Phóng to |
Bước ra khỏi phòng họp tại học viện, ông Nguyễn Thiếu Hoa (trưởng khoa lý luận - sáng tác - chỉ huy của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) nói ông không có trách nhiệm trả lời báo chí. Tuy nhiên, khi được hỏi ông có điều gì để nói với công luận, ông cho biết: “Tôi rất mừng vì chuyện này đã ra đến công luận để thấy rằng lao động nghệ thuật, chất xám được đền đáp ra sao, xứng đáng như thế nào, đó là một cách để giải thích rõ cho công luận được biết. Để chỉ huy được một bản giao hưởng gồm ba chương mà chỉ có 5 triệu đồng thì tôi quá ưu ái, giúp đỡ đối với sinh viên rồi. Trong khi để chỉ huy một bản giao hưởng ba chương thì giá thị trường có thể 100 triệu đồng hoặc nhiều hơn nữa”.
Đồng thời ông Hoa cũng khẳng định: “Giá thị trường là giá thỏa thuận giữa hai bên, có thể 5 triệu, có thể 10 triệu, 20 hoặc 100 triệu đồng. Tôi lấy 5 triệu đồng nhiều người còn cho là quá bèo bọt. Người ta còn nói anh có thể lấy 20, 30 triệu đồng hoặc nhiều hơn nữa. Tôi không có trách nhiệm thông báo. Còn ai vi phạm pháp luật thì cơ quan điều tra phải vào cuộc chứ không phải ý kiến của nhà báo”.
Trong khi đó, theo tìm hiểu khác của Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tiến Phúc - đội trưởng Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, đơn vị từng nhiều lần cộng tác với nhạc sĩ Nguyễn Thiếu Hoa, cho biết mức 3-5 triệu đồng (cho cả hai buổi biểu diễn có bán vé, mỗi buổi 90 phút) cũng là mức trả cho ông Nguyễn Thiếu Hoa trong những buổi làm việc giữa ông Hoa và dàn nhạc.
Nội dung của buổi làm việc sáng 19-5 không được tiết lộ nhưng ông Vũ Chí Nguyện - phó giám đốc học viện - cho biết: “Nhạc sĩ Nguyễn Thiếu Hoa có quan điểm khác với ban giám đốc, Đảng ủy học viện nên buổi họp chưa đi đến được thống nhất, anh Hoa yêu cầu được đối chất với các sinh viên”. Tuy nhiên, theo ông Nguyện, dù có xảy ra bất kể tình huống gì thì Học viện cũng đứng về phía sinh viên. “Bất kể lý do gì đưa ra mang tính chất thị trường chúng tôi không chấp nhận, bởi nói gì thì nói anh là người thầy. Lý do gì thì cũng còn một thứ sâu xa hơn là tình thầy trò” - ông Vũ Chí Nguyện nói.
Ông Nguyện cũng cho biết trong thời gian gần nhất học viện sẽ sắp xếp để có buổi làm việc giữa các sinh viên, ông Nguyễn Thiếu Hoa và ban giám đốc học viện.
Thầy cô đứng lớp hỗ trợ hết mức * Cô Hoàng Điệp (chỉ huy dàn nhạc và cũng là giảng viên khoa lý luận - sáng tác - chỉ huy của Nhạc viện TP.HCM): Để thực hiện một buổi thi tốt nghiệp với dàn nhạc tại Nhạc viện TP cũng không quá đắt. Thông thường sinh viên tốn một khoản thù lao vừa phải dành cho dàn nhạc và chỉ huy chừng 7-8 triệu đồng (chi phí các sinh viên khoa này của Học viện Âm nhạc quốc gia VN phải chi vừa qua là gần 20 triệu đồng - PV). * Cô Văn Thị Minh Hương (giám đốc Nhạc viện TP.HCM): Theo quy định của Nhà nước cũng như của nhạc viện, những buổi thi tốt nghiệp của sinh viên sẽ được nhạc viện hỗ trợ 100%. Do đặc thù của ngành học, quy định dành cho khoa lý luận - sáng tác - chỉ huy hơi khác. Riêng về chuyên ngành sáng tác, nhà trường sẽ hỗ trợ phòng thu để các bạn ghi âm tác phẩm tốt nghiệp của mình. Nếu như tác phẩm đó cần sự trợ giúp của chỉ huy, nhạc công, ca sĩ... thì sinh viên sẽ tự tìm kiếm các cộng sự. Chuyện có bồi dưỡng và mức bồi dưỡng các cộng sự là bao nhiêu tùy thỏa thuận của sinh viên với các cộng sự, không liên quan gì đến nhạc viện và các sinh viên phải làm cam kết về việc này. Tôi cũng nhận thấy nhiều sinh viên trong nhạc viện được các nhóm bạn cùng thầy cô đứng lớp hỗ trợ hết mức cho buổi thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, hiện rất ít sinh viên chọn cách thu tác phẩm trực tiếp với dàn nhạc, mà chọn hình thức làm nhạc trên máy tính với sự hỗ trợ từ các phần mềm và kỹ thuật phòng thu nhiều hơn. Nhà trường sẽ hỗ trợ toàn phần nếu các em chọn hình thức thứ hai. Q.N. ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận