04/01/2016 08:52 GMT+7

Chế tạo xe đa năng cho người liệt

DUY THANH (duythanh@tuoitre.com.vn)
DUY THANH (duythanh@tuoitre.com.vn)

TT - Không chỉ là “đôi chân” để đi lại, chiếc xe lăn chạy bằng điện của nông dân Nguyễn Văn Thắng (52 tuổi, ở P.Xuân Yên, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) còn giúp người bị liệt hai chân có thể đứng được để tự chủ trong các sinh hoạt cần thiết của mình.

Ông Thắng và chiếc “xe lăn điện dạng đứng” - Ảnh: Duy Thanh
Ông Thắng và chiếc “xe lăn điện dạng đứng” - Ảnh: Duy Thanh

Anh Phạm Ngọc Sơn, 42 tuổi, ở cùng P.Xuân Yên, mê mẩn khi thấy ông Thắng “trình diễn” điều khiển chạy lui, chạy tới, quay các hướng... chiếc xe lăn chạy bằng bình ăcquy của ông. Đến khi được ông Thắng cho trực tiếp thử nghiệm việc “đứng” và nằm thẳng trên chiếc xe lăn này thì anh Sơn không giấu được niềm sung sướng.

So với các loại xe lăn đang có trên thị trường thì chiếc xe của ông Thắng có nhiều tiện ích hơn, giúp người bệnh tự chủ trong chăm sóc bản thân và các hoạt động của họ. Đáng quý hơn, ông chỉ là một nông dân, xuất phát từ tình yêu thương dành cho người thân và những người tàn tật mà đã bỏ công sức trong thời gian dài để làm nên sản phẩm này

THS NGUYỄN HOÀI SƠN (chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Phú Yên, trưởng ban tổ chức hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ VI)

Liệt chân vẫn “đứng” và “đi”

Anh Sơn ngồi vào chiếc xe lăn, khóa an toàn bằng đai thắt lưng (như khi ngồi trên ôtô) và các đai an toàn khác ở đùi cùng hai bắp chân. Anh đưa tay trái gạt chiếc công tắc, trong vòng 12 giây, phần ghế ngồi và phần lưng tựa của chiếc xe chuyển động, nâng anh “đứng” dậy. Cũng bằng vài thao tác đơn giản, anh điều khiển chiếc xe “đi” đến trước cổng nhà hàng xóm để... “đứng” tán dóc.

Nếu ở trong nhà, không gian hẹp khó xoay trở, ông Thắng hướng dẫn anh Sơn ngồi lăn tay hoặc điều khiển xe tự động chạy đến vị trí cần thiết rồi bật công tắc để “đứng” dậy, vừa tập luyện chân vừa tự thực hiện những việc trong sinh hoạt hằng ngày như soi gương chải tóc, đánh răng, với tay lấy sách...

Nếu đứng lâu mỏi chân thì anh Sơn có thể ngồi trong tư thế đứng trên chiếc yên phụ (là yên xe đạp) được tích hợp dưới ghế ngồi chính và tự động điều chỉnh vị trí phù hợp. Khi cần, anh Sơn lại bật công tắc, trong bảy giây đồng hồ, chiếc xe sẽ giúp anh nằm thẳng với phương ngang để nghỉ ngơi, thư giãn, đọc sách, lướt web qua điện thoại...

“Tôi quá thích thú với chiếc xe do anh Thắng sáng chế này. Niềm mơ ước lớn nhất của người bị tàn tật đôi chân là được đứng dậy thì chiếc xe này đã hỗ trợ được và cũng có thể cho người bại liệt chân như tôi nằm nghỉ bất kỳ nơi nào khi thấy mỏi mệt. Chiếc xe này quá hay!” - anh Sơn thổ lộ.

Vợ cùng làm thí nghiệm

Ông Nguyễn Văn Thắng kể cơ duyên ông quyết định làm chiếc xe lăn điện dạng đứng này là vì có một người em trai bị tai nạn giao thông liệt cả đôi chân vào năm 2011.

Nuôi bệnh người em, ông Thắng cảm nhận được sự vất vả của người nuôi cũng như sự khó khăn, đau khổ, mặc cảm của người bị liệt chân, đó là chưa kể đôi chân người bệnh lâu ngày không vận động có biểu hiện teo cơ, co quắp các ngón.

“Tôi bắt tay nghiên cứu để làm từ năm 2011 và đến cuối năm 2014 mới xong. Đương nhiên là vô cùng khó khăn bởi tôi chỉ là anh nuôi tôm, anh thợ xây dựng, chẳng có kiến thức gì về cơ khí, tự động hóa. Thường người ta có ăn có học thì họ nắm vững lý thuyết rồi mới thi công, còn tôi thì thi công xong mới đúc kết ra... lý thuyết và thiết kế!

Tôi thất bại nhiều lắm, từng cơ chế hoạt động một của chiếc xe làm tôi đau đầu, mất ăn mất ngủ hàng tháng trời.

Toàn bộ là tôi làm thủ công, tôi kiếm luôn máy hàn, máy cắt về mà làm chứ hàn tiệm người ta không kiên nhẫn để thực hiện hết những yêu cầu của tôi. Có những món đồ, chẳng hạn như mấy cái môtơ cho chiếc xe, mỗi cái chỉ 500.000 đồng vì là đồ cũ, nhưng tôi phải tốn nhiều triệu đồng vô Sài Gòn lùng ở nhiều chợ khác nhau mới có.

Nhưng tôi chưa bao giờ nản chí mà quyết phải làm cho bằng được, không chỉ vì đứa em bị nạn của mình mà vì cả những người bị liệt đôi chân khác” - ông Thắng kể.

Kéo quần lên đến gối phải, ông Thắng “khoe” một vết đứt dài trên gối đã liền sẹo, nói rằng đấy là hậu quả của một lần thử nghiệm chiếc xe, còn vợ ông thì bị thương khi chấp nhận để ông làm các thử nghiệm “đứng”, “nằm” với chiếc xe của ông.

Những khó khăn, vất vả của ông cuối cùng cũng được đền đáp bởi chiếc xe lăn điện “5 trong 1” này hoàn chỉnh, được người em sử dụng thành thục. Năm 2015, ông mang chiếc xe này tham dự hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ VI (2014-2015) và được trao giải nhất.

Hiện ông Thắng đã gửi hồ sơ đến Cục Sở hữu trí tuệ để đăng ký bảo hộ sáng chế của mình.

“Tôi tính toàn bộ vật liệu, ngày công để làm ra chiếc xe này chừng 12-13 triệu đồng (trong đó chi phí vật liệu khoảng 7-8 triệu đồng). Tôi cũng nhận được lời đặt hàng của một số người, tuy nhiên một mình tôi cặm cụi thì rất khó để làm nhiều chiếc xe như vậy.

Do đó, tôi nghĩ sau khi đăng ký bảo hộ sáng chế xong, tôi sẽ nhượng bản quyền lại cho một doanh nghiệp nào đó để họ sản xuất thương mại, quy mô công nghiệp để giảm giá thành, đáp ứng nhu cầu cho những người bị liệt chân khắp cả nước, còn tôi thì rảnh óc nghĩ chuyện làm khác” - ông Thắng tâm sự.

Chiếc xe “5 trong 1”

“Xe lăn điện dạng đứng” là tên mà ông Thắng đặt cho sản phẩm của mình. Những chiếc xe lắc lăn tay, xe lăn điện, xe lăn điện tích hợp... đã có lâu nay hỗ trợ người bại liệt đôi chân chỉ 1-2 chức năng, còn chiếc xe của ông Thắng là “5 trong 1”: xe lăn cơ tay thông thường, xe lăn điều khiển vận hành bằng điện, xe lăn dạng đứng, giường nằm, nẹp chân trị liệu phục hồi chức năng.

Các điều khiển tiến, lùi, xoay trái, xoay phải chỉ thực hiện bằng cần điều khiển bên tay phải; còn bên tay trái có hai công tắc, một điều khiển xe “đứng” và một điều khiển xe “nằm”, tay trái cũng là tay thắng của xe.

Ông Thắng cũng nghiên cứu các công tắc tự động, chỉ khi người sử dụng đã thắt các đai an toàn ở bụng, đùi, bắp chân thì các hoạt động “đứng”, “nằm” mới thực hiện được; hoặc khi đã bật công tắc này thì công tắc còn lại không có tác dụng nếu bị bấm nhầm...

Đáng chú ý là ông nông dân này mày mò nghiên cứu để khi thay đổi tư thế từ ngồi sang đứng hoặc nằm thì bánh xe tự động trượt để trọng tâm người sử dụng luôn nằm trong chân đế chắc chắn, xe không bị đổ, lật... Với hai bình điện ăcquy có tổng công suất 24V, xe có thể vận hành đường trường 25km liên tục với tốc độ tối đa là 10km/h.

DUY THANH (duythanh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên