của Công ty đóng tàu Hồng Hà đang thảo luận một phương án thiết kế
Các kỹ sư phòng thiết kế của Công ty đóng tàu Hồng Hà đang thảo luận một phương án thiết kế

Hai năm trước, khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam (tháng 5-2014), các tàu làm nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam phải liên tục về bờ tiếp dầu, lương thực thực phẩm, rất tốn kém và thiếu chủ động.

Ngày đầu tiên đến làm việc tôi đã nhớ như in khẩu hiệu: Chất lượng sản phẩm là tài sản của công ty chúng tôi. Khi làm việc ở đây, tôi đã cảm nhận rõ đó không phải là khẩu hiệu suông mà thật sự là ý thức ăn sâu vào mỗi người".

Thượng úy NGÔ QUANG TRUNG

Thực tế đó là “đề bài” khiến lãnh đạo Công ty đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173), Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng trăn trở. Họ đã chủ động đề xuất dự án đóng tàu vận tải tiếp dầu trên biển.

Từ nỗi trăn trở với đất nước

“Chủ trương lúc đầu là mua. Nhưng mua sẽ tốn rất nhiều tiền mà đây là nguồn đầu tư của Chính phủ. Chúng ta phải nghĩ đến vấn đề kinh tế. Không thể mua cấu hình trọn vẹn hay mời chuyên gia nước ngoài qua đây chỉ mình từng li từng tí. Mình phải tự làm để tiết kiệm chi phí và có kinh nghiệm” - đại tá Nguyễn Văn Đắc (chính ủy nhà máy) nhớ lại.

Năng lực thực tế của một nhà máy có nhiều kinh nghiệm trong đóng tàu và là nơi đóng thành công tàu chiến đầu tiên cho đất nước đã thuyết phục được Bộ Quốc phòng đồng ý để Hồng Hà đóng tàu tiếp dầu trên biển.

Đại tá Nguyễn Văn Đắc khẳng định: “Chúng tôi luôn luôn tin tưởng năng lực của các kỹ sư của mình. Vì khi đóng hai trong số serie sáu tàu chiến TT400TP, dù có nhiều công nghệ mới nhưng chúng tôi đã làm được và làm rất tốt. Hồng Hà luôn làm những cái đầu tiên và dám làm. Áp lực cũng là động lực để chúng tôi vượt qua thử thách”.

Thuyết phục thành công. Nhưng vấn đề còn lại là thời gian và khâu thiết kế công nghệ cho con tàu. Ngoài đóng tàu cho nước ngoài, Hồng Hà được giao đóng cùng lúc hai tàu vận tải tiếp dầu trong khi phải đảm nhiệm đóng bốn tàu vận tải khác chỉ trong một năm (bình thường phải trong 1,5 - 2 năm). Và dự án đóng hai tàu tiếp dầu trên biển đã trở thành 1 trong 3 “chiến dịch” lớn trong lịch sử của Hồng Hà.

Tàu vận tải tiếp dầu trên biển đầu tiên do Việt Nam đóng đang chạy thử nghiệm trên biển - Ảnh: VĂN TỚI
Tàu vận tải tiếp dầu trên biển đầu tiên do Việt Nam đóng đang chạy thử nghiệm trên biển - Ảnh: VĂN TỚI

2.500 bản vẽ thiết kế

Với một con tàu, công nghệ là vấn đề quyết định hàng đầu để đảm bảo tính ổn định của một con tàu khi nó hoạt động ngoài biển. Thay vì mua thiết kế công nghệ tàu tiếp dầu từ nước ngoài, lãnh đạo Công ty đóng tàu Hồng Hà tin tưởng giao trọng trách cho những kỹ sư rất trẻ của mình.

Hầu hết đều là thế hệ 8X, chỉ có một người sinh năm 1968. Họ là những kỹ sư giỏi tốt nghiệp từ nhiều trường trong và ngoài quân đội liên quan đến ngành tàu biển và các ngành cơ khí chế tạo và vũ khí. Một số người được đào tạo ở nước ngoài.

Thiết kế công nghệ là phần khó khăn nhất khi đóng một con tàu. “Cái khó nhất là tính toán được khả năng ổn định của con tàu. Bình thường phải có sự chuyển giao công nghệ của nước ngoài phần tiếp dầu này. Nhưng với dự án này, chúng tôi tự nghiên cứu, tự thiết kế” - thượng úy Nguyễn Văn Tới (phó chủ nhiệm chính trị) nói. Đó là thử thách. Và với những kỹ sư của Công ty đóng tàu Hồng Hà, họ luôn phá vỡ thử thách bằng cách vượt qua giới hạn tưởng như đã được đóng khung.

Những kỹ sư trẻ phải chạy đua với thời gian. Bởi trong hai tháng và chậm nhất là ba tháng, họ phải hoàn thành xong phần thiết kế công nghệ toàn bộ con tàu trong khi bình thường, thời gian này phải là sáu tháng. 6-8 kỹ sư thường xuyên làm nhiệm vụ này, lúc cao điểm huy động đến 10 người, làm ngày đêm, không kể thứ bảy, chủ nhật.

Thượng úy Nguyễn Văn Tới cho biết Việt Nam không có tàu khu trục nên mọi người phải lên mạng mường tượng bộ phận tiếp dầu. Những cuộc tranh luận nảy lửa diễn ra hằng ngày từ lãnh đạo đến đội ngũ. Sau đúng gần ba tháng, các kỹ sư đã cho ra 2.500 bản vẽ thiết kế công nghệ. “Con tàu này như một cô gái. Thiết kế phải có tính thẩm mỹ từ nước sơn đến mối hàn, cách bố trí thiết bị.

Sau khi xong phần thiết kế công nghệ, khi triển khai cho anh em thi công, chúng tôi cũng ngày đêm lăn lộn ở xưởng để giám sát nhằm tránh sai sót” - thượng úy Ngô Quang Trung cho hay. Thay vì 12 tháng như bình thường, sau chín tháng thi công, tàu vận tải tiếp dầu đầu tiên của Việt Nam đã thành hình hài, xuất hiện tại cảng Nhà máy Hồng Hà.

 

 

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên