21/08/2018 10:29 GMT+7

Chi tiền, được “ưu tiên qua phà”

SƠN LÂM - NGỌC KHẢI
SƠN LÂM - NGỌC KHẢI

TTO - Phà Vàm Cống và phà An Hòa qua sông Hậu (TP Long Xuyên, An Giang) mỗi khi kẹt xe kéo dài đều có những người không phải nhân viên bến phà ra giá chi từ 100.000 - 200.000 đồng sẽ được “dắt nhanh qua phà”, khỏi phải chờ đợi.

Chi tiền, được “ưu tiên qua phà” - Ảnh 1.

Một thanh niên chào mời tài xế ôtô đi nhanh xuống bến chính phà Vàm Cống với giá 100.000 đồng - Ảnh: NGỌC KHẢI

Chiều 9-8, thấy hàng loạt ôtô các loại đang nối đuôi dài hơn 200m trên đường Trần Hưng Đạo (TP Long Xuyên) đợi rẽ xuống đường vào phà Vàm Cống, tài xế Thành (ngụ Long An) lái xe 7 chỗ nôn nóng tách làn, cho ôtô vượt qua hàng xe đang chờ, định "đi tắt" xuống phà thì ngay lập tức nhân viên bến phà chặn lại, buộc quay vòng lại, đi xuống bến phà phụ cách đó hơn 300m.

Họ là dân địa phương ở đây, ngăn cản quyết liệt thì dễ xảy ra va chạm, nguy hiểm. Mới tháng trước cũng có nhân viên ngăn cản xe theo mấy người này rồi xảy ra va chạm.

Ông Nguyễn Phúc Nguyên (trưởng bến phà Vàm Cống)

Thản nhiên dắt xe qua phà

Tuy nhiên ngay sau đó, một xe 5 chỗ khác vừa đến sau xe Thành, một người đàn ông tên Mây nhanh chóng rảo đến ra giá chi 150.000 đồng sẽ "dắt nhanh qua phà" thay vì phải đợi gần cả tiếng đồng hồ. Phút chốc, chiếc xe này đã theo xe máy của "cò" Mây chạy vào làn ngược chiều, xuống tới gần bến phà.

Phà tới, "cò" Mây ra hiệu cho tài xế chèn vào đầu hàng và thủng thỉnh xuống phà. Sự việc diễn ra ngay trước mặt một nhân viên soát vé.

Tại phà Vàm Cống, chỉ cần ôtô vừa nối vào hàng xe kẹt chờ xuống phà, lập tức có những người bán hàng rong, chạy xe ôm tiến lại ra giá. Nếu đồng ý, họ dắt ôtô thản nhiên vượt qua hàng dãy ôtô khác vào vị trí đầu hàng để xuống phà nhanh. Sự việc diễn ra ngay trước mặt các nhân viên của bến phà làm nhiệm vụ điều tiết xe. Thay vì chờ đợi hàng giờ đồng hồ để lên phà, những xe chịu chung chi cho những người này chỉ mất từ 10-15 phút. Do đó, khá nhiều tài xế sẵn sàng chi từ 100.000 - 200.000 đồng "lụy cò" cho khỏe.

Cũng vậy, khu vực phà An Hòa phía bờ huyện Chợ Mới, An Giang hễ xe cộ ùn ứ là những người này xuất hiện. Ông Tám, người hành nghề chạy xe ôm kiêm dẫn ôtô xuống phà ở khu vực này, cho biết có thời điểm phà kẹt mấy trăm ôtô các loại kéo dài hơn 1km. Nếu không có người "dẫn đi nhanh", ôtô phải mất hơn 2 tiếng mới qua được. Còn nếu được dẫn đường, chỉ chừng hơn 15 phút.

Việc của ông Tám là dẫn các ôtô chịu thỏa thuận lèn vào đường xe máy, vượt lên trên tiến thẳng qua khỏi quầy bán vé. Mỗi lần dắt xe, ông Tám lấy 100.000 đồng, chi mua vé 23.000 đồng, tiền công lấy được 77.000 đồng. Ông nói ngày nào có kẹt xe ông kiếm từ 300.000 - 700.000 đồng.

Nhân viên phà ngại đụng chạm

Ông Nguyễn Phúc Nguyên - trưởng bến phà Vàm Cống - cho biết đa số những người dắt xe qua phà là dân địa phương, "có chừng hơn 5 người thường xuyên ra làm cò khi kẹt xe, nhân viên phà gần như biết mặt hết".

Theo ông Nguyên, vì nhân viên phà ngại những người này nên nhiều khi không dám ngăn cản. "Anh em phà toàn đứng ngoài đường, làm việc đêm hôm. Họ là dân địa phương ở đây, ngăn cản quyết liệt thì dễ xảy ra va chạm, nguy hiểm. Mới tháng trước cũng có nhân viên ngăn cản xe theo mấy người này rồi xảy ra va chạm. Chúng tôi sau đó phải luân chuyển nhân viên này đi nơi khác để an toàn" - ông Nguyên kể.

Ông Nguyễn Quốc Tuấn - phó chủ tịch UBND P.Mỹ Thạnh, TP Long Xuyên - cho rằng việc xử lý nhóm "đầu gấu" khu vực phà Vàm Cống vẫn còn nhiều khó khăn, chủ yếu là do địa phương chưa hợp tác chặt chẽ được với phía lãnh đạo phà. "Chúng tôi đã gắn camera giám sát và tình hình những người này hoạt động giảm một thời gian, tuy nhiên đâu lại vào đấy. Phường cũng có đề xuất một số kế hoạch để cùng với phà xử lý luôn cả việc bán hàng rong, việc cò gây mất an ninh trật tự... nhưng phía lãnh đạo phà chưa thống nhất" - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, việc quản lý, điều tiết phương tiện vào phà phải là việc của bến phà: "Họ cũng có camera theo dõi hết, nếu nhân viên phà kiên quyết không cho xe theo cò chen lên thì sao mà chen lên được? Địa phương quản lý thì chỉ có thể xử lý khi có hành vi vi phạm cụ thể, hoặc nếu phía nhân viên phà có thông báo về việc bị gây mất trật tự".

Về tình hình những người không phải nhân viên bến phà dắt xe tại khu vực phà An Hòa, ông Lê Văn Trinh - phó giám đốc Công ty TNHH MTV Phà An Giang - cho biết khoảng 3 tháng gần đây, lượng lưu thông vào phà An Hòa tăng hơn 30%. "Chúng tôi vận hành hết công suất nhưng giờ cao điểm cũng không thể nào đáp ứng đủ, tình trạng kẹt ôtô chờ phà cũng diễn ra và nhóm người đó xuất hiện nhiều" - ông Trinh nói.

Ông Trinh cho biết: "Chúng tôi từng kiến nghị cả việc sắp xếp lại hướng lưu thông của một số tuyến đường trong khu vực vào bến phà của TP Long Xuyên để tránh tình trạng cò dắt ôtô đi đường tắt, đồng thời làm việc với các địa phương quản lý khu vực bến phà để nhờ giúp đỡ về tình hình an ninh trật tự. Qua phản ánh của Tuổi Trẻ, chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị địa phương xem xét thêm việc giữ gìn trật tự phía ngoài khu vực phà, tránh để người ngoài thao túng".

Không có sự móc ngoặc

Ông Nguyễn Phúc Nguyên khẳng định không hề có sự móc ngoặc của nhân viên phà với những người dắt xe qua phà. "Chính những người này làm tình hình ôtô vào phà khá mất trật tự, chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị, phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết, bởi chúng tôi không có thẩm quyền và chức năng để xử lý với những người này".

SƠN LÂM - NGỌC KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên