19/05/2011 06:12 GMT+7

Chi phí tốt nghiệp: giá trên trời!

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - Buổi thi tốt nghiệp (giữa tháng 4-2011) của học viên ngành sáng tác khoa lý luận - sáng tác - chỉ huy đang gây dư luận không hay tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Theo phản ảnh của sinh viên, số tiền để chi cho buổi thi này (19,3 triệu đồng) quá cao!

5oHI055s.jpgPhóng to

Một buổi biểu diễn tốt nghiệp của lớp sinh viên tại chức khoa lý luận - sáng tác - chỉ huy năm 2010 - Ảnh: H.Điệp

Đã có tiền lệ xấu

wYXLS2Q8.jpgPhóng to

Ông Vũ Chí Nguyện - Ảnh: H.Điệp

* Năm 2008 đã có tiền lệ thầy Nguyễn Thiếu Hoa thu của sinh viên thi tốt nghiệp mỗi người 3 triệu đồng đúng không ạ?

- Đúng, và chính tôi là người giải quyết bằng việc yêu cầu thầy Hoa trả lại tiền cho sinh viên. Nhưng lần này sự việc đã xong tôi mới biết.

Không giống những ngành học khác tại các trường âm nhạc ở VN, tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN, mỗi sinh viên chuyên ngành sáng tác (khoa lý luận - sáng tác - chỉ huy) khi ra trường đều phải có tác phẩm giao hưởng được chơi trên dàn nhạc sống trong buổi biểu diễn tốt nghiệp.

Bảy học viên chuyên ngành sáng tác của khóa 16, 17 và 18 hệ tại chức và một học viên cao học đã có một buổi thi tốt nghiệp như thế. Tuy nhiên, theo phản ảnh của một số sinh viên tham gia buổi thi, số tiền phải bỏ ra để tổ chức buổi thi quá lớn, gần 20 triệu đồng/người, vượt xa mức tưởng tượng của họ.

Anh Đào Hải (sinh viên hệ tại chức K17, hiện đang làm việc tại Nhà hát Chèo VN) cho biết: “Tôi chuẩn bị 12 triệu đồng cho buổi biểu diễn tốt nghiệp, bởi theo tìm hiểu của tôi, ở những khóa trước mức tiền dành cho buổi thi (gồm thuê nhạc công và chỉ huy dàn nhạc) chỉ có từng ấy. Khi trưởng nhóm - người được cử ra để liên hệ với dàn nhạc và chỉ huy - thông báo số tiền mỗi người phải nộp là 20 triệu đồng, tôi thật sự ngỡ ngàng và phải đi vay thêm gần chục triệu nữa để nộp cho đủ. Số tiền đó gần bằng một năm lương của tôi. Tôi chỉ biết nộp tiền mà không được lựa chọn người chỉ huy hay “mặc cả” với dàn nhạc. Trưởng nhóm có nói số tiền này gồm 5 triệu trả cho người chỉ huy (nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa, trưởng khoa), còn 13,5 triệu trả cho dàn nhạc, số tiền còn lại lo một vài việc lặt vặt khác: thuê thu âm, lao công, nước uống... Tổng số tiền chi phí cho buổi thi tốt nghiệp mà bảy học viên phải chi là 135 triệu đồng (mỗi sinh viên sau buổi thi được trả lại 700.000 đồng). Chúng tôi là sinh viên, vả lại đây là chương trình biểu diễn tốt nghiệp nên dù thấy có nhiều điều không hợp lý nhưng không dám phản ứng gì vì cũng không biết phản ứng với ai!”.

Anh Vũ Long (học viên K16, làm việc tự do) và anh Hải nhẩm tính: nếu tính theo thời giá hiện hành, tiền công của mỗi nhạc công nhiều nhất chỉ 1 triệu đồng/người. Như vậy, số tiền dư ra còn quá nhiều!

Anh Long cũng cho biết trưởng nhóm có thông báo thầy (chỉ huy) nói giá của thầy là 5 triệu đồng cho một tác phẩm tốt nghiệp, nếu đồng ý thì làm, không đồng ý thì thôi. Giáo sư Phạm Minh Khang - nguyên trưởng khoa lý luận - sáng tác - chỉ huy, thành viên hội đồng giám khảo - cho biết 5 triệu đồng/sinh viên là số tiền thầy Hoa nhận riêng chứ không liên quan gì đến hội đồng giám khảo. Đây là môi trường đào tạo, không phải kinh doanh nên không thể lấy thị trường để áp dụng với các học trò của mình.

Chúng tôi liên lạc với nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa nhưng ông nói bận, không thể trả lời phỏng vấn. Trong khi đó, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - người tham gia giảng dạy tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN, đồng thời nhiều lần chỉ huy dàn nhạc trong các buổi biểu diễn tốt nghiệp của sinh viên - cho biết thông thường đối với cá nhân nhạc sĩ thì việc chỉ huy dàn nhạc cho mỗi buổi tốt nghiệp là trách nhiệm của thầy đối với sinh viên của mình, học viện cũng có thù lao chút đỉnh nhưng ông chẳng bao giờ nhớ số tiền này.

“Đây là nhà trường chứ không phải thị trường”

* Ông có nghe thông tin về việc thầy chủ nhiệm khoa Nguyễn Thiếu Hoa ra mức giá 5 triệu đồng cho một lần chỉ huy tác phẩm tốt nghiệp?

- Ông Vũ Chí Nguyện (phó giám đốc phụ trách đào tạo Học viện Âm nhạc quốc gia VN): Tôi có biết thông tin này.

* Ông thấy mức giá này thế nào so với những buổi tốt nghiệp khác?

- Như thế là quá cao so với một buổi tốt nghiệp của sinh viên nhạc viện.

Trong việc này tôi thấy thầy không có sự thông cảm với hoàn cảnh của trò. Tuy nhiên, vì đây là chất xám, là tài năng nên thật sự đánh giá thế nào cũng rất khó. Các thầy chỉ huy không có trách nhiệm buộc phải chỉ huy cho buổi thi tốt nghiệp của các em, đồng thời ở mỗi buổi thi nhà trường có mức thù lao rất thấp trả cho các thầy nên cũng có nhiều lứa sinh viên khi thi đã cảm ơn thầy bằng cách này hay cách khác. Nhưng đặt ra mức giá 5 triệu đồng cho một tác phẩm để thu về 35 triệu đồng/kỳ thi (khoảng ba ngày, cả luyện tập - pv) là quá cao.

Và tôi khẳng định lại thầy đã không thông cảm với hoàn cảnh của học trò. Hơn nữa, đây là nhà trường chứ không phải thị trường để áp đặt.

* Ông có thấy việc thầy giáo đề nghị mức giá 5 triệu đồng/tác phẩm tốt nghiệp sẽ tạo ra một tiền lệ xấu sau này?

- Tôi khẳng định sẽ không thể tạo ra tiền lệ xấu được, vì học viện đang chuẩn bị họp các thầy chỉ huy và các thầy sáng tác nhằm tìm một quy chế nào đó thật hài hòa để chất xám của các thầy được coi trọng và phù hợp với hoàn cảnh của học trò.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên