38 năm qua, từ chiếc giường bên ô cửa sổ này, với nghị lực mạnh mẽ, nhiều tác phẩm của Trần Hồng Giang đã ra đời - Ảnh: LÊ CÔNG |
“Cuộc sống cũng như một bức tranh, muốn nó đẹp và rực rỡ thì chính mình phải là người tô màu cho nó. Tôi đã và đang cố tô màu cho cuộc sống bằng chính sức lao động của mình. Cứ hết mình đi đã! Nếu cuộc sống không thành màu hồng thì nhất định không thể để nó trở thành một màu xám đầy u ám” - anh mở đầu cuộc đối thoại với Tuổi Trẻ.
“Phải sống”
* Chào Trần Hồng Giang, một ngày của anh diễn ra như thế nào?
- Một ngày của tôi chỉ giống với mọi người là có 24 giờ, còn về tính chất thì rất khác người khác. Mọi thứ trong sinh hoạt và làm việc của tôi đều diễn ra... trên giường. Nhưng quan trọng là trong 24 giờ ấy mình làm được cái gì.
* Anh bị tai nạn lúc 5 tuổi làm đôi chân anh teo tóp, bàn tay co quắp, gia đình đã phải chạy chữa khắp nơi. Anh có từng oán hận cuộc sống của mình không?
- Tôi bị tai nạn khi đang chơi đùa cùng người anh trai lúc đó 10 tuổi. Một chấn thương nặng vào đốt sống cổ đã dẫn đến việc tôi bị bại liệt toàn thân kể từ đó. Suốt khoảng thời gian ấu thơ của tôi là những tháng ngày lê la hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, hết ông lang vườn này đến ông giáo sư kia.
Tất cả những địa chỉ khả dĩ đều đã được cha mẹ đưa tôi đến. Và đương nhiên đồng hành với cuộc trường chinh ấy là tiền. Cha mẹ tôi đã phải bán đi tất cả những gì có thể bán để có được tiền. Chỉ còn ngôi nhà gia đình tôi ở là không thể bán vì khi đó nó thuộc sở hữu của bà nội tôi. Giờ nghĩ lại tôi thấy đó là một sự may mắn.
Suốt hơn 10 năm trời đằng đẵng, chỉ đến khi một bà giáo sư chuyên khoa tủy sống nói với cha mẹ tôi rằng: “Thôi, đừng tốn công tốn của làm gì nữa, hãy chấp nhận đi!”, thì công cuộc tìm thầy chữa bệnh cho tôi mới kết thúc. Sự kết thúc ấy làm tôi sốc. Khi ấy tôi vẫn còn là một đứa bé nên đã hậm hực, vật vã nghĩ rằng ông trời thù hận gì với mình mà bất công thế.
* Tôi nghe mẹ anh kể lại rằng khi biết mình không bao giờ lành bệnh, anh đã tìm cách để được chết và rồi quyết định dừng lại khi gom được 39 viên thuốc ngủ. Lý do tại sao?
- Khi con người ta đang ở dưới hố sâu tuyệt vọng thì mọi thứ tồi tệ nhất đều có thể diễn ra. Tôi cũng vậy, chỉ có điều sau đó tôi đã may mắn nhận ra rằng sống mới khó chứ chết thì rất dễ. Đơn giản vậy thôi!
Hiện tôi vẫn luôn thường xuyên giữ bên mình một lượng thuốc ngủ đủ để có thể chết bất cứ lúc nào. Thế nhưng tôi làm điều ấy với mục đích để cho mình luôn có ý nghĩ “chết rất dễ” như một sự nhắc nhở rằng mình phải sống, phải sống, sống quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa!
Người thầy của chính mình
* Đoạt nhiều giải thưởng của các cuộc thi viết; 7 đầu sách đã in; cuốn tiểu thuyết Những con vịt cánh sẻ chuẩn bị được tái bản; là quản trị viên của nhiều diễn đàn; đọc viết tiếng Anh thành thạo; thiết kế web; diễn thuyết tại các cơ quan, trường học về nghị lực sống... Để có một Trần Hồng Giang ngày hôm nay, chắc hẳn anh đã phải trải qua rất nhọc nhằn và cả nước mắt?
- Những kiến thức mà tôi thu nhận cho tới lúc này đều đến rất tự nhiên. Từ việc học chữ, học ngoại ngữ, học công nghệ thông tin... đều diễn ra theo một cách chẳng giống ai. Không có ai dạy tôi cả. Nhờ các cuốn sách tập đọc của anh chị mình mà tôi đã nhập tâm tập đọc say sưa.
Việc học tiếng Anh thì khác. Khi đó tôi vô tình có được một cuốn sách với hình minh họa khá đẹp, thế nhưng tôi không đọc được nội dung của nó chỉ vì nó không phải là tiếng Việt. Tôi tự đặt ra cho mình sự quyết tâm rất cao là phải học bằng được thứ ngôn ngữ phổ biến nhất thế giới.
Khi tôi biết đến các chương trình dạy tiếng Anh trên sóng phát thanh thì nó bỗng trở thành một cánh cửa mới được mở ra. Sau khi hoàn tất các chương trình học qua đài phát thanh, tôi tiếp tục theo đuổi việc học bằng cách nhờ người tìm mua tất cả các giáo trình dạy tiếng Anh kèm băng cassette.
Khi học công nghệ thông tin thì tôi có nhiều thuận lợi hơn nhờ “ông thầy Internet”. Tôi đã rất dễ dàng học được những kiến thức cần thiết về tin học và hiện tại đã có thể kiếm tiền từ các việc như thiết kế, quản trị web...
* Anh dùng bút kẹp vào má để di chuyển thay cho những ngón tay không cử động được bình thường, gõ phím máy tính bằng cách ngậm chiếc đũa trong miệng. Thế nhưng anh vẫn lao động và sáng tác rất say mê?
- Đúng vậy. Với người được tới trường lớp học hành dưới sự chỉ bảo của thầy cô thì chưa hẳn đã dễ dàng. Đằng này tôi hoàn toàn phải tự tìm tòi, mò mẫm. Tuy nhiên không hiểu sao tôi lại không cảm nhận đó là vất vả mà ngược lại, nó còn là một niềm đam mê, thích thú.
* Động lực nào giúp anh vượt qua nhiều khó khăn như thế?
- Tôi nghĩ rằng đó là bản năng sống của mỗi người. Khi con người ta lâm vào cảnh khốn cùng, bị dồn vào chân tường thì tự khắc sẽ có sự trỗi dậy mạnh mẽ. Giống như một con thú khi mắc bẫy thì nó sẽ dùng hết sức để vùng vẫy hòng thoát thân. Vậy nên chắc chắn rằng không chỉ riêng tôi mà bất cứ ai lâm vào những hoàn cảnh khó khăn thì hẳn đều có được cái sự bứt phá, vùng lên ấy.
Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác mở ra
* Nhiều người nói rằng nếu như thu hẹp khoảng cách giữa chiếc giường bên cửa sổ và với thế giới ngoài kia thì anh còn làm được nhiều điều tốt đẹp hơn nữa. Anh có bao giờ nghĩ nếu mình không là người khuyết tật thì cuộc sống của mình sẽ thành công hơn, hạnh phúc hơn không?
- Tôi không nghĩ như thế mà là thường nghĩ ngược lại. Nếu tôi không bị thế này thì biết đâu lại thành một tên khủng bố, một kẻ phạm tội, một người vô tích sự...
Vậy thì mình thế này là may rồi, may cả cho mình và xã hội. Mẹ tôi hay đem những người thành đạt mà bằng tuổi với tôi ra để so sánh cùng với một sự ngậm ngùi, nuối tiếc. Trong số đó có những người là tiến sĩ, là giám đốc...
Tôi đùa với mẹ rằng sao lại không so sánh con với những tay chuyên bắt trộm chó, những người nghiện ma túy... thế có phải là thú vị hơn không!
* Trên bìa tập thơ đầu tay Nỗi nhớ mùa hè, anh in hai dòng bút tích bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt là “Don’t cry for me” (Đừng khóc cho tôi) và “Tôi muốn được sống có ích cho cuộc đời”. Đó có phải là triết lý sống của anh?
- Đó là tác phẩm đầu tay của tôi cách đây 14 năm. Tôi ghi những dòng chữ đó lên bìa sách để xem đó như là một lời tự động viên chính mình. Mỗi lần nghĩ đến kỷ niệm đó là ít nhiều tôi đều thấy phấn chấn.
* Bây giờ anh sống khỏe nhờ thu nhập từ những việc mình đang làm chứ?
- Có vẻ như là không. Những khoản in ít không ổn định từ các việc biên dịch và quản trị, thiết kế thôi, thêm vào một khoản nhuận bút cũng in ít và không ổn định nữa từ việc viết báo, vậy nên không gọi là sống khỏe được. Dù tôi sống ở quê, giá cả sinh hoạt có đỡ hơn đôi chút nhưng cũng vẫn còn khá nhọc nhằn. Và đó cũng là một áp lực để mình luôn phải cố gắng làm việc.
* Anh có chia sẻ, gửi gắm gì với mọi người, đặc biệt là những người bị rơi vào hoàn cảnh như mình không?
- Tôi sẽ không dám đưa ra một lời khuyên cụ thể nào cả bởi mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai. Vì thế chỉ người trong cuộc mới biết được mình phải làm thế nào. Điều tôi muốn chia sẻ là khi ai đó gặp phải khó khăn thì hãy nhớ cuộc sống luôn có nhiều lối đi. Khi cánh cửa này khép lại thì chắc chắn sẽ có một cánh cửa khác mở ra với mỗi chúng ta. Và nữa, hãy xin nhớ cho rằng chết thì dễ chứ sống tốt mới là khó!
“Xin hãy đừng thương xót cho tôi Đời đẹp lắm với bao niềm ước vọng Tôi vui sướng vì tôi đang được sống Giữa những yêu thương của cuộc sống con người”. Thơ Trần Hồng Giang |
Lan tỏa nghị lực sống * Ngoài công việc viết lách, anh còn tham gia diễn thuyết về kỹ năng, nghị lực sống tại các cơ quan, trường học ở Nam Định và các vùng lân cận. Anh ưu tiên nói điều gì tại các buổi diễn thuyết của mình? - Có lần tôi hỏi một bạn trẻ rằng dự định của em sau 5 năm, 10 năm nữa là gì? Bạn ấy gãi đầu bảo em không biết! Tôi lại hỏi trong cuộc sống hiện tại của mình điều gì làm em thấy có ý nghĩa và điều gì làm em không hài lòng? Bạn ấy vẫn gãi đầu bảo em không biết! Tôi hỏi tại sao em gãi đầu? Bạn ấy vẫn kiên quyết trả lời em không biết! Một thanh niên ở độ tuổi đôi mươi mà cứ ngây ngô như thế, rất đáng thương. Bởi vậy trong các cuộc nói chuyện, tôi đều chú trọng hướng cho các em tới những tình huống, những hoàn cảnh cụ thể để các em tự rút ra được những kinh nghiệm cho mình. |
Một con người phi thường!
Tôi biết cuộc sống của Giang rất khó khăn. Cha anh là thương binh mất một tay, không trợ giúp được anh trong sinh hoạt hằng ngày. Mẹ vừa lớn tuổi vừa bị bệnh tim. Thế nhưng Giang không bao giờ than vãn. Tôi biết anh không muốn có một bài báo nào viết về anh theo kiểu để xin cứu trợ từ bạn đọc”. Giang là một trong những người mà tôi rất cảm phục. Không đi được từ lúc 5 tuổi nhưng anh làm được rất nhiều việc mà những người bình thường không làm được. Anh từng làm biên tập trong một thời gian, làm thơ, viết văn và rất giỏi tin học. Từ thiết kế web, quản lý web, xử lý các trục trặc về phần cứng và phần mềm anh đều làm được hết. Anh nằm đấy, cách chỗ tôi gần 200km, nhưng hễ tôi gặp bất cứ vấn đề nào về máy tính và tin học tôi đều gọi điện để xin giải pháp từ anh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận