Nhiều phụ nữ diện áo dài rực rỡ đến tham quan, chụp ảnh với tháng 3 mùa hoa gạo nở tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Ảnh: THÚY HIỀN
Dưới gốc gạo cổ thụ ấy là thảm hoa đỏ rực, là quán nước trà có cô hàng nước xinh tươi, đống rơm vàng, những đôi quang gánh, xe thồ và bao trò chơi dân gian của những ngày xưa thơ bé như ô ăn quan, đánh chuyền, là cầu đá mấy trăm tuổi, là cây hương đá chùa Tứ Kỳ là bảo vật quốc gia…
Đây chính là tour tham quan Bác Cổ - Mùa hoa gạo - một sản phẩm du lịch mới do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Công ty lữ hành Hanoitourist giới thiệu tới du khách thủ đô, một sản phẩm du lịch mới chào mừng việc mở cửa du lịch trở lại của hai đơn vị này.
Hoa gạo đã trải thảm đỏ dưới gốc cây và thắp lửa trên trời - Ảnh: T.ĐIỂU
Là sản phẩm du lịch mới, đáp ứng thị hiếu của người dân, đặc biệt là nhu cầu du lịch gần ngay trong thành phố theo nhóm nhỏ bạn bè, gia đình, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang trở thành điểm đến nhộn nhịp của du khách.
Khách đến đây đủ mọi lứa tuổi, người lớn tuổi thì mong tìm lại kỷ niệm thơ ấu, còn các em nhỏ, các bạn trẻ thì mong được tìm hiểu, cảm nhận và hình dung về phong cảnh làng quê xưa.
Những lối đi nhuộm đầy hoa đỏ, những trò chơi dân gian như ô ăn quan, đánh chuyền được bố trí cho khách được trở về với làng quê xưa - Ảnh: T.ĐIỂU
Bên tòa dinh thự Pháp cổ màu vàng đặc trưng gần 100 tuổi, cây gạo được cho là to lớn và già nhất ở Hà Nội đang vào độ rộ hoa, "thắp lửa" trên trời và trải thảm hoa đỏ dưới gốc nên rất hút người dân đến chụp ảnh kỷ niệm với tháng 3.
Bảo tàng đã khéo léo xếp đặt một tiểu cảnh nông thôn với quán nước bên gốc gạo triền đê, đống rơm, quang gánh, xe thồ và những trò chơi dân gian của con trẻ, gợi bao ký ức làng quê còn in đậm trong nhiều thế hệ.
Khung cảnh quán nước bên gốc gạo triền đê và những chuyến xe thồ khiến khách tham quan thích thú - Ảnh: T.ĐIỂU
Khung cảnh làng quê này càng thật hơn khi tòa công trình kiến trúc của bảo tàng gợi nhắc tới mái đình truyền thống của người Việt, xung quanh là những gốc đa, gốc đại, cùng bao hiện vật gợi nhớ làng quê như cây cầu đá từ thời Lê hay cây hương đá chùa Tứ Kỳ (Hà Nội) hàng trăm năm tuổi đã được công nhận Bảo vật quốc gia dựng trong sân bảo tàng.
Xa xa bên kia con đê sông Hồng là những bến nước đã đi vào lịch sử như bến Đông Bộ Đâu, bến Chương Dương, bến Bạch Đằng. Ngày nay vẫn còn dấu tích những bến sông này khá gần Bảo tàng Lịch sử quốc gia để du khách có thể kết hợp tham quan.
Trẻ em thích thú hòa mình vào không gian làng trong phố - Ảnh: T.ĐIỂU
"Có thể nói với tốc độ đô thị hóa hiện nay, khó tìm thấy khung cảnh gợi nhắc làng quê xưa của Việt Nam như tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia" - phó giám đốc bảo tàng Nguyễn Thị Thu Hoan khẳng định.
Người lớn cũng muốn tìm lại ký ức xưa thơ bé bên gốc gạo được cho là lớn và già nhất ở Hà Nội - Ảnh: T.ĐIỂU
Trong tháng 3, ban tổ chức giảm một nửa giá vé cho tất cả khách hàng, chỉ còn 75.000 đồng với người lớn và 25.000 đồng với trẻ em dưới 12 tuổi với tour có hướng dẫn viên; giá vé người lớn tham quan, chụp ảnh, chơi trò chơi dân gian tự do chỉ 50.000 đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận