"Người lớn" đang quá khắt khe, áp đặt khi nhìn nhận chuyện bạn trẻ mê mệt thần tượng và chính truyền thông có nghĩ tới cảm giác của các bạn trẻ khi đăng tải hình ảnh chen lấn - khóc lóc - ngất xỉu vì thần tượng?
Cũng có ý kiến cho rằng khi muốn cuồng thần tượng, các bạn cũng phải lượng sức.
Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau và tham gia chia sẻ quan điểm riêng.
“Không phụ thuộc thần tượng quá mức”Say mê thần tượng cũng cần tự trọngChúng tôi không cuồng!
Phóng to |
Có những bạn trẻ phải "liều mình" thế này để được nhìn thấy thần tượng - Ảnh: Thuận Thắng |
Say mê thì liên quan gì tự trọng?
Việc các bạn la hét, ngất xỉu... vì thần tượng là một vài điểm không đẹp cho lắm trong mắt nhiều người, và có khi còn làm thần tượng lo lắng. Nhưng cũng xin mọi người đừng chỉ vì vài trường hợp như thế mà đánh đồng tất cả. Đừng cho rằng một thế hệ thích nghe nhạc Hàn đều là những con người cuồng loạn, đánh mất bản thân, đánh mất lòng tự trọng.
Chẳng lẽ liên tục lên án, chỉ tay vào họ, la lớn với họ rằng la hét và chờ đợi trưa nắng thế với một sao ngoại là làm mất lòng tự trọng?
Những hình ảnh mà nhà báo chụp được hôm Big Bang đến - hình ảnh một vài bạn trẻ với mặt mũi rõ ràng thế kia phát cuồng vì thần tượng - xuất hiện đầy trên những bài viết phê phán thì sẽ làm các bạn ấy hiểu ra vấn đề, sẽ rút kinh nghiệm hay chỉ làm sự chán ghét báo chí của một cộng đồng trẻ ngày càng lên cao?
Đăng hình những người trẻ tuổi chưa thật sự trưởng thành thì mọi người có bao giờ nghĩ đến cảm giác và tâm trạng của họ? Ba mẹ họ khi biết sẽ la mắng, hàng xóm khi biết sẽ lời ra tiếng vào, người ngoài biết thì cứ nhắm vào mấy tấm hình đó mà bảo họ là không có lòng tự trọng.
Lứa tuổi vị thành niên là lứa tuổi đang phát triển về tất cả. Những bài báo với hình ảnh của họ thế này có làm cho họ lớn hơn, chững chạc hơn? Hay chỉ làm tâm lý của họ ngày càng không ổn định và càng mất dần niềm tin vào báo chí khi báo chí một phần nào đó đã không tôn trọng họ.
Thần tượng Hàn Quốc mỗi lần ra sân khấu hay lên nhận giải thưởng đều cúi chào thật thấp về phía khán giả và nói lời cảm ơn chân thành. Đó là họ đã tôn trọng khán giả. Vậy nếu một bên là những con người sẵn sàng ném cho họ những lời lẽ cay nghiệt nhất, đem những bức ảnh thể hiện cảm xúc của họ trong 1 show diễn của thần tượng để lên án, nói họ là những con người điên loạn mà không chịu một lần lắng nghe cảm xúc của họ, với một bên là những người luôn cúi đầu cảm ơn họ thì theo bạn, người trẻ sẽ chọn ai?
Càng bài xích, bất đồng càng tăng
Giới trẻ bây giờ cũng có suy nghĩ riêng, có chính kiến riêng. Nếu là người đã trưởng thành hãy đưa ra những ý kiến cũng như quan điểm thuyết phục rõ ràng, thử đặt mình là những thanh niên thời đại hôm nay mà suy xét, đưa ra những nhận định đúng đắn, nói để các bạn trẻ thấy hợp lý, phải tâm phục, khẩu phục.
Đừng dùng cách nhìn của bản thân mà áp đặt, nói bạn trẻ thế này thế kia, bắt họ thế này thế kia. Như thế chỉ khiến sự chống đối dâng cao hơn mà thôi.
Đi ăn trong một quán ăn có dán hình cũng như phát nhạc nghệ sĩ mà các bạn trẻ ấy yêu thích chưa hẳn là một fan cuồng. Hãy định nghĩa rõ hơn từ "fan cuồng" chứ đừng thấy những móc khóa hình thần tượng trên cặp các bạn hay việc tụ tập đi ăn uống ở những quán ăn có hình ca sĩ mà nói các bạn trẻ ấy như thế.
Nếu cứ giữ mãi cách suy luận trên khi mỗi lần cho sao ngoại đến Việt Nam thì chỉ khiến sự bất đồng càng tăng, khoảng cách giữa người lớn với thanh niên trẻ bây giờ càng rộng hơn, và kết quả của việc lên án các bạn ấy qua bài viết này chỉ khiến các bạn ấy ngày càng ít đọc báo và không tin vào báo chí nữa.
Cuồng cũng phải lượng sức
Khóc lóc, xỉu, đứng chờ thần tượng giữa trưa nắng... là những hình ảnh không đẹp trong mắt nhiều người. Tôi biết chỉ vì quá ngóng trông và chờ đợi những người mình yêu mến trong suốt thời gian dài thế mà một vài bạn trẻ đã không kềm được bản thân, nhưng hãy nhớ cho đừng vì những hành động như thế mà cho họ là cuồng loạn và thiếu tự trọng, để rồi từ đó tất cả mọi người chụp mũ toàn bộ một lớp trẻ yêu thích K-pop đều là những con người cuồng loạn và thiếu suy nghĩ.
Tôi cực kỳ vất vả vì fan Tôi là một trong những người tham gia giữ an ninh trật tự cho đêm nhạc, và chúng tôi phải vất vả từ 6g sáng đến tận 0g đêm là vì các bạn. Các bạn tụ tập từ sáng sớm, gây ùn tắc giao thông, cản trở người đi đường, tạo cơ hội cho kẻ gian hoạt động. Những fan cuồng có mặt từ 7g thì lúc 13g mở cổng thì chạy như đoàn quân tiến công, lúc ra về như tàn binh bại tướng. Đi coi ca nhạc là để thư giãn và thưởng thức chứ không phải như thế, không hiểu những người này còn nhớ giá trị của âm nhạc là để giải trí thư giãn hay không, là nó phục vụ mình hay mình phục vụ nó?! Còn có những chuyện bi hài khó kể cùng những tấm hình mà rất tiếc lúc đó tôi mặc sắc phục nên không thể chụp. Tôi chỉ muốn hỏi các fan cảm thấy hành vi của mình có văn hóa lắm sao? Các fan đang thể hiện tình yêu với các thần tượng hay muốn làm mất giá trị của K-pop, của fan K-pop trong mắt người khác rồi lại cho rằng những người mục kích tận mắt như chúng tôi là không hiểu gì về âm nhạc? |
Việc những người được cho là người lớn hùa vào đay nghiến, nói thế này thế kia, áp đặt các bạn, coi cảm xúc của các bạn là những điều xấu hổ cho xã hội. Vậy xin thưa, làm thế có giải quyết được tình hình, làm thế có khiến các bạn ấy rút kinh nghiệm hay chỉ càng làm tăng thêm khoảng cách giữa người lớn với các em, làm các em nhìn những người lớn kia bằng ánh mắt căm ghét?
Riêng các bạn trẻ cũng nên suy nghĩ lại thái độ của mình. Yêu thích là chuyện không cấm, thần tượng sao Hàn lại càng không cấm, nhưng phải biết sức mình tới đâu và xem xét hành động của mình có ảnh hưởng đến bản thân, gia đình hay làm thần tượng thấy vui hay không.
Nếu chỉ vì muốn xem họ biểu diễn mặc dù sức khỏe không đảm bảo, bạn vẫn nhào vào đám đông để rồi bị xỉu thì thần tượng của bạn có vui hay không khi họ bị báo chí Việt Nam nêu tên ra như là những nguyên nhân khiến các bạn như thế?
Một điều nữa, tôi xin nói việc các tác giả những bài báo này đăng những hình ảnh fan say mê thần tượng tại các show có các nghệ sĩ Hàn Quốc tham dự để dẫn chứng cho sự cuồng loạn giới trẻ Việt Nam là việc nên coi lại.
Việt Nam bây giờ không bế quan tỏa cảng, người nước ngoài tại Việt Nam rất nhiều, người Hàn Quốc cũng nằm trong số đông ấy, và người Hàn Quốc biết tiếng Việt cũng không ít. Đối với người dân Hàn Quốc, các công ty giải trí đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế, du lịch tại nước họ.
Vậy bạn nghĩ sao khi những thanh niên trẻ Hàn Quốc ở Việt Nam đọc được bài này hay những công ty giải trí là quản lý các nghệ sĩ từng sang Việt Nam đọc được bài này nghĩ xem họ sẽ có thái độ thế nào khi những nghệ sĩ họ đào tạo bị cho là những thần tượng ăn mặc quái dị, là nguyên nhân cho những sự hâm mộ quá khích kia?
Những bức hình với băngrôn, hình ảnh của các thần tượng hàng đầu Hàn Quốc xuất hiện trên mặt báo này để làm bằng chứng cho bài viết mà không hề được làm mờ đi. Vậy liệu còn một ai cho nghệ sĩ của họ sang Việt Nam nữa không?
Tôi chỉ mong sau vụ việc này, tất cả sẽ rút ra những bài học của riêng mình. Các bạn trẻ hãy coi lại thái độ của mình, những người lớn xin đừng chụp mũ tất cả. Tác giả các bài báo hãy cẩn trọng trong lời văn, hình ảnh của mình, vì đọc các bài viết này không chỉ có người Việt Nam.
Sản phẩm của giáo dục
Thế hệ trẻ hiện nay như thế nào phải chăng do người đi trước tạo nên? Người lớn lúc nào cũng phê phán bọn trẻ bây giờ gàn dở, điên cuồng. Đừng lúc nào cũng đánh đồng và chỉ chê bai, sỉ vả, chê trách, mà hãy xem lại thế hệ đi trước đã làm gì mà thành ra như vậy?
Vậy tại sao giới trẻ không thích V-pop mà thích nhạc Mỹ, nhạc Hàn? Thế hệ đi trước hãy trả lời câu hỏi ấy trước khi phê phán. Điều gì làm cho giới trẻ chỉ mê máy tính, tìm những điều vô hình trên mạng mà thờ ơ với thực tế xã hội? Nói cho cùng thế hệ trẻ chỉ là sản phẩm của sự giáo dục của những người đi trước.
Phóng to |
Sự cuồng nhiệt của khán giả trẻ Việt Nam trong chương trình giao lưu văn hóa Việt - Hàn ngày 15-3 tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Cuồng cũng cần có điểm dừng Tuổi trẻ phải có gì đó để mộng mơ, có gì đó để ấp ủ. Ai biết được tương lai thế nào. Cũng chẳng mấy ai có một con đường trải thảm đỏ để bước. Để bản thân có một điều gì đó đam mê, để "điên cuồng" thì cũng đâu có gì tội lỗi! Bạn hoàn toàn có thể thích một môn thể thao, một lớp dạy nhạc hay một lớp tiếng Anh, hay chỉ đơn giản là mê phim, mê nhạc, mê một anh chàng một cô nàng mà tưởng chừng như suốt cả phần đời còn lại bạn không thể gặp được họ. Có lẽ cái "mê" này hơi viển vông nhưng hãy để lý trí dẫn đường trong "cơn mê" này! Không ai hiểu chúng ta hơn chính bản thân. Điều gì nên làm hay không nên làm, "cuồng" đến mức nào, điểm dừng của "cuồng" là ở đâu. Hãy chọn cho mình niềm đam mê phù hợp và đừng để bất cứ ai lấy đi niềm đam mê ấy! Chơi phải hết mình! Cuồng thì cứ cuồng nhưng phải có điểm dừng! |
Bạn nghĩ gì về việc một số người trẻ yêu cầu truyền thông và mọi người nói chung cần tôn trọng cảm xúc với thần tượng của họ? Theo bạn, liệu có "bình thường" không khi một số người trẻ làm fan... cuồng đến mức coi thường cả sức khỏe, tính mạng? Gia đình ở đâu khi fan yêu thần tượng đến quên cả bản thân? Mời bạn chia sẻ trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc gửi về email tinhyeuloisong@tuoitre.net.vn (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận