19/12/2018 10:23 GMT+7

Chỉ khoảng 300 doanh nghiệp phụ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Trong hơn 3.000 doanh nghiệp nội địa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia được chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chỉ khoảng 300 doanh nghiệp phụ trợ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu - Ảnh 1.

Nghị quyết thúc đẩy công nghiệp phụ trợ sẽ được ban hành sau hội nghị - Ảnh: N.AN

Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng ngày 19-12.

Theo phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, ngành CNHT đã có bước phát triển nhất định khi có sự hỗ trợ của doanh nghiệp nước ngoài như Samsung, hay Công ty Trường Hải đầu tư sản xuất và là nhà cung ứng linh kiện.

Công nghiệp phụ trợ ở đâu trên bản đồ thế giới?

Tuy nhiên, phó thủ tướng cho rằng ngành CNHT thiếu đầu tàu đủ khả năng dẫn dắt khi doanh nghiệp không tha thiết đầu tư, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu phát triển. Các doanh nghiệp FDI phần lớn để khâu nghiên cứu ở nước ngoài, tại Việt Nam đầu tư ít.

Các doanh nghiệp đầu tư cũng chủ yếu mới chỉ nhìn thị trường trong nước mà chưa nhìn ra thị trường toàn cầu. Do đó, phó thủ tướng đề nghị, hội nghị này phải làm rõ công nghiệp hỗ trợ ở đâu trên bản đồ thế giới.

Phó thủ tướng cũng cho biết ngay sau ngày hôm nay sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển công nghiệp phụ trợ, các chính sách dài hạn sẽ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ ban hành.

Đánh giá tổng quan về ngành, bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện Việt Nam có khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng và hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất nguyên liệu dệt may, da giày.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng hơn 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới chưa nhiều.

Hạn chế của CNHT, theo ông Tuấn Anh, là chính sách và khuôn khổ pháp luật được ban hành chậm, chưa đáp ứng thực tiễn và chưa đồng bộ như thuế, tín dụng, đất đai, môi trườn, chưa tạo ra cơ chế mạnh mẽ thúc đẩy phát triển.

Trong khi đó, quy mô và năng lực sản xuất còn thấp, trong nước chủ yếu là linh kiện, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ còn thấp, chưa tuân thủ chuỗi sản xuất của tập đoàn đa quốc gia.

Chính sách thiếu đồng bộ, năng lực doanh nghiệp yếu

Bộ trưởng Công Thương cũng nhận định khả năng tự cung ứng các sản phẩm CNHT còn nhiều bất cập, nhập siêu linh kiện, phụ tùng còn lớn như ngành dệt may, da giày mới chỉ đạt 40-45%; ngành sản xuất, lắp ráp ô tô mới đạt 7-10%; điện tử, viễn thông đạt 15%, điện tử chuyên dụng và các ngành công nghiệp công nghệ chỉ đạt 5%.

Nguyên nhân, theo ông Trần Tuấn Anh, là Việt Nam phải tuân thủ các cam kết quốc tế nên hạn chế chính sách phát triển CNHT. Dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, trong khi DN chịu sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác.

"Việt Nam chưa có các tập đoàn lớn tầm cỡ khu vực và toàn cầu, gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực để tạo tính lan toả, dẫn dắt nền công nghiệp", bộ trưởng nói.

Trong khi đó, trình độ DN nội địa chưa đáp ứng được yêu cầu chuỗi sản xuất, chất lượng các chính sách còn hạn chế, môi trường kinh doanh chưa đủ hấp dẫn thu hút đầu tư, khởi nghiệp ngành công nghiệp chế tạo còn nhiều khó khăn và rủi ro.

Đáng chú ý là chưa có cơ quan đủ mạnh để chịu trách nhiệm phát triển ngành CNHT, địa phương cũng chưa thực sự quan tâm phát triển.

Bộ trưởng Công Thương nhắc lại mục tiêu đến năm 2020 sản phẩm CNHT của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu và tiêu dùng nội địa, chiếm 25% giá trị xuất khẩu; năm 2030 đáp ứng được 70% nhu cầu.

Theo đó, các giải pháp tập trung là tiếp tục xây dựng hoàn thiện chính sách, thúc đẩy một số ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, có chính sách ràng buộc và khuyến khích các địa phương trong bố trí ngân sách phát triển CNHT.

Thúc đẩy phát triển thị trường cho các ngành hạ nguồn, chú trọng ngành ôtô, điện tử, dệt may, da giày, ngành công nghiệp vật liệu, thu hút đầu tư.

Nâng cao năng lực doanh nghiệp trên cơ sở triển khai hiệu quả chương trình, bố trí vốn đầu tư xây dựng và phát triển 3 trung tâm hỗ trợ; hỗ trợ tín dụng, vốn vay, tháo gỡ vướng mắc thuế, hỗ trợ xử lý môi trường...

Đầu tư 30 triệu USD vào công nghiệp phụ trợ da giày Đầu tư 30 triệu USD vào công nghiệp phụ trợ da giày

TT - Tập đoàn Avery Dennison RBIS - Mỹ đã đưa vào hoạt động nhà máy kỹ thuật sản xuất bao bì, nhãn hiệu, phụ liệu trang trí trên mọi chất liệu tại Khu công nghiệp Long Hậu

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên