Thông tin nhắn tin góp đá của các cơ quan, đơn vị từ Hà Nội, Đà Nẵng đến TP.HCM, Đồng Tháp vẫn đang tiếp tục đổ về.
Phóng to |
Chuyến tàu chở đá thứ 3 cập đảo Đá Tây Đúng 8g ngày 25-10, tàu Trường Sa 21 chở theo 1.000 tấn vật liệu bao gồm sắt thép, ximăng, đá và hàng hậu cần đã thả neo an toàn tại cảng Đá Tây. Theo đại úy Nguyễn Tiến Dũng - thuyền trưởng tàu Trường Sa 21, chuyến hải trình chở vật liệu xây dựng ra Đá Tây lần này vất vả hơn chuyến đầu tiên (giữa hai chuyến chở đá của Trường Sa 21 có một chuyến của tàu khác chở 500 tấn đá ra Đá Tây). Lý do là gió mùa đông bắc thổi mạnh, biển động ngay từ khi vừa xuất phát cách đất liền 20 hải lý. Vận tốc của tàu phải giảm từ 7 hải lý xuống còn 5 hải lý/giờ trong gần như suốt hành trình, vì vậy sau ba ngày ba đêm tàu mới đến được Đá Tây. Chỉ 30 phút sau khi thả neo, 8g30 sáng những tấn hàng vật liệu đầu tiên đã được chuyển xuống xuồng trung chuyển để kéo vào tập kết tại công trường xây dựng đảo của các chiến sĩ trung đoàn công binh 131. |
Trong không khí sôi động của “Ngày hội HUFLIT Open Day 2011 - Ngày biển gọi” diễn ra sáng 23-10, thầy trò Trường đại học HUFLIT đã cùng nhau tổng kết cuộc vận động “Góp đá xây Trường Sa”. Thầy Bùi Khánh Thế - phó hiệu trưởng - đã trao số tiền 65,9 triệu đồng và 10 cuốn sách “Học tập di sản ngôn ngữ Hồ Chí Minh” do mình viết cho đại diện báo Tuổi Trẻ. Đây là số tiền do toàn bộ cán bộ, giảng viên, sinh viên trong toàn trường đóng góp.
“Từ tháng 9-2011 đến nay, cuộc vận động ở trường chúng tôi diễn ra rất sôi nổi với nhiều chương trình khác nhau từ tuyên truyền vận động đến tổ chức triển lãm, chiếu phim về Trường Sa, tiết kiệm kinh phí các hoạt động gần đây để đóng góp cho Trường Sa thân yêu” - thầy Thế cho biết.
Trong buổi lễ, rất nhiều sinh viên, giảng viên hào hứng nhắn tin đến 1408 để ủng hộ cho Trường Sa. Sau khi nhắn tin, các bạn sinh viên đồng loạt hô vang “Việt Nam, Trường Sa”.
Cũng ở TP.HCM, gần 70 học viên lớp ngôn ngữ ký hiệu của CLB Người khiếm thính TP.HCM tại Trường THCS Trần Văn Ơn (P.Đa Kao, Q.1) đã đồng loạt nhắn tin cho chương trình. Khi cô giáo Phạm Thị Phương Thảo ra ký hiệu cùng nhắn tin, lớp học xôn xao, những cánh tay không ngừng “nói”. Một bạn nữ nhanh nhẹn ghi dòng chữ “TRUONGSA gửi 1408” lên bảng.
Cô Thảo “dịch” lại rằng: “Các bạn xem báo thấy chương trình rồi nhưng muốn một bạn viết lại số tổng đài lên bảng để cùng nhau nhắn tin”. Thầy Đoàn Thiện Khiêm, chủ nhiệm lớp học và cũng là người đồng cảnh với các bạn khiếm thính, nhờ cô Thảo nhắn gửi những chia sẻ của mình: “Người khiếm thính nhiều người không có việc làm, không dư dả nhưng cũng là người dân Việt Nam, cũng mong muốn được đóng góp một phần để xây dựng biển đảo”.
Bí thư Đoàn Trường ĐH Tài chính - marketing Hồ Thanh Trúc cũng vừa đến trao cho báo Tuổi Trẻ số tiền 50 triệu đồng. Đây là kết quả hơn một tháng phát động phong trào “Mỗi đoàn khoa là một ống heo” để các bạn sinh viên cùng thể hiện tinh thần vì biển đảo quê hương. Chị Trúc cho biết đợt 2 tiếp tục diễn ra từ cuối tháng 10 đến 20-11 với nhiều hoạt động hướng về biển đảo: tuần văn nghệ (mỗi tối một khoa tổ chức biểu diễn) kêu gọi ủng hộ chương trình “Góp đá xây Trường Sa” và nhiều buổi sinh hoạt chủ điểm “Sinh viên với biển đảo quê hương”.
Từ Đồng Tháp, công đoàn Đài phát thanh - truyền hình Đồng Tháp cho biết cũng tổ chức cho toàn thể cán bộ, viên chức đài gửi tin nhắn tham gia chương trình “Góp đá xây Trường Sa”. 120 cán bộ, viên chức đài đã đồng loạt nhắn tin “TRUONGSA” gửi 1408. Ngoài ra, đài cũng vận động cán bộ, viên chức phát động người thân tham gia nhắn tin góp đá.
Theo ban giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Đồng Tháp, hiện đài đang phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức một đêm văn nghệ tại TP Cao Lãnh để vận động mọi người “Góp đá xây Trường Sa” vào đầu tháng 11-2011.
Phi công góp đá
Tại sân bay Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), hơn 400 cán bộ, phi công và nhân viên của Công ty Trực thăng miền Nam (Công ty Bay dịch vụ miền Nam trước đây) đã tổ chức lễ “Góp đá xây Trường Sa”. Đại tá Nguyễn Phú Hiên, bí thư đảng ủy công ty, cho biết: “Cùng với nhân dân cả nước luôn hướng về Trường Sa thân yêu, qua chương trình “Góp đá xây Trường Sa”, toàn thể công ty cũng mong muốn mang tình cảm, góp một phần công sức để xây dựng Trường Sa vững chãi nơi biên cương của Tổ quốc. Nên khi công ty phát động góp đá, ai cũng hăng hái tham gia ngay”. Ông Lê Văn Hòa, chủ nhiệm chính trị công ty, cho biết vùng biển Trường Sa và DK1 là địa bàn hoạt động của công ty nên việc góp đá mang ý nghĩa lớn, thiết thực. Trước khi công ty tổ chức lễ góp đá, hầu hết cán bộ, nhân viên trong công ty đã nhắn tin cho tổng đài 1408. Sau gần một giờ góp đá, Công ty Trực thăng miền Nam đã thu được 50 triệu đồng. Bán hoa đóng góp cho Trường Sa
Tổ chức ngày hội bán hoa là ý tưởng của nhóm sinh viên khoa lịch sử thuộc Trường đại học Sư phạm Huế trong đợt kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20-10. Với tinh thần “Tất cả vì Trường Sa”, nguồn thu từ bán hoa sẽ là một viên đá nhỏ gửi ra đảo xây dựng Trường Sa. Bạn Trần Văn Tiến, sinh viên năm 4 ngành lịch sử, cho biết: “Ý tưởng này đã được Hội Liên hiệp thanh niên và ban chấp hành Đoàn trường cùng đông đảo sinh viên trong trường nhiệt tình ủng hộ. Qua đây cũng khơi dậy tinh thần yêu nước trong thế hệ trẻ nói riêng và toàn xã hội nói chung”. |
Các cơ quan, đơn vị tổ chức sự kiện “Góp đá xây Trường Sa” cần hỗ trợ thông tin, tư liệu, hình ảnh xin liên hệ: chị Đan Tâm, số điện thoại: 0839973838 (máy lẻ 182), email: dantam@tuoitre.com.vn.
[image-53aeb1da4eb3a]Phóng to |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận